Từ quảng cáo trá hình
Cách đây không lâu, MV "Cám ơn cha" do ca sĩ Hồ Ngọc Hà và những người bạn là những ngôi sao nổi tiếng trong giới giải trí thực hiện ngay sau khi vừa ra mắt đã bị dư luận phê phán vì trong đó có rất nhiều hình ảnh quảng cáo rượu.
Nói về tình cảm cha con, MV mượn rất nhiều hình ảnh như con tặng cha chai rượu, cả nhà cùng nâng ly uống rượu để thể hiện tình cảm. Cùng với nội dung này, nhiều hãng rượu mạnh được quay cận cảnh với hình ảnh lặp đi lặp lại nhiều lần. Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Tp HCM cho biết, đối chiếu theo luật định, thì nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà có thể chịu mức phạt là 30 triệu đồng.
Trước đó không lâu, chương trình "Đêm hội chân dài 7" do công ty Venus tổ chức cũng đã bị Sở TT&TT Tp HCM xử phạt 35 triệu đồng vì quảng cáo rượu trái phép. Núp dưới hình thức là một show diễn thời trang lớn, ông "bầu" Vũ Khắc Tiệp cũng đã khéo léo đưa logo quảng bá cho một nhãn rượu vào thiếp mời như một quảng cáo trá hình. Trước khi đêm hội diễn ra, tấm thiệp của chương trình bị nhắc nhở vì sử dụng hình ảnh người mẫu bán nude. Tuy nhiên, Ban tổ chức chỉ làm mờ phần nhạy cảm trên cơ thể các người mẫu, còn logo của hãng rượu vẫn giữ nguyên.
Dù đã có những tấm gương tày liếp như vậy nhưng bộ phim "Lửa Phật" vừa ra mắt cuối tháng 8 cũng bị phát hiện là lặp lại những vi phạm về quảng cáo rượu. Cảnh nhân vật Đạo (diễn viên Dustin Nguyễn thủ vai) với tay lấy chiếc chai có chứa "loại rượu ngon nhất" thì không khó để khán giả biết được nhãn hiệu loại rượu này.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, phim còn thêm nhiều cảnh có sự xuất hiện của nhãn hiệu rượu như cảnh người phục vụ đưa rượu ra, khi nhân vật Đạo tự nghiêng chai rót…Đặc biệt, gần cuối phim, phần hậu cảnh còn có cả quầy bar xếp hàng hàng lớp lớp những chai rượu cùng loại. Dẫu các chai không có rượu nhưng kiểu dáng chai và nét mờ mờ của nhãn cũng đủ để khán giả biết đó là loại rượu gì.
Phát biểu với báo chí, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện cho rằng phía hội đồng duyệt phim đã có sơ suất khi chỉ tập trung vào yếu tố đạo đức tư tưởng hay thuần phong mỹ tục… nên có phần không chú ý đến những đoạn được cho là quảng cáo rượu trong phim. Phía nhà sản xuất là hãng phim BHD đã gửi văn bản giải trình lên Cục Điện ảnh và đang chờ phản hồi từ phía cơ quan chức năng.
MV "Cám ơn cha" do ca sĩ Hồ Ngọc Hà thực hiện có nhiều hình ảnh quảng cáo rượu. |
Việc liên tục có những quảng cáo rượu trá hình trong các sản phẩm nghệ thuật thật khó có thể vin cớ là bởi sự hồn nhiên của các nghệ sĩ. Chắc chắn các nghệ sĩ không quá ngây thơ để không biết rằng Điều 7 Luật Quảng cáo quy định rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên không được phép quảng cáo trên bất kỳ hình thức nào. Điều này chỉ có thể lý giải rằng, dường như thù lao thu được từ quảng cáo rượu quá hậu hĩnh đến mức các nghệ sĩ sẵn sàng phớt lờ điều cấm trong Luật quảng cáo.
Nhiều người cho rằng, số tiền 30 triệu mà các nghệ sĩ này bị phạt không thấm vào đâu so với doanh thu mang lại từ việc quảng cáo rượu. Vì thế, các nghệ sĩ sẵn sàng không từ một cách thức nào để quảng cáo chui cho sản phẩm này. Tuy nhiên, một thực tế mà nhiều người phải đặt câu hỏi là tại sao hầu hết những quảng cáo trá hình này đều do báo chí hoặc khán giả phát hiện ra? Rất ít khi các cơ quan quản lý phát hiện mặc dù trước đó những chương trình, sản phẩm này đều đã có sự kiểm duyệt trước khi đưa ra công chúng?
