Văn hóa - Giáo dục

Chuyện hi hữu, chuyện 'lạ đời'

10:36, 02/12/2013 (GMT+7)

"Bộ mặt" ấy cần thiết để mỗi người dân đều cảm thấy tư thế tự tin, tự chủ để đứng thẳng, ngẩng cao đầu trên đất nước mình và khi đi ra thế giới...

1. Mới đây, một "bà bầu" nhờ khóc với Bộ trưởng Y tế trong đợt tiếp xúc cử tri mà có thể khiến vị bác sĩ đã cáu gắt với mình bị xử lý nghiêm khắc. Đây có thể xem như trường hợp hi hữu: một người phụ nữ bình thường cùng lúc có thể chứng minh được "quyền lực" của bệnh nhân lẫn của cử tri.

Hi hữu vì cái cơ hội khóc được đến các bộ trưởng đối với hầu hết "phó thường dân" mà nói vốn chẳng phải dễ dàng. Hi hữu vì đến nay, hiện tượng bác sĩ hành xử chưa đúng mức với bệnh nhân không còn hiếm, nhưng vì thế mà bị kỷ luật thì vẫn là "chuyện lạ đó đây".

Nhưng bằng tất cả sự lạc quan của công dân một nước hạnh phúc, người viết cũng khó mơ tưởng rằng, một lần chứng minh quyền lực như vậy có thể đem lại thay đổi nào trong ngành Y. Hoài nghi như đã từng hoài nghi những đường dây nóng bệnh viện, như chuyện bác sĩ sẽ ngừng nhận phong bì...

 

Những nụ cười thế này còn quá hiếm hoi? Ảnh minh họa
Những nụ cười thế này còn quá hiếm hoi? Ảnh minh họa

Những lần có việc buộc phải đặt chân đến bệnh viện, không lần nào trở về mà không phải ngẫm ngợi. Bởi ở chốn đó, biết bao khuôn mặt lo buồn âu sầu vì bệnh tật và ngơ ngác, lạc lõng, e dè trước những người sẽ khám, chữa bệnh cho họ.

Nhất là bệnh nhân từ các vùng quê ra bệnh viện thành phố, chẳng thể nào hiểu rõ những thủ tục cả chính thức lẫn phi chính thức ở đó. Họ rụt rè hỏi han, thưa gửi dạ vâng. Và đáp lại, khá thường xuyên là những mệnh lệnh khô khan, những cái chau mày, những câu chỏn lỏn ngay cả với người già.

Người viết từng được chứng kiến một câu chuyện khó quên. Một phụ nữ mang bầu đưa kết quả xét nghiệm cho bác sĩ phân tích. Vị nữ bác sĩ sau khi liếc qua vài giây, nhẹ như không "phán": "Rubella nhé, phá đi thôi". Còn người phụ nữ kia nghe tin dữ thì sụp xuống khóc nức nở. Tiếc rằng lần ấy, không bộ trưởng nào nghe được tiếng khóc của chị.

Vì quá tải, vì đồng lương không xứng công sức..., đó có thể coi là những lý do cốt yếu cho cách ứng xử ấy? Hay bởi họ cảm thấy mình có quyền làm thế, bởi họ đã chai sạn với nỗi đau bệnh tật của người khác, bởi bệnh nhân là đối tượng đang phải nhờ vả họ...?

2. Một câu chuyện cũng hi hữu, "lạ đời" khác, xảy ra có lẽ đã cách đây vài năm, bỗng dưng lại được các diễn đàn mạng xã hội "hâm nóng" lại.

Đó là sự việc được thành viên của một diễn đàn kể lại lần cùng bạn từ ngoại tỉnh vào Đà Nẵng bằng ô-tô cơ quan, lái xe không thuộc đường nên đi vào đường cấm ô-tô và bị CSGT yêu cầu dừng xe. Vốn đinh ninh sẽ bị xử phạt theo lối "thông thường", họ đã kinh ngạc khi thấy CSGT Đà Nẵng xử sự rất "lạ": đã không xử phạt, còn tận tình hướng dẫn lái xe đi đúng đường!

Chuyện từng được một số báo chính thống nhắc đến, vậy mà sau vài năm, chuyện cũ "hâm" lại vẫn nóng. Chắc bởi đến giờ, đây vẫn cứ là sự... lạ đời.

Bàn luận về sự lạ đời này, có người từng hoài nghi đó là "chiêu" PR cho thương hiệu của Đà Nẵng. Cứ giả sử điều này có thật, thì thành phố Đà Nẵng quả đã rất... khôn ngoan.

Bởi xây dựng thương hiệu một địa phương có thể rất tốn kém, (xây "chơi chơi" nhà vệ sinh công cộng để thành phố văn minh, lịch sự hơn cũng còn tốn tiền tỷ mỗi cái nữa là). Nó có thể cần những chiến lược quy mô, định hướng dài hạn...

Ảnh minh họa. Nguồn: Baodanang.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: Baodanang.vn


Nhưng thương hiệu cũng có thể bắt đầu đơn giản từ chính những nhân viên công quyền, những người làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với người dân, du khách... Đó là cảm giác an tâm, dễ chịu, muốn quay trở lại khi chúng ta chứng kiến ứng xử đẹp nơi họ.

Nhắc đến đây, người viết không khỏi liên tưởng đến hình ảnh những trật tự phường, trật tự đô thị vốn rất quen thuộc trong thành phố đang sinh sống. Liên tưởng đến hình ảnh những người bán hàng rong khóc mếu chạy theo xe ô-tô xin lại gánh rau, giỏ quả... bị tịch thu.

Thành phố cần giữ an ninh trật tự, nề nếp. Nhưng điều đó liệu có thể được kiến tạo từ "những cây dùi cui của lý trưởng đời mới" - theo cách một tờ báo từng mô tả lối hành xử của lực lượng đại diện cho chính quyền. Hay cái được tạo ra nhiều hơn là sự bất an?

3. Sự thân thiện, tôn trọng, hành xử đúng mực... là "bộ mặt" cần thiết cho bất cứ vùng đất nào muốn chào đón những du khách từ thế giới đến với mình. Điều này hẳn đã được nhắc đến nhiều trong những chiến lược xây dựng quảng bá thương hiệu, du lịch.

Song có lẽ "bộ mặt" ấy cần thiết trước tiên cho chính những người dân của đất nước. Để sao cho mỗi người dân dù từ bất cứ đâu và đi đến bất cứ đâu trên đất nước cũng không cảm thấy e dè, xa lạ, bất an: vào bệnh viện, ra đường phố, đến cơ quan hành chính...

Và để mỗi người dân đều cảm thấy tư thế tự tin, tự chủ để đứng thẳng, ngẩng cao đầu trên đất nước mình và khi đi ra thế giới...

VNN

Các tin khác