Văn hóa - Giáo dục
Di tích lịch sử Quốc gia đang "kêu cứu"
(Congannghean.vn)- Vào những năm 1930 - 1931, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh phát triển mạnh mẽ, nhiều cuộc biểu tình lớn diễn ra ở Hưng Nguyên, Nam Đàn, Anh Sơn, Thanh Chương, Can Lộc, Đức Thọ… nên địch đã tập trung lực lượng đàn áp cách mạng bằng một cuộc khủng bố đẫm máu.
Trước tình hình đó, Đảng ta đi vào hoạt động bí mật, Xứ ủy Trung Kỳ quyết định chuyển cơ quan hoạt động từ làng Đỏ, Hưng Dũng lên làng Châu Sơn, xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên và nhà ông Hoàng Viện được chọn để làm nơi chỉ đạo phong trào cách mạng.
Ông Hoàng Viện có hai ngôi nhà, nhà trên được ngăn thành hai phòng, phòng trong có gác xép làm nơi ăn nghỉ cho cán bộ, phòng ngoài làm nơi hội họp, tiếp khách. Phía sau nhà có cửa thông ra núi Nhón là nơi cán bộ cách mạng có thể thoát khi có động. Ngôi nhà ngang nhỏ hơn có 3 gian để nấu ăn.
Di tích có nguy cơ trở thành phế tích |
Sau nhà ông Hoàng Viện được đào thêm hai căn hầm thông sâu vào núi Nhón làm nơi in ấn, cất giấu tài liệu và ẩn nấp. Nhiều gia đình trong xóm như nhà các ông, bà Hoàng Tuân, Hoàng Em, Hoàng Xí, Nguyễn Thị Mỹ, Lê Thị Năm… đều là cơ sở in ấn và nuôi dấu cán bộ Đảng. Cũng tại nơi đây, Báo “Lao Khổ”, “Tiến Lên” số 9, 10 và 11 năm 1930 được in ấn và phát hành kịp thời để cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân.
Để đảm bảo an toàn cho cơ quan Xứ ủy, Đội Tự vệ Hưng Châu được thành lập với 60 đội viên ngày đêm canh gác, tuần tra. Một số đảng viên như Hoàng Viện, Hoàng Nhị, Nguyễn Thuyên, Nguyễn Hứa… tích cực vận động quyên góp kinh phí cho Xứ ủy hoạt động.
Với những giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn đó, năm 1991, nhà ông Hoàng Viện được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Cách mạng Quốc gia. Trải qua bao thăng trầm, biến động của thời gian, sự tàn phá của thiên nhiên với nắng mưa, lũ lụt thất thường, đến nay, Di tích này chỉ còn lại ngôi nhà ngang và đã bị xuống cấp nghiêm trọng: Các cột, kèo, cửa bị mối mọt đục rỗng, ăn dần và phải cần đến sự chống đỡ của các cây tre, mét.
Các hiện vật bị bụi phủ mờ và hoan rỉ do không được bảo quản |
Nhiều bức ảnh về các chiến sỹ cách mạng thời kỳ Xứ ủy Trung Kỳ phai màu, hoen ố, mạng nhện bá chằng chịt, ngổn ngang trên tường, dưới đất. Các kỷ vật ít ỏi còn tồn tại như chiếc mâm thau, nồi đồng, con dấu… do không được bảo quan nên bị bụi phủ mờ và hoen rỉ.
Ông Nguyễn Ngọc Quyền - Chủ tịch UBND xã Hưng Châu cho biết: Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của Di tích, năm 2000 và năm 2008, Nhà nước có hỗ trợ tổng số tiền 220 triệu đồng để nâng cấp và tu sửa Di tích, nhưng vì nguồn kinh phí hạn hẹp nên cũng chỉ sửa sang được một phần ít Di tích. Năm 2010, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, địa phương đã làm hồ sơ Dự án nâng cấp Di tích và UBND tỉnh đã có quyết định cho thành lập Dự án để nâng cấp và mở rộng ngôi nhà ông Hoàng Viện.
Theo đó, Dự án có số vốn đầu tư khoảng 33 tỷ đồng, bao gồm 4 hạng mục: Nâng cấp, tôn tạo Di tích gốc; xây dựng nhà lưu niệm, nâng cấp đường vào Di tích; xây dựng cầu bắc qua sông và cổng làng cho nhân dân Châu Sơn. Tuy nhiên, hiện nay tất cả vẫn chỉ còn nằm trên giấy tờ.
Ông Hoàng Văn Thước, cháu nội của ông Hoàng Viện cũng là người trông coi và bảo vệ Di tích hơn 4 năm nay, chia sẻ: “Chúng tôi thật sự lo lắng và đau xót khi thấy di tích cách mạng quý giá một thời bị xuống cấp nghiêm trọng như thế. Chỉ ước mong làm sao dự án nhanh chóng triển khai để Di tích được trả về đúng với những giá trị vốn có của nó”. Mong muốn của ông Thước cũng chính là trăn trở của nhân dân và chính quyền địa phương nơi đây. Hơn bao giờ hết,
Di tích lịch sử nhà ông Hoàng Viện đang rất cần sự vào cuộc của các cấp ban, ngành có chức năng, để hình ảnh đẹp về truyền thống cội nguồn sẽ mãi được lưu truyền qua bao thế hệ con cháu và vượt lên trên tất cả, đó cũng chính là một cách để báo công với những người con của làng cách mạng đã một thời ngã xuống vì nước, vì dân.
Ngọc Anh