Đến những quảng cáo phản cảm
Trong thời đại bùng nổ thông tin, việc để sản phẩm nhanh đến được với người tiêu dùng thì không gì hiệu quả bằng quảng cáo trên truyền hình. Nhưng cũng chính vì muốn gây chú ý, quá chú trọng đến doanh thu mà văn hóa quảng cáo còn chưa được chú ý một cách đúng mức, thậm chí không ít quảng cáo đã đi ngược lại với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trong quảng cáo của một hãng sữa đang phát trên truyền hình, nhân vật nữ chính thổ lộ rằng: "Bác sĩ nói mẹ bị loãng xương, nên… mình uống sữa hàng ngày để phòng ngừa loãng xương".
Dư luận phản ứng vì nhân vật cô con gái trong đoạn quảng cáo kia là ích kỷ, bất hiếu bởi thay vì mua sữa cho mẹ uống lại chỉ lo lắng cho bản thân mình. Dù phía nghệ sĩ đóng vai có thanh minh rằng đó là vì khi phát sóng trên truyền hình, đoạn quảng cáo đã bị cắt cúp nhưng ở góc độ khán giả, họ chỉ nhận xét trên những gì mắt thấy tai nghe. Cũng là quảng cáo sữa, lại quay cảnh cô giáo cười cợt một học trò của mình vì quá gầy nên bị tụt trang phục khi lên bảng. Hay một ông chồng vì mải mê uống sữa mà để vợ lâm vào tình huống dở khóc dở cười… Hoa hậu Mai Phương Thúy cũng từng bị la ó khi quảng cáo cho một nhãn hiệu dầu gội đầu vì nhân vật của cô thản nhiên nói trống không với người lớn tuổi...
Còn vô số những cảnh quảng cáo vô duyên như hình ảnh cô gái chạy như bay từ trên tầng xuống đường chỉ để liếm giọt tương ớt rơi trên mặt một người đàn ông lạ. Hay hành động một người phụ nữ đưa tay quệt bồn cầu sau khi dùng một loại chất tẩy rửa cũng khiến nhiều người giật mình. Bởi sự lo ngại trẻ em khi xem hành động này sẽ bắt chước làm theo.
Để câu khách, nhiều mẩu quảng cáo để cho nhân vật ăn mặc hở hang. Ba người đẹp là Yến Trang, Ngọc Trinh và Hoàng Yến từng xuất hiện trong clip nóng bỏng, cực kỳ khiêu khích để quảng cáo cho một sản phẩm đồ uống. Những người đẹp này chỉ mặc một chiếc sơ mi trắng mỏng tang, lộ rõ nội y. Chưa hết, ba người đẹp còn uốn éo đủ tư thế rất phản cảm.
Phía những người làm quảng cáo thì thanh minh, sự bùng nổ quảng cáo khiến những người sáng tạo trong lĩnh vực này cạn kiệt ý tưởng. Mà yêu cầu của quảng cáo là phải lạ, gây sốc nên nhiều khi các nhà quảng cáo chỉ tập trung vào yếu tố này mà có phần quên đi nội dung phản cảm. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến cho quảng cáo trên truyền hình bị lạm dụng vì chi phí cho quảng cáo luôn ở mức cao ngất ngưởng.
Mọi người sẽ không khỏi giật mình khi chi phí cho một gói quảng cáo 10 giây xuất hiện trong chương trình "Giọng hát Việt nhí" lên tới 130 triệu đồng. Vì mức giá cao như vậy nên các đài truyền hình mong có càng nhiều quảng cáo càng tốt mà không chú ý nhiều tới văn hóa ở những quảng cáo này, cũng như lơi tay trong vấn đề kiểm duyệt. Còn chủ nhân quảng cáo thì cố gắng cắt bớt thời lượng đến mức sai lệch cả thông điệp để hạn chế chi phí tối đa.
Có một sự lỏng lẻo và bất cập trong quản lý ở lĩnh vực quảng cáo là trong khi quảng cáo trên các sản phẩm như phim ảnh, video clip hay trong các chương trình nghệ thuật khi bị phát hiện đều bị các cơ quan chức năng phạt (dù mức phạt còn khá thấp) thì quảng cáo trên truyền hình lại bị buông lỏng. Chưa có bất kỳ một quảng cáo nào trên truyền hình phải dừng phát hay bị phạt dù rất phản cảm. Trong khi, nếu tính về độ ảnh hưởng tới công chúng, quảng cáo trên truyền hình có sức ảnh hưởng rất lớn. Vì đặc điểm của quảng cáo trên truyền hình là lặp đi lặp lại và có khả năng tác động tới số đông công chúng ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
Trong khi Luật quảng cáo quy định nếu quảng cáo không đáp ứng được nhu cầu về thẩm mỹ, văn hóa, dư luận có quyền phản ứng hay có thể yêu cầu dừng phát quảng cáo đó. Nhưng nếu các cơ quan chức năng, những cơ quan chịu trách nhiệm chính như Đài truyền hình còn "giơ cao đánh khẽ", chưa xử lý đến nơi đến chốn thì các hoạt động quảng cáo chui, quảng cáo phản cảm vẫn có cơ hội nở rộ.