Văn hóa - Giáo dục
Chính danh và háo danh
Cách nay khoảng 5 năm, có một người theo học một khóa ngắn ngày do Trung tâm bồi dưỡng viết văn (Hội Nhà văn) tổ chức, khi phát biểu trước các học viên, để gây sự chú ý đã không dưới ba lần nhắc đi nhắc lại: "Tôi là hội viên Hội Nhà văn". Đã có không ít người phì cười, vì thấy người này đã quan trọng hóa một việc không nên quan trọng hóa.
Nêu thế để thấy: Lâu nay, vẫn còn không ít người quá coi trọng danh hiệu "nhà văn hội viên" và cũng còn một số người coi danh hiệu này là độc quyền của gần 1.000 ông bà hội viên.
Bên cạnh đó, cũng vẫn còn một ít người (con số này là đơn lẻ và không đáng kể) vẫn không có ý định gia nhập Hội Nhà văn. Trong số này, có người thích là nhà văn tự do, có người hoặc quá tự tin hoặc quá ngộ nhận về "tài năng" của mình. Hãn hữu, cũng có người mới nộp đơn gửi về số 9 Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) được một năm thôi, đã vội vã rút đơn vì... tự ái cao độ.
Nhiều người khi vào được Hội Nhà văn là dừng sáng tác. Ảnh minh họa |
Âu cũng là chuyện bình thường, có thể lý giải được. Đơn giản vì Hội Nhà văn có thể là một sân chơi lớn, mang tính tự nguyện cao, ai thích thì chơi, không thích thì thôi và cũng không có ai ép buộc ai cả. Và dù nói ra hay không nói ra, nhiều người cũng thầm hiểu: Nghề viết văn, làm thơ không phải của riêng ai. Cả tài năng cũng thế. Không cứ phải là hội viên thì chắc chắn sẽ viết hay hơn người không phải hội viên. Và ngược lại. Danh hiệu hội viên cũng không phải là thước đo duy nhất cái nghiệp của người cầm bút.
Một nhà văn sau 8 - 9 năm kiên trì viết, kiên trì chờ đợi, mới trở thành hội viên Hội Nhà văn năm 2010, nói: "Sở dĩ tôi vẫn thiết tha vì vẫn coi trọng nó và vẫn coi nó là thiêng liêng. Mà chẳng riêng gì tôi, cả nhà tôi và nhiều bạn bè của tôi cũng quan niệm như vậy. Tôi nghĩ sẽ có nhiều đồng nghiệp chia sẻ với tôi. Ngoài ra, tôi cũng muốn được "chính danh" hơn".
Một tân hội viên Hội Nhà văn nói: "Tôi nghĩ tôi đã đạt nguyện vọng. Rồi cũng nhờ vậy mà tôi có thêm cơ hội để giao lưu, gặp gỡ, học hỏi những người đi trước".
Trong khi ấy thì sau khi "đạt nguyện vọng" đã có một số người vội vã "rửa tay gác kiếm". Thậm chí, có người còn không bao giờ bén mảng đến Hội Nhà văn trong bất cứ kỳ cuộc nào. Điều này cho thấy: Tính mục đích của những người này hơi… cao và dường như việc họ đến với Hội Nhà văn chỉ là để giải quyết khâu "oai" là chính.
Nhân đây, tôi xin kể một chuyện để minh họa cho cái sự háo danh. Chuyện này xảy ra vào năm ngoái, ở một tỉnh nọ. Lần ấy, trong lúc vui vẻ ở một quán bia cùng một số người, một người nói riêng với tôi: "Tôi là doanh nghiệp. Ông kia cũng là doanh nghiệp. Tôi kinh doanh một mặt hàng. Ông ta kinh doanh một mặt hàng. Nhưng tôi và ông ta lại rất khác nhau đấy. Ông ta chỉ là một doanh nghiệp thuần túy. Còn tôi là doanh nghiệp - nhà thơ". Ngừng một lát, "doanh nghiệp - nhà thơ" lại thì thào một cách quyết liệt hơn: "Tôi nghĩ rồi, sang năm tôi sẽ tìm cách "nâng cấp" mình từ hội viên địa phương lên hội viên trung ương. Nhờ đó chắc chắn tôi sẽ oách hơn bây giờ nhiều và biết đâu, cũng vì thế mà tôi nổi đình đám hơn trong đám doanh nghiệp".
Giở cuốn "Nhà văn Việt Nam hiện đại" ra, tôi giật mình. Trong số gần 1.000 hội viên cũng có nhiều người từ lâu không còn liên can đến văn chương nữa. Tôi đem vấn đề này hỏi một nhà văn có tuổi: "Vậy, nhiều năm nay, ở Hội ta, chỉ có "vào" mà không có "ra", anh nhỉ? Anh có thể phân biệt chút ít về "chính danh" và "háo danh" được không ạ?". Nhà văn cao tuổi cười cười: "Nói "vào" với "ra", cũng như "chính danh" và "háo danh" làm gì cho chuyện thêm nghiêm trọng. Cần phải nhìn nhận chuyện này một cách rộng lòng hơn. Cậu hiểu chưa?"
Ngọc Trản (VNCA)