Văn học dành cho thiếu nhi là món ăn tinh thần quan trọng. Những tác phẩm có giá trị về nội dung và tư tưởng nghệ thuật khi được các em đón nhận chắc chắn sẽ có những tác động tích cực trong việc làm phong phú đời sống tâm hồn, hoàn thiện nhân cách, góp phần bồi dưỡng, nâng cao, định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho lớp độc giả nhỏ tuổi. Mặc dù vậy, trong thời gian qua, mảng sáng tác văn học dành cho đối tượng người đọc có nhiều nét đặc thù này lại chưa được quan tâm đúng mức.
“Khoảng lặng” trong sáng tác
Tìm hiểu mảng sách văn học trong nước trên các giá sách dành cho thiếu nhi, chúng tôi thấy lác đác một số tác phẩm của các tác giả mà tên tuổi đã trở nên quen thuộc như: Nguyễn Nhật Ánh, Võ Quảng, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Hoài Dương… Tuy nhiên, hầu hết là những tác phẩm được tái bản. Hiện tượng “rượu cũ bình mới” biểu hiện ở việc các tác phẩm xuất hiện nhiều lần được “làm mới” bằng cách thay đổi maket trang bìa, màu mực, kỹ thuật in ấn, kiểu giấy…
Để bù lại sự thiếu hụt các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi do các nhà văn “nội” sáng tác, các nhà xuất bản đã cho ra những tác phẩm văn học dịch từ nước ngoài. Tuy nhiên, ngoài những tác phẩm lớn, đã có chỗ đứng trong lòng các độc giả nhỏ tuổi bấy lâu nay như: Không gia đình, Về với gia đình, Những tấm lòng cao cả…, nhiều sách văn học dịch dành cho thiếu nhi hiện nay vẫn còn “kén” các độc giả nhí do sự khác biệt trong cách cảm, cách nghĩ, xa hơn là sự khác biệt về mặt văn hoá và “không khí” tiếp nhận.
Sự xuất hiện khá phong phú của các bộ truyện tranh cũng không thể khoả lấp được khoảng trống các tác phẩm văn học viết dành cho thiếu nhi hiện nay. Bởi, có không ít bộ truyện tranh (chủ yếu là của nước ngoài) đang xuất hiện trên thị trường chỉ phục vụ cho nhu cầu giải trí tức thời, tính giáo dục cũng như yếu tố thẩm mỹ còn bị hạn chế.
Như vậy, việc thiếu hụt những tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi, nhất là những tác phẩm trong nước đang gây nên một sự hụt hẫng nhất định trên thị trường sách văn học nói chung. Đồng thời, gây thiệt thòi cho một bộ phận thiếu nhi có sở thích rất đáng khích lệ: Đọc các tác phẩm văn học viết cho chính lứa tuổi của mình.
Mảng sáng tác văn học dành cho thiếu nhi cần sự quan tâm đầu tư nhiều hơn của các tác giả “nội” |
Đi tìm nguyên nhân
Khi đề cập đến lý do vì sao các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi ít xuất hiện trong thời gian gần đây, một số ý kiến cho rằng, đó là do nhu cầu đọc sách của thiếu nhi ngày nay đã bão hoà trước sự “xâm lấn” của các hình thức giải trí hiện đại khác như: Trò chơi điện tử, truyền hình, Internet, phim ảnh… Nhiều trẻ em hiện nay không thích đọc truyện mà chỉ thích xem truyện tranh. Do “cầu” thấp nên nguồn “cung” hạn chế. Thực tế không hẳn như vậy.
Qua tìm hiểu được biết, đọc sách, nhất là sách văn học là một nhu cầu có thực, một thú vui, sở thích không dễ gì dứt bỏ. Những tác phẩm hay, có chất lượng, có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, thể hiện sinh động thế giới tâm hồn trẻ thơ vẫn được các độc giả nhỏ tuổi yêu thích. Bộ sách Kính vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từ khi ra đời cho đến nay vẫn được nhiều độc giả nhí tìm đọc với niềm hứng khởi, thích thú là minh chứng rõ nét cho điều đó.
Thực tế là hiện nay, những nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi đang vắng bóng dần. Ngoại trừ những cây bút nặng lòng và vẫn mải miết “cày xới” trên “mảnh sân hẹp” của văn học thiếu nhi bấy lâu nay như: Nguyễn Nhật Ánh, Trần Hoài Dương, Nguyễn Ngọc Thuần…, nhiều nhà văn xem sáng tác văn học cho thiếu nhi là việc “tay trái”. Cũng bởi, sáng tác văn học cho thiếu nhi thường ít hấp dẫn hơn so với sáng tác cho những đối tượng độc giả khác. Do viết cho lứa tuổi có nhiều nét đặc thù, sáng tác văn học dành cho thiếu nhi mất rất nhiều thời gian, công sức.
Có những nhà văn cả đời miệt mài viết cho thiếu nhi nhưng lại chỉ có độc giả tuổi teen để ý. Trong khi đó, có những người chỉ viết một vài tiểu thuyết, truyện ngắn đề cập đến một vấn đề “nóng” nào đó là đã “danh nổi như cồn” và được dư luận chú ý.
Bên cạnh đó, có một số nhà văn mang tiếng viết cho thiếu nhi nhưng tác phẩm lại không gần gũi với đối tượng người đọc nên rất khó trong việc tiếp nhận. Một số nhà văn khác lại viết tác phẩm theo dạng tự truyện, hồi ký về thời niên thiếu đã qua của mình cách đây hàng chục năm nên xa lạ với cách cảm, cách nghĩ của lớp thiếu nhi ngày nay.
Khi đã xuất hiện một thế hệ độc giả mới, với nhu cầu thẩm mỹ mới, những sáng tác văn học dành cho thiếu nhi cũng cần có những thay đổi tương thích. Một số nhà văn sau khi đã thử nghiệm trên “sân” văn học thiếu nhi đã nản lòng buông bút khi tác phẩm không có sức sống trong lòng độc giả nhỏ tuổi.
Mặt khác, việc đầu tư quảng cáo, tiếp thị các tác phẩm văn học thiếu nhi tới đông đảo bạn đọc hiện nay còn nhiều hạn chế, các đầu sách mới ra chưa được cập nhật kịp thời. Thực tế đã cho thấy, khâu quảng cáo, tiếp thị có một vai trò rất quan trọng trong việc đưa tác phẩm đến gần với người đọc nhỏ tuổi vốn tò mò, hiếu kỳ, dễ nhạy cảm trước cái mới.
Giúp thiếu nhi tiếp cận được với các tác phẩm hay
Không thể phủ nhận một thực tế là sự phát triển nhanh của các loại hình giải trí nghe, nhìn trong cuộc sống hiện đại, hối hả, gấp gáp đang có những tác động nhất định tới thị hiếu, thẩm mỹ của thiếu nhi ngày nay. Và vì thế, văn hoá đọc trong một bộ phận các em cũng đang “có vấn đề”.
Tuy vậy, phải khẳng định lại một điều là: Dù bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau, những tác phẩm văn học thiếu nhi có giá trị vẫn có sức hấp dẫn, cuốn hút riêng so với các loại hình giải trí khác. Song, để tác phẩm có được chỗ đứng trong lòng độc giả nhí, các nhà văn bên cạnh tài năng cần có tình yêu đặc biệt đối với thiếu nhi.
Cần nắm bắt được đời sống nội tâm cũng như tâm lý tiếp nhận và “gu” thẩm mỹ của lớp thiếu nhi ngày nay. Làm sao cho tác phẩm trở nên gần gũi với các em trên cả phương diện nội dung lẫn hình thức thể hiện. Cần có nhiều hơn những cuộc thi, những cuộc vận động, những trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi có quy mô.
Với những tác phẩm hay, được đầu tư công phu cần có chiến lược giới thiệu, quảng cáo phù hợp để các em có thể dễ dàng tiếp cận. Những tác phẩm có giá trị về nội dung và tư tưởng nghệ thuật khi được các em đón nhận chắc chắn sẽ có những tác động tích cực trong việc làm phong phú đời sống tâm hồn, hoàn thiện nhân cách, bồi dưỡng, nâng cao định hướng thị hiếu, thẩm mỹ cho lớp độc giả nhỏ tuổi.
Minh Tuấn
.