“Làm thế nào để phát triển một nông thôn mới hiện đại mà vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, giữ được bản sắc riêng của nông thôn Việt Nam” đang là câu hỏi đặt ra cho nhiều địa phương. Nghệ An cũng không nằm ngoài trường hợp đó.
Nghệ An sau hơn 3 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí đã tạo nên những khởi sắc, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy nội lực tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân. Văn hóa truyền thống vẫn được khai thác triệt để theo hướng loại bỏ hạn chế, tiêu cực, phát huy mặt tốt đẹp, tích cực phù hợp với nhu cầu văn hóa của người dân trong giai đoạn mới.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trọng tâm là xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa được triển khai có hiệu quả. Tổng kết 6 tháng đầu năm 2013, có 584.054/762.311 gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa (đạt 84%), 695 làng, bản, khối phố đăng ký xây dựng làng, bản, khối phố văn hóa. Mô hình dòng họ văn hóa ở một số huyện như Đô Lương, Diễn Châu, Nghi Lộc... đã thực sự phát huy ảnh hưởng tốt đối với đời sống văn hóa ở cơ sở, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đây là nền tảng quan trọng góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, phải thấy rằng, một thực tế với những nét đặc thù văn hóa riêng, nông thôn Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng đang đứng trước những thách thức. Mặt trái của quá trình đô thị hóa cùng với những tác động xấu của kinh tế thị trường đã và đang dần đánh mất đi nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp.
Giờ đây, về với làng quê, nhà cửa khang trang, đường sá đã bê tông hóa, cuộc sống người dân có nhiều đổi thay, khó bắt gặp những rặng tre xanh, mái đình, cây đa quen thuộc ngày nào, đời sống tinh thần thay đổi. Còn nhớ ngày trước, đúng 19 giờ, mọi người trong thôn quây quần bên ấm nước chè đặc quánh sâu nặng nghĩa tình.
Giờ đây, về với làng quê, nhà cửa khang trang, đường sá đã bê tông hóa, cuộc sống người dân có nhiều đổi thay, khó bắt gặp những rặng tre xanh, mái đình, cây đa quen thuộc ngày nào, đời sống tinh thần thay đổi. Còn nhớ ngày trước, đúng 19 giờ, mọi người trong thôn quây quần bên ấm nước chè đặc quánh sâu nặng nghĩa tình.
Nay, còn đâu! Một số làng nghề mở rộng kinh doanh, mở rộng dây chuyền vô tình vi phạm đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Cùng với cơ chế thị trường, làn sóng xuất khẩu, đầu tư, tin học... làm nghiêng ngả nhiều hệ giá trị vốn là xương sống của văn hóa làng, xã nặng nghĩa, nặng tình. Nhiều dự án xây dựng đô thị hóa nên nhiều vùng văn hóa, di tích văn hóa, làng nghề truyền thống bị xóa sổ. Còn nhớ, làng nghề chiếu cói ở Hưng Hòa bị mai một là do diện tích trồng cói nằm trong dự án quy hoạch của thành phố để xây dựng các khu đô thị.
Điều này đã làm ảnh hưởng đến tư tưởng sản xuất của bà con nông dân làng nghề. Cũng bởi các dự án mà nhiều hộ gia đình phải di dời khỏi những vùng văn hóa mà cha ông họ đã xây dựng hàng nghìn năm nay. Nhiều làng xã được hưởng các thành quả của công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nhưng lại mất ruộng, mất đất, con cái không có việc làm, nhiều tệ nạn xã hội gia tăng. Nhiều vùng nông thôn trở thành điểm du lịch song các dịch vụ về du lịch lại mang đến nhiều lối sống thị hiếu xa lạ với bản sắc văn hóa làng xã.
Có thể thấy rằng, sự gắn kết giữa làng xã, gia đình, dòng họ đang ngày càng yếu đi. Không thể áp đặt cứng nhắc, rập khuôn vì mỗi bản làng, thôn xóm có những đặc trưng riêng. Bà Hoàng Thị Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Nghệ An cho biết: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nếu không cẩn thận lưu tâm sẽ làm mất đi vẻ đẹp văn hóa truyền thống của mình. Hiện nay, đi về một xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới, không còn thấy thấp thoáng bóng cây xanh, bụi tre, ao cá..., kiến trúc nhà ở thay đổi.
Đời sống nhân dân được nâng cao, không còn giữ được phong tục tập quán ngày xưa mà cha ông để lại. Với những người hiến đất làm đường cần giữ lại bờ ruộng, bờ thửa, thay thế các hình thức sinh hoạt nông thôn ngày xưa thành hình thức sinh hoạt có tổ chức tại nhà văn hóa, hoạt động văn hóa nơi cộng đồng làng xóm để từ đó phục hồi lại đời sống văn hóa, truyền thống văn hóa, phục hồi lại tính cố kết cộng đồng làng xóm, gia đình, dòng họ... Đó chính là giữ gìn bản sắc văn hóa vốn có của nó.
Phan Tuyết
.