Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201310/31242-du-an-bac-ty-dap-chieu-dan-keu-cuu-402674/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201310/31242-du-an-bac-ty-dap-chieu-dan-keu-cuu-402674/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Dự án bạc tỷ đắp chiếu, dân kêu cứu - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 07/10/2013, 08:10 [GMT+7]
31242

Dự án bạc tỷ đắp chiếu, dân kêu cứu

Dự án bạc tỷ đắp chiếu
 
Nếu không có anh Lương Văn Toại (46 tuổi, trú xóm Nam Việt) dẫn đường thì khó mà vào được “điểm nóng” của bà con dân tộc Thái nơi đây. Bởi vì không những đường sá xa xôi mà công trình Dự án Xây dựng công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt và sản xuất đã chia cắt những hộ dân thành vùng độc lập. Đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là ngôi nhà sàn 5 gian bị bao vây trong biển nước, xuống cấp nghiêm trọng, được gia chủ tìm mọi cách chống đỡ bằng những cây bương, cây gỗ tạm bợ.
 
Chủ nhà là bà Lô Thị Ót (67 tuổi) gạt dòng nước mắt chảy dài trên gò má xanh xao, kể lại: Xóm Nam Việt có 137 hộ, chủ yếu là dân tộc Thái, họ đều bám rừng, bám ruộng để sống. Vì là vùng sâu, vùng xa của huyện Quỳnh Lưu nên cuộc sống khổ về mọi mặt, từ ăn uống đến sinh hoạt, đặc biệt là nước uống. Ngày nào họ cũng phải vất vả gùi từng bương nước ở suối xa về nấu ăn.
 
Năm 2007, nghe tin Nhà nước đầu tư xây dựng Dự án cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho vùng này, nhân dân phấn khởi như mở cờ trong bụng. Niềm vui ấy nhân lên gấp bội khi Nhà nước kéo điện ba pha về làng, ngăn suối thành đập nhỏ, xây bể chứa nước, máy bơm chìm công suất lớn được đặt dưới đập nước, bình lọc, ống nước… Nói chung tất cả các hạng mục đều đã sẵn sàng. Chỉ còn khâu cuối cùng là đóng điện để máy vận hành (theo như cán bộ nói), dân tha hồ thỏa thích.
 
Anh Toại đang chỉ 3 ha đất đai, cây cối, hoa màu, ao cá của 3 hộ nằm giữa hồ chưa được đền bù
 
Bà Ót còn nhớ, khi kéo điện ba pha để tiến hành khâu cuối cùng, nhân dân tập trung đông như ngày hội. Đêm đến họ đốt lửa trại, nhảy múa, uống rượu cần đến khuya. Tuy nhiên, “niềm vui lớn chẳng tày gang”, khâu cuối cùng tưởng chừng như đơn giản ấy chẳng làm được, cũng không biết vì sao? Chỉ biết, sau đó không có một cán bộ có trách nhiệm nào đến đây nữa. Đã gần 4 năm, người dân xóm Nam Việt mòn mỏi đợi chờ nước sạch của Nhà nước. Đến hỏi xã thì bảo đây là dự án của huyện, lên huyện hỏi thì bảo phải chờ… vì đang còn trục trặc.
 
Thế là Dự án nước sạch gần 4 năm đắp chiếu, máy móc nay đã hoen gỉ, những ống dẫn nước đủ các loại đã bị kẻ xấu “tận dụng” về nhà riêng, nay chỉ còn bể nước mốc meo, trơ trọi, xung quanh cỏ mọc um tùm. Dự án không những lãng phí nhiều tỷ đồng của Nhà nước mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhiều hộ dân.
 
Nhiều hộ dân kêu cứu
 
Con trai bà Ót còn dẫn chúng tôi đi xem những hệ lụy của Dự án. Anh chỉ tay ra phía đập nước mênh mông: “Tổng 3 ha đất, trong đó 3 ao cá, nhà sàn 5 gian của 3 gia đình (Bà Ót, anh Toại và gia đình ông Lục Văn Thư) nằm trong biển nước. Điều muốn nói là tất cả những tài sản đó đều chưa được đền bù”. Được biết, năm 2012, UBND huyện Quỳnh Lưu có Quyết định số 371 QĐ-UBND ngày 27/12/2012, với phương thức hỗ trợ cho cả 3 gia đình là 345.011.000 đồng.
 
Tuy nhiên, trong bảng tổng hợp có đề chi tiết là bồi thường nhưng thông báo lại là hỗ trợ mà không giải thích rõ là vì sao? Từ ngày ngăn suối để nước dâng thành đập nhỏ, nhà bà Ót lâm vào cảnh sập bất cứ lúc nào nên bà luôn nơm nớp lo sợ. Chỉ cần một trận mưa thôi cũng đã làm cho nền nhà ngập nước, ruồi muỗi, bệnh tật… Gia đình anh Lương Văn Toại lại càng cực hơn. Tất cả nhà cửa, hoa màu, ao cá... đều bị ngập nước khiến gia đình anh không có tấc đất để canh tác.
 
Trong lúc gia đình anh Toại thuộc hộ nghèo, vợ anh ốm đau thường xuyên và 3 con đang ăn học. Từ ngày Nhà nước triển khai Dự án tại địa phương, kinh tế gia đình càng thêm khó khăn, vợ chồng phải chạy ngược, chạy xuôi kiếm tiền nuôi con ăn học. Còn gia đình ông Lục Văn Thư cũng trong tình trạng tương tự.
 
Anh Toại bức xúc: “Sau khi tôi tìm hiểu nguyên tắc đền bù dự án của Nhà nước là phải có hồ sơ, mà hồ sơ tối thiểu phải có các hạng mục đền bù, từ đất đai, hoa màu, cây cối... và giá cả đền bù từng hạng mục đó. Đằng này hồ sơ của tôi chỉ có bảng tổng hợp tiền đền bù cho nhiều nhà. Hơn nữa, không cho biết diện tích đất ảnh hưởng là bao nhiêu mà chỉ đưa ra 30%, cán bộ cũng không giải thích cho tôi được biết cụ thể”. Chính những điều không minh bạch đó của Ban giải phóng mặt bằng đã khiến 3 hộ dân phản ứng nên chưa được đền bù.
 
Mục đích xây dựng Dự án công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt và sản xuất tại xóm Nam Việt, xã Tân Thắng là để giúp bà con dân tộc xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh hoạt đời sống. Vậy tại sao đến nay đã gần 4 năm mà Dự án vẫn chưa xong, gây lãng phí nhiều tỷ đồng của Nhà nước? Vì sao vẫn chưa đền bù cho 3 hộ dân trong vùng Dự án, khiến họ bức xúc, kêu cứu, đi khiếu kiện kéo dài...?
 
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu về các câu hỏi đó. Ông Dinh cho biết, nói công trình Dự án bỏ dở là chưa đúng, bởi vì sau khi hoàn thành, huyện đã bàn giao công trình cho UBND xã Tân Thắng quản lý. Hiện nay, công trình xuống cấp nghiêm trọng, không hoạt động được trách nhiệm thuộc về xã. Còn ông Phan Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Tân Thắng lại trả lời trước cử tri là Dự án do huyện quản lý.
 
Theo ông Dinh lý giải, 3 hộ dân chưa được đền bù vì họ chưa thỏa thuận số tiền mà Ban đền bù giải phóng mặt bằng của Dự án lập ra. Còn việc hồ sơ đền bù của các hộ dân chưa đầy đủ các hạng mục cụ thể dẫn đến người dân thắc mắc, huyện sẽ xem lại.
 
Đề nghị UBND huyện Quỳnh Lưu kiểm tra lại Dự án tại xóm Nam Việt, xã Tân Thắng để làm rõ, vì sao công trình đến nay vẫn chưa hoạt động được, trách nhiệm thuộc về ai? Nhiều hộ dân chưa được đền bù thì giải quyết như thế nào để họ đảm bảo cuộc sống?

Hà Thanh
.