Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201403/nganh-giao-duc-danh-su-thuan-loi-cho-hoc-sinh-458208/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201403/nganh-giao-duc-danh-su-thuan-loi-cho-hoc-sinh-458208/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ngành giáo dục dành sự thuận lợi cho học sinh - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 05/03/2014, 09:09 [GMT+7]

Ngành giáo dục dành sự thuận lợi cho học sinh

(Congannghean.vn)-Ngày 24/2/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức ra Thông báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Phương án rút ngắn từ 6 môn xuống 4 môn mà Bộ GD&ĐT vừa công bố đã nhận được sự đồng tình của hầu hết các em học sinh, giáo viên và phụ huynh bởi học sinh sẽ có được sự thuận lợi và chủ động. Tuy nhiên, đứng về quan điểm của các nhà quản lý giáo dục thì phương án này vẫn còn có nhiều băn khoăn và trăn trở.

Việc thay đổi kế hoạch thi tốt nhiệp THPT nằm trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành T.Ư (khóa XI) về việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, vấn đề đánh giá thi cử được xem là một trong những khâu then chốt. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch cụ thể để lấy ý kiến của các cấp ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, từ đó đưa ra quyết định phương án thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Văn và Toán và 2 môn tự chọn nằm trong 6 môn còn lại là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ.

Việc rút ngắn môn thi tốt nghiệp sẽ giảm áp lực trong thi cử cho học sinh
Việc rút ngắn môn thi tốt nghiệp sẽ giảm áp lực trong thi cử cho học sinh

Ông Nguyễn Hoàng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Khi triển khai kế hoạch này, Bộ GD&ĐT dành phần khó khăn cho các cấp quản lý và dành sự thuận lợi cho các em học sinh. Bởi lẽ, với phương án thi 4 môn thì công tác tổ chức sẽ có phần phức tạp hơn từ khâu làm đề thi, bố trí thời gian thi đến việc tổ chức sắp xếp hội đồng thi của các địa phương. Còn riêng đối với học sinh thì các em được giảm tải và sẽ có sự chủ động hơn rất nhiều.

Trao đổi về vấn đề này, hầu hết các em học sinh, giáo viên và phụ huynh đều có chung một ý kiến, đó là việc giảm môn thi cũng đồng nghĩa với việc học sinh sẽ giảm được rất nhiều áp lực trong học tập và thi cử. Như thế, học sinh có thể dành nhiều thời gian cho các môn trong kỳ thi đại học sắp tới. Mặt khác, trong hai môn tự chọn, nhiều học sinh sẽ chọn môn thi nằm trong khối chuyên nên có điều kiện phát huy được thế mạnh, năng khiếu của mình.

Đây cũng là một cách kết hợp ôn tập để vừa thi tốt nghiệp vừa thi đại học nên việc các em đạt được kết quả cao sẽ rất khả thi. “Em rất vui trước thông tin Bộ GD&ĐT vừa công bố, bởi áp lực thi cử sẽ không còn nặng nề như những năm trước. Việc được lựa chọn môn học sở trường cộng với tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái sẽ tạo điều kiện giúp chúng em phát huy được năng lực và điểm mạnh của mỗi người. Đây cũng được xem là bước khởi động quan trọng hứa hẹn kì thi đại học sẽ đạt được kết quả cao nhất” - Em Lê Thị Thảo, học sinh Trường THPT Nghi Lộc 3 chia sẻ.

Bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ của các em học sinh, giáo viên và phụ huynh thì phương án thi tốt nghiệp 4 môn cũng nhận được nhiều ý kiến băn khoăn, trăn trở từ các nhà quản lý giáo dục. Ngoài hai môn thi bắt buộc là Văn và Toán thì việc lựa chọn môn thi tự chọn theo sở thích của bản thân sẽ dẫn đến tình trạng học sinh đăng ký môn thi với số lượng ít hoặc nhiều. Vì vậy, công tác tổ chức hội đồng coi thi cần phải bố trí như thế nào cho phù hợp và thật sự thuận lợi. Mặt khác, với phương án thi tốt nghiệp mới như thế thì chắc chắn không thể tránh khỏi việc có những học sinh sẽ thi 2 môn trong một buổi, nên câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu có gây khó khăn gì cho học sinh hay không?

Nếu như trước đây, Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp ở các năm thì theo phương án mới mà Bộ GD&ĐT đưa ra, Ngoại ngữ cũng nằm trong các môn tự chọn. Theo quan điểm đánh giá của một số thầy cô giảng dạy bộ môn này thì giáo viên sẽ giảm được áp lực trước kì thi, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có năng khiếu và lựa chọn thi đại học các khối thi có môn Ngoại ngữ.

Tuy nhiên, việc Ngoại ngữ không nằm trong những môn thi bắt buộc cũng là một điều trăn trở. Bởi lẽ theo xu thế phát triển hội nhập của đất nước, việc trang bị ngoại ngữ cho mỗi công dân là một yếu tố rất quan trọng và cần thiết. Và điều này tất nhiên phải bắt nguồn từ việc học tập của học sinh khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Việc không bắt buộc thi môn Nngoại ngữ vô hình chung sẽ làm cho một bộ phận học sinh lơ là và nghĩ rằng không cần thiết nên sẽ không dành thời gian để học tập, trau dồi và rèn luyện. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng thì đối với học sinh ở Nghệ An, kết quả thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ ở các năm được đánh giá là khá cao nên riêng về vấn đề này cũng không có gì đáng lo ngại.

Đến thời điểm hiện tại, Sở GD&ĐT Nghệ An vẫn đang chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT rồi mới triển khai cụ thể ở địa phương mình. Theo đó, Sở cũng đang chuẩn bị đưa ra kế hoạch chỉ đạo ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 như: Ôn tập bám sát chuẩn kiến thức, ôn tập sát với đối tượng học sinh, theo chủ đề, chủ điểm; chú trọng kết hợp học sinh tự học, tự ôn… nhằm hướng tới kì thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đạt được kết quả cao nhất.

.

Ngọc Anh