Sự nể phục của ông dễ gây đồng cảm bởi chiểu theo tiêu chuẩn kỹ thuật, để đảm bảo cho độ phủ sóng phát thanh diện rộng, máy phải sóng ngắn có công suất thông thường vào khoảng 15 kw trở lên.
Dĩ nhiên cái máy có 300w ngày đó không thể đủ công suất tiêu chuẩn phát nên ai ở gần nghe được, ai ở xa (như miền Nam) thì không, hoặc có nghe được thì sóng rất yếu. Chưa kể lúc đó đài chưa thành lập, studio không có. Còn buổi tường thuật được truyền dẫn, phát sóng tín hiệu từ Ba Đình về qua một ăngten... đặt trên nóc nhà số 4 Đinh Lễ, Hà Nội (trụ sở Bộ Tuyên truyền).
Nhà báo Vĩnh Trà |
Nhà báo Vĩnh Trà nhắc lại câu nói vui của ông Trần Lâm: Đó là cuộc “khai sinh bằng miệng” Đài phát thanh Quốc gia sau đó không lâu - một trong những việc đầu tiên phải làm ngay sau ngày lập quốc như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù đúng ngày 2/9 năm đó, khi đứng trên lễ đài Quảng trường Ba Đình, Bác không hay biết đã có sóng phát thử của "Tiếng nói Việt Nam", dù rất nghiệp dư kỹ thuật của nhóm thực hiện vừa phát vừa lo toát mồ hôi.
Sự tình liều lĩnh
Ngày 22/8/1945 là một ngày đặc biệt đối với nhóm thanh niên tiêu biểu trong đội Tuyên truyền xung phong, trong đó có Trần Lâm - một sinh viên ưu tú của trường Luật hăng hái hoạt động cách mạng. Trần Lâm tham gia nhiều hoạt động, trong đó được ưu tiên phân công nghe đài nước ngoài, chọn lọc tin tức, viết thành tài liệu, khẩu hiệu, biểu ngữ, rải truyền đơn khắp Hà Nội để ủng hộ Việt Minh.
Vậy là trong giai đoạn cấp bách của cách mạng, chàng thanh niên Trần Lâm cùng Trần Kim Xuyến, Chu Văn Tích được phân công việc thành lập Đài phát thanh Quốc gia theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch. Không có bất cứ chỉ thị nào phải phát vào đúng 2/9, họ chỉ nhận chỉ thị gián tiếp của Bác về chuẩn bị cho việc thành lập một đài phát thanh Quốc gia để tuyên truyền cách mạng.
Không một ai biết đài phát thanh cần có những gì và cũng chẳng có gì trong tay, từ máy thu máy phát, studio bá âm, kỹ thuật viên, phát thanh viên… Nhưng vì “nóng ruột”, chẳng thể cưỡng được một thời điểm không thể đặc biệt hơn là Quốc khánh lập quốc, Trần Lâm và những người trong nhóm quyết định phát sóng “thử”, tức truyền phát trực tiếp, tại chỗ buổi lễ từ Ba Đình hôm 2/9.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 |
“Bọn tôi chả dám báo cáo cấp trên vì việc này là làm thử. Tôi cũng quyết liều mạng, chứ không biết có làm được hay không, nhưng mà cứ liều…” - nhà báo Vĩnh Trà dẫn lời kể của ông Trần Lâm khi còn sống.
Nhưng quá gay go khi chỉ có 1 tuần, họ phải làm thế nào có máy phát và phát sóng thế nào? ‘Chẳng lẽ bó tay’? - nhà báo Vĩnh Trà kể tiếp. Họ đã tìm đến một cán bộ phụ trách kỹ thuật quản lý máy phát sóng một đài phát tín nhỏ ở Bạch Mai (128C Đại La ngày nay) là Nguyễn Cung. Ông Cung chịu trách nhiệm cải tiến một chiếc máy phát tín hiệu morse cũ kỹ thành… máy phát thanh, 41m, có công suất 300w.
Lúc đó, nhóm rất muốn có sự cộng tác của ông Nguyễn Dực - một người bạn của Chu Văn Tích học trường kỹ nghệ thực hành, lại có cửa hiệu lớn cho thuê và sửa chữa máy tăng âm, micro ở 43 Hàng Bài, Hà Nội. Nhưng ông Dực được điều lên chuẩn bị cho khâu phóng thanh buổi lễ 2/9 ở Ba Đình (chính ông là người lo chiếc micro bằng than chì, nặng chịch mà Bác Hồ nói ở Quảng trường Ba Đình năm đó, giờ được đưa vào bảo tàng Cách mạng làm kỷ niệm) nên tham gia không trực tiếp như ông Cung.
Nhưng để cho buổi phát thử hôm 2/9 chạy ngon, cả nhóm quyết định chạy thử trước 1-2 hôm kiểm tra máy phát sóng bằng việc phát nhạc. Ông Dực là người đi mượn hai máy phát Colins từ vô tuyến điện Bạch Mai về đặt ở số 4 Đinh Lễ để phát thử và được phản hồi sóng bắt được. Dự định truyền tín hiệu từ Ba Đình về bằng cả hai chiếc Colins này, nhưng đến phút chót, lại nhận được lệnh trả lại máy cho Sở vô tuyến điện để lo khâu phóng thanh ở Ba Đình.
Nhiều phương án kỹ thuật đưa ra bàn bạc để truyền tín hiệu phát thanh từ Ba Đình về. Sau cùng, ông Cung dẫn một tổ kỹ thuật đưa máy phát 300w lên số 4 Đinh Lễ để truyền cuộc mít tinh ở Ba Đình về bằng đường dây trần. Lời Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập được đưa lên không trung từ máy phát nhỏ này qua ăng ten đặt trên nóc nhà…
“Tôi hồi hộp và lo lắm, mừng vì làm được một việc như thế này thì người dân có thể nghe được tiếng của Chủ tịch lâm thời Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Lo vì sóng công suất bé quá, họ nghe được tiếng không tròn, bị nhiễu thì mình lại mang tiếng là làm không tốt” - nhà báo Vĩnh Trà kể lại lời ông Cung sau này. Ông Cung còn bảo thêm: “Đúng là liều mạng thật! Ông Trần Lâm giao hoàn toàn trách nhiệm cho tôi, sống chết là do tôi có dám làm việc đó”.
Buổi phát thanh thử đó đã tạo động lực cho nhóm thực hiện đứng đầu là ông Trần Lâm sau đó đẩy nhanh việc chuẩn bị cho việc thiết lập Đài phát thanh Quốc gia chính thức ra mắt sau đó không lâu, vào ngày 7/9/1945. Trong buổi phát sóng đầu tiên hôm đó, phát thanh viên đã trân trọng đọc lại toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sóng cho đồng bào cả nước nghe.
Với độ lùi của thời gian, nhìn lại buổi phát thanh trực tiếp đặc biệt ngày 2/9 năm đó, nhà báo Vĩnh Trà nói rằng “trong thời điểm có tính bước ngoặt của cách mạng lịch sử, trong mỗi con người bật dậy một điều gì đó thôi thúc không thể chế ngự được”.
Ông Trần Lâm sau này trở thành Tổng biên tập đầu tiên (nay là Tổng giám đốc) của Đài Tiếng nói Việt Nam. Cùng với ông, những cộng sự như Nguyễn Văn Nhất, Dương Thị Ngân, Chu Văn Tích, Trần Kim Xuyến, Nguyễn Đình Thi, Cù Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Hữu Bản, Nguyễn Cung, Lê Quang Lân... là lớp cán bộ xây dựng những viên gạch nền móng hình thành nên đài phát thanh mang sứ mệnh lịch sử đồng hành với đất nước qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Những cú tác nghiệp liều lĩnh, ngẫu hứng về kỹ thuật nghiệp vụ nhưng đầy chuẩn xác, hiệu quả về tuyên truyền sau này còn lặp lại trong nhiều tình huống cách mạng điển hình. Như nhà báo Vĩnh Trà nói, cho đến ngày nay, dù phát thanh hiện đại đã có nhiều ứng dụng kỹ thuật số hiện đại, ứng biến trong nhiều thể loại, nhưng chất báo chí phát thanh truyền thống trong cách mạng vẫn có những giá trị bất biến, vĩnh cửu. Buổi phát thanh đặc biệt ngày 2/9/1945 điển hình cho giá trị đó.