Văn hóa - Giáo dục

Thấy gì sau 5 năm thực hiện quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non?

15:51, 09/12/2013 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Có thể nhận thấy, mặc dù ngành giáo dục và các cấp chính quyền đã có nhiều cố gắng trong việc quan tâm tới công tác giáo dục, chăm sóc trẻ ở bậc học mầm non, tuy nhiên, do nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, do đặc thù riêng của bậc học mà sự quản lý của các cấp chính quyền và của ngành giáo dục ở một số địa phương đối với bậc học quan trọng này có phần bị buông lỏng, hệ quả là chất lượng có nhiều bất cập. Thời gian gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, hàng loạt vụ bạo hành đối với trẻ mầm non được phanh phui trước công luận khiến cho dư luận xã hội hết sức bức xúc.

Vào 5 năm trước, Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Quyết định số 02/2008/QĐ-BGDĐT ngày 22/1/2008 quy định chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non. Theo đánh giá của những người trong cuộc và dư luận xã hội thì, chuẩn giáo viên mầm non ra đời thời gian qua góp phần không nhỏ trong quá trình nâng cao chất lượng bậc học có nhiều nét đặc thù này. Tuy nhiên, để chuẩn giáo viên mầm non thực sự đi vào cuộc sống và tiếp tục phát huy hiệu quả, tác dụng trong thời gian tới cần có nhiều việc phải làm.

Chuẩn giáo viên mầm non mà Bộ GD&ĐT ban hành gồm có ba phần: Phẩm chất, đạo đức lối sống; kiến thức của người giáo viên; kỹ năng sư phạm. Mỗi lĩnh vực có các yêu cầu và các tiêu chí cụ thể kèm theo. Theo đó, người giáo viên mầm non không chỉ là người trông nom trẻ an toàn mà còn cần có kiến thức về nghiệp vụ sư phạm, dinh dưỡng, y tế… Cũng theo chuẩn giáo viên mầm non đã ban hành, người giáo viên phải lập kế hoạch chăm sóc trẻ phù hợp, phải biết cách tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ theo hướng tích hợp, tổ chức cho trẻ hoạt động nhóm, sử dụng có hiệu quả hồ sơ nhóm, lớp phụ trách. Đặc biệt, người giáo viên phải có kỹ năng giao tiếp tạo tình cảm thân mật, gần gũi với trẻ, có khả năng xử lý tốt những tình huống bất thường có thể xảy ra. Thực tế thời gian qua cho thấy, thực hiện đầy đủ tất cả các tiêu chí đặt ra nêu trên không phải là việc dễ dàng, bởi một số nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Chất lượng đội ngũ giáo viên không đồng đều ở các vùng, miền ở các loại hình trường công lập, tư thục; điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo; sỹ số lớp quá đông…
 
 Xây dựng chuẩn giáo viên là tiêu chí để các giáo viên mầm non  không ngừng phấn đấu, hoàn thiện mình trong công tác - Ảnh minh họa
Xây dựng chuẩn giáo viên là tiêu chí để các giáo viên mầm non không ngừng phấn đấu, hoàn thiện mình trong công tác - Ảnh minh họa
 
Thời gian tới, để chuẩn giáo viên mầm non thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả như mong muốn, trước hết, cần chú trọng đặc biệt tới đội ngũ giáo viên. Nếu như khẳng định, đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định trong chất lượng giáo dục thì có thể nhận thấy, đội ngũ giáo viên ở bậc học mầm non thời gian qua ở một số nơi, nhất là các vùng nông thôn, miền núi chưa được quan tâm đúng mức về chất lượng. Hay nói đúng hơn, với tâm lý xem nhẹ tầm quan trọng của bậc học mầm non, công tác tuyển dụng giáo viên ở bậc học này có phần lỏng lẻo, dễ dãi. Trong nhiều trường mầm non, tình trạng thiếu giáo viên đạt chuẩn xảy ra khá phổ biến. Cá biệt, có một số trường hoặc điểm trông giữ trẻ tư nhân, có nhiều "giáo viên" chưa qua trường lớp đào tạo bài bản, không có chuyên môn nghiệp vụ vẫn được hành nghề.
 
Có một nghịch lý đang diễn ra là nhiều sinh viên sư phạm ngành mầm non ở các trường cao đẳng, đại học chính quy sau khi ra trường không xin được việc làm, trong khi một số trường mầm non, đặc biệt là các trường thuộc loại hình tư thục, dân lập hoặc ở các vùng nông thôn, miền núi lại dễ dàng tiếp nhận những giáo viên chỉ mới được đào tạo theo kiểu hình thức, chiếu lệ. Qua tìm hiểu được biết, có một số trong những giáo viên kiểu này là con em cán bộ ở địa phương cần giải quyết công ăn việc làm, các trường vì những lý do tế nhị mà phải tiếp nhận. Việc để tồn tại những giáo viên thiếu nhiệt huyết, thiếu tấm lòng yêu trẻ, yếu kém về khả năng chuyên môn, nghiệp vụ là những lý do chính dẫn đến chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế và nạn bạo hành đang trở thành vấn đề nhức nhối hiện nay.
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những chế tài, hành lang pháp lý để các trường mầm non tiếp nhận, tuyển dụng những sinh viên yêu nghề, yêu trẻ, có năng lực chuyên môn. Ngành giáo dục và các cấp chính quyền cần tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra để không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, đặc biệt là đối với loại hình trường dân lập, tư thục. Cần kiên quyết loại ra khỏi ngành những giáo viên yếu kém về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, vi phạm đạo đức nhà giáo, đồng thời đóng cửa những điểm trông giữ trẻ tư nhân không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và thủ tục pháp lý.
 
Do tính đặc thù của bậc học mầm non, người giáo viên ở bậc học này phải dành rất nhiều thời gian cho công việc trên lớp trong nhiều vai trò khác nhau. Bên cạnh công tác nghiệp vụ sư phạm còn phải chăm sóc trẻ từng bữa ăn, giấc ngủ. Trong khi đó, nhìn chung, chưa có nhiều chế độ đãi ngộ đối với giáo viên mầm non. Đặc biệt là đối với giáo viên mầm non miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nên chăng, song song với việc đầu tư về cơ sở vật chất, ngành giáo dục và các cấp chính quyền địa phương cần có nhiều hơn nữa những chính sách ưu tiên đãi ngộ đối với giáo viên mầm non như chính sách tiền lương, phụ cấp, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên… Có như vậy, đội ngũ giáo viên mầm non mới thực sự yên tâm với sự nghiệp ươm mầm những chồi non của đất nước.
 
Việt Nam là nước đầu tiên của Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước quốc tế về quyền trẻ em. Với những gì đã diễn ra trong thời gian qua, đặc biệt là vấn nạn bạo hành đối với trẻ mầm non gây bức xúc trong dư luận xã hội, thiết nghĩ, chuẩn giáo viên mầm non cần tiếp tục được nghiêm túc triển khai ở các cơ sở giáo dục. Điều quan trọng, chuẩn giáo viên mầm non phải là động lực, tiêu chí để mỗi giáo viên ở bậc học này không ngừng phấn đấu, hoàn thiện mình, xứng đáng với danh hiệu cao quý mà xã hội đã tôn vinh: Cô giáo như mẹ hiền.

Minh Tuấn

Các tin khác