Văn hóa - Giáo dục
Sách cho trẻ: Sai sót nhỏ, hậu quả lớn
Có lẽ chưa bao giờ, sách dành cho thiếu nhi - những "chủ nhân tương lai" của đất nước lại nhiều "sạn" như hiện nay. Mảng sách cho thiếu nhi luôn là "mảnh đất" màu mỡ để các nhà xuất bản khai thác vì bậc phụ huynh thường chẳng mấy đắn đo khi "rút hầu bao" mua những cuốn sách. Thế nhưng, chính những cuốn sách rất được kỳ vọng ấy lại chứa nhiều ẩn họa, nhất là khi "hạt sạn" không được "lọc" kỹ trước khi tung ra thị trường.
"Đồng dao dành cho trẻ mầm non" là bộ sách tranh gồm 6 tập, tập hợp nhiều bài đồng dao quen thuộc do Nhà Xuất bản Mỹ thuật và Công ty Văn hóa Đinh Tị phát hành đang gây bức xúc trong dư luận. Những bài đồng dao vốn được lưu truyền trong dân gian, gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người nhưng khi đưa vào văn bản chính thống dành cho đối tượng mầm non lại không phù hợp và "phản cảm". Những câu đồng dao kiểu như: "Ở với ai?/Ở với bà/ Bà gì?/ Bà ngoại/ Ngoại gì/ Ngoại xâm/ Xâm gì?/ Xâm lăng…" hay "Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/ Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/ Ông Nhăng bảo để mà nuôi/ Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro".
Sai trong sách cho trẻ rất phổ biến |
Tôi băn khoăn tự hỏi, người biên tập sách sẽ trả lời sao khi chính những đứa con của mình hỏi ông Nhăng, bà Nhăng ở đây là ai? Tại sao lại đẻ ra con thằn lằn cụt đuôi, tại sao bà Nhăng lại có hành động vừa bạo lực, vừa khó hiểu là "đập chết đem vùi đống tro".
Biết rằng, đồng dao mang đến những bài sinh hoạt tập thể tạo không khí vui vẻ nhưng với con trẻ, chính những ngôn từ và âm điệu đó sẽ ăn sâu vào tiềm thức, lớn lên cùng với sự trưởng thành của trẻ. Thông tin mới nhất từ những người có trách nhiệm liên quan, là cuốn sách sẽ bị thu hồi từ nay cho đến hết ngày 15/12 và đem đi tiêu hủy. Tuy nhiên, điều đáng nói là cho đến nay, đã có bao nhiêu cuốn sách được tiêu thụ và đã có bao nhiêu trẻ em kịp thuộc lòng những bài đồng dao như thế?
"Đồng dao dành cho trẻ mầm non" không phải là trường hợp duy nhất sai sót gặp phản ứng của dư luận. Nhà xuất bản Hà Nội cũng từng phải lên tiếng xin lỗi về việc sai sót của vở "Luyện từ và câu lớp 3 - tập 2" khi viết Lý Thường Kiệt là người chỉ huy trận chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng năm 938 thay cho Ngô Quyền - một sai sót lịch sử "không thể chấp nhận".
Còn nhớ, cách đây chưa lâu, dân tình phải một phen "bàng hoàng" khi cuốn sách "Phép cộng trừ phạm vi 100" (Hoàng Long, Nhà xuất bản Thanh niên liên kết với Công ty Thành Nghĩa) có minh họa phép tính bằng việc "cắt ngón tay" rất phản cảm. Nếu như trước đây, các thầy cô thường minh họa rằng: "Em có 5 cái kẹo, em cho bạn 2 cái kẹo, hỏi còn mấy cái" thì bây giờ câu chuyện chuyển thành, "em có 5 ngón tay, em chặt bớt 2 ngón, hỏi còn mấy ngón?".
Nhưng có lẽ, phải kể đến bài toán tính tuổi được cư dân mạng xôn xao thời gian gần đây: "Hiện Nam 4 tuổi, tuổi của bố gấp 4 lần tuổi Nam. Tuổi của mẹ gấp 3 lần tuổi của Nam. Hỏi bố Nam bao nhiêu tuổi. Mẹ Nam bao nhiêu tuổi". Câu trả lời thì dễ dàng tìm ra nhưng giải pháp cho những câu đố "phản giáo dục" như vậy thì không đơn giản chút nào.
Đã đến lúc phải nhìn nhận, đánh giá lại mảng sách dành cho thiếu nhi một cách khách quan và nghiêm túc, bởi mỗi sai sót nhỏ sẽ dẫn đến những hậu quả không thể lường trước được…
Nguồn: VNCA