Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201307/29577-mot-nha-giao-nha-bao-nha-ly-luan-phe-binh-tai-nang-404052/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201307/29577-mot-nha-giao-nha-bao-nha-ly-luan-phe-binh-tai-nang-404052/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Một nhà giáo, nhà báo, nhà lý luận phê bình tài năng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 24/07/2013, 08:00 [GMT+7]
29577

Một nhà giáo, nhà báo, nhà lý luận phê bình tài năng

Ông sinh ngày 17/8/1933 tại làng Xuân Tiêu, Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An, trú quán tại xóm Lộc Mỹ, Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An.
 
Nhà thơ Phan Sinh Viên vừa là nhà giáo, nhà báo và là một nhà lý luận phê bình văn học tài năng. Trong những năm 80, 90 của thế kỷ XX, có thể nói, ông là một trong những ngôi sao sáng trên bầu trời văn chương xứ Nghệ. Ông qua đời ngày 18/4/2013 tại gia đình ở xóm Lộc Mỹ, Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An, sau một thời gian lâm bệnh nặng, hưởng thọ 81 tuổi. Ông ra đi để lại cho bà con, anh em, bạn bè, đồng nghiệp một nỗi niềm thương tiếc vô hạn.
 
Ông là người đa tài. Qua gần 40 năm dạy học, từ trường THCS, THPT Yên Thành rồi đến các trường THPT Thanh Chương, Nguyễn Du, Nghi Lộc… Ông đã góp phần đào tạo nên bao lớp học sinh thành danh, trong đó có thế hệ như ông Trương Công Anh, Nguyễn Hữu Bản - Cán bộ cấp tỉnh và nhiều thế hệ học sinh khác đầy tài năng, phục vụ quê hương, đất nước. Trong nghề dạy học, ông là một giáo viên dạy văn nổi tiếng tài hoa.
 
Nói về ông, nhà quản lý, nhà giáo, nhà lý luận phê bình văn học Hoàng Văn Hân, qua diễn đàn Nhà giáo đánh giá: “Thầy là một nhà hùng biện trên bục giảng. Khi lên lớp, thầy có một ma lực cuốn hút học trò từ kiến thức sâu rộng, ngôn ngữ, hình ảnh và điệu bộ nghệ sỹ…”. Và một điều thật kỳ thú, nhà giáo Phan Sinh Viên đậu thủ khoa kỳ thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh khi chỉ còn 1 năm nữa là ông nghỉ hưu.
 
Mà ông lại xin thi đề khó nhất thời bấy giờ: Văn nghị luận chính trị. Thực tế ở tuổi ông, ông đâu cần phải đi thi. Thì ra, ông đi thi là muốn giúp đồng nghiệp lớp trẻ một cách tư duy, một phương pháp giảng dạy - Dù bài khó, “xương xẩu” đến đâu cũng không phải là không có cách để dạy hay. Một nhà giáo, một con người bình thường mà có cái “Tâm”, cái “Tầm” như vậy, thật quả cho ta… đáng “nể” biết nhường nào.
 
Nhờ đam mê và năng khiếu văn chương, nhà giáo Phan Sinh Viên đã trở thành nhà thơ từ rất sớm. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thơ ông đã có mặt trong các tuyển thơ Trung ương như “Người anh hùng trái đất” của Hội Nhà văn Việt Nam - 1961; tập “Nguyễn Văn Trỗi” NXB Thanh niên; Tuyển thơ trào phúng chống bành trướng; Tuyển thơ Nhà giáo của Bộ GD&ĐT - 2000; “Nơi gặp gỡ” (thơ in chung 3 tác giả).
 
Tuyển thơ 30 năm, 40 năm, 50 năm của Hội Văn nghệ Nghệ An và tuyển thơ “Một thế kỷ Nghệ An”… Đặc biệt, tài năng thẩm thấu văn chương nghệ thuật của ông đã toả sáng độc đáo qua thể loại lý luận phê bình văn học. Ông đã cho ra đời hàng trăm bài bình thơ tài hoa, qua 2 tuyển tập 1 và 2 với tên gọi khiêm nhường “Bạn và thơ”. Có thể nói, đây là một trong những tập sách lý luận phê bình văn học lấp lánh giá trị nhân văn, được bạn bè trong cả nước ngợi ca. Nói về giá trị của tập sách như cố nhà thơ Xuân Hoài đánh giá: “…Tôi rất quý cách viết và đánh giá bạn bè của anh: Chân tình, tâm huyết và cũng rất thẳng thắn.
 
Cả khen và chê đều có tình và quan trọng hơn cả là rất bám vào văn chương…”. Nhà văn Hoàng Việt, biên tập viên cuốn sách nói: “…Biên tập xong cuốn “Bạn và thơ”, chúng tôi nhất trí với nhau rằng, đây là một cuốn sách có ích cho thầy giáo dạy văn và học sinh học văn ở bậc phổ thông…”. Nhận xét của nhà văn Thuỷ Vân Sơn, một quan chức của Bộ Ngoại giao Việt Nam: “…Anh đã làm được cái việc rất có ý nghĩa là giới thiệu được rất nhiều nhà thơ xứ Nghệ với tình cảm rất nồng hậu, độ lượng, đãi cát tìm vàng… Anh là một nhà phê bình đáng quý. Rất cần có nhiều Phan Sinh Viên ở các tỉnh khác…”.
 
Hay như nhà giáo, nhà thơ Lê Quốc Hán đánh giá: “…Đây là phần biểu hiện cao nhất cái Tâm, cái Tài… của tác giả…”. Và còn rất nhiều, rất nhiều những lời đánh giá, nhận xét thừa nhận tài năng của ông về tập sách vừa ra đời. Trong phần phụ lục: Những lời bình của Tuyển tập thơ và văn chọn lọc của nhà thơ Lê Thái Sơn, ta càng thấm hơn cái tài hoa của ông qua bài viết với tựa đề: “Mùa na chín - Một tập thơ độc đáo viết cho thiếu nhi”.
 
Có thể nói, đây là một trong những lời bình hay nhất, xuất sắc nhất mà từ trước đến nay ta thