Dân vô tư bóc núi xây nhà
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu di tích – danh thắng nổi tiếng Côn Sơn - Kiếp Bạc nằm trên địa bàn thị xã Chí Linh, Hải Dương được xếp vào diện được bảo vệ nghiêm ngặt với 3 vùng. Theo đó, vùng 1 là vùng đặc biệt có diện tích 3243,6 ha bao gồm các di tích và danh thắng thuộc núi Côn Sơn; thung lũng Kiếp Bạc, các núi: Trán Rồng, Nam Tào, Bắc Đẩu và cánh đồng Vạn Yên. Vùng 2 là vùng đệm diện tích 6912,7 ha thuộc các xã Lê Lợi, Văn An, Hoàng Tân, Đan Hội, Bắc An, Cộng Hòa và thị trấn Phả Lại. Vùng 3 phần còn lại của thị xã Chí Linh là vùng khôi phục sinh thái...
Quy hoạch thì là vậy nhưng trong suốt một thời gian dài cho tới tận thời điểm này, toàn bộ 3 vùng của khu di tích đã và đang bị xâm hại. Có mặt tại đây vào những ngày cuối tháng 7, nhóm PV chúng tôi đã “mục sở thị” ngay tại xã Hưng Đạo, phần lõi của vùng 1 hàng loạt hộ dân tự ý dùng phương tiện cơ yếu như máy xúc, máy gạt đào bới, cuốc vạt núi, san nền làm nhà, thậm chí xây cả biệt thự cao đến 3, 4 tầng, phá vỡ cảnh quan.
Nhà xây dựng vi phạm trong Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc
Cụ thể, lối lên đền Bắc Đẩu, một ngôi nhà đồ sộ vừa xây xong 4 tầng đã choán hết lối đi. Tiến lên phía trên là 2 căn biệt thự khác đang được xây dở dang. Đi dọc con đường chạy theo chân núi Rồng ra phía sau đền Kiếp Bạc dài khoảng 1km, chúng tôi chứng kiến hàng loạt nhà cao tầng mọc san sát ngay trong vùng được “bảo vệ đặc biệt”. Phong trào “xẻ núi” dựng nhà xem ra đang ở tốc độ cao trào. Không ít vạt đồi đang bị bóc nham nhở. Có thể thấy khu vực chân núi Bắc Đẩu, núi Trán Rồng, núi Mâm Xôi... đang dần bị biến dạng...
Trách nhiệm... chưa biết thuộc về ai?
Trao đổi với PV, ông Phạm Khắc Toàn, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh cho biết, với khoảng 40% diện tích nằm trong khu di tích, do yếu tố lịch sử, người dân trong xã sống xen kẽ và rất khó cho địa phương trong công tác quản lý, nhất là xử lý các vi phạm. Chỉ riêng thôn Bắc Đẩu đã có tới 300 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) được cấp từ năm 1992-1998. Trong khi đó, việc tái định cư chưa được quy hoạch cụ thể, bà con có nhu cầu về chỗ ở nên đã tự ý xây nhà. Vi phạm là nhiều và khó tránh.
Đến nay, xã chỉ mới phát hiện, ngăn chặn được 5 trường hợp vi phạm hành lang quản lý di tích. Đáng chú ý, giai đoạn 1 của dự án mở rộng đường dẫn dài 5,1km vào Kiếp Bạc được triển khai, nhiều hộ dân sống ven đường này đã bị thu hồi đất. Số còn lại được Ban Quản lý dự án cho phép tái định cư trên phần đất vườn còn lại. Chính vì vậy, tình hình xây dựng nhà, vi phạm khu di tích ở đây càng trở nên phức tạp.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng ban Quản lý Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, việc xây mới và bóc chân núi để san nền làm nhà là vi phạm Luật Di sản, bởi việc làm này sẽ khiến cảnh quan bị biến dạng. Do không có chức năng ngăn chặn, xử phạt nên Ban Quản lý chỉ có thể thông báo cho chính quyền địa phương những trường hợp vi phạm để xử lý theo quy định, song việc “xử lý” lại rất hời hợt, thiếu kiên quyết.
Ông Minh còn cho biết, dưới lòng đất chân núi Trán Rồng còn tồn tại rất nhiều di chỉ khảo cổ học có giá trị, mang dấu tích kiến trúc, văn hóa thời Trần. Hiện tại, tất cả những di chỉ này đều đã nằm trọn trong khuôn viên vườn, nhà của các hộ dân. Nếu các hộ vẫn tiếp tục xây dựng các công trình sẽ gây khó khăn cho việc bảo tồn nguyên trạng cảnh quan khu di tích.
Có thể thấy, thực trạng cảnh quan Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đang từng giờ bị xâm hại và không thể được khắc phục còn do một yếu tố chủ quan khác. Đó là, các cơ quan quản lý Nhà nước của thị xã Chí Linh và của tỉnh Hải Dương chưa thực sự vào cuộc và có những giải pháp thấu đáo để giải quyết tình trạng này. Rõ ràng, khi chính quyền cơ sở không có chuyên môn và những kiến thức chuyên ngành về bảo vệ di tích, còn Ban Quản lý lại không có thẩm quyền xử lý vi phạm, chắc chắn những hành vi xâm hại Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc sẽ tiếp diễn ngày một nghiêm trọng hơn.
Nếu không có những biện pháp mạnh, nguy cơ cảnh quan nơi đây sẽ bị phá vỡ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Nguồn: CAND
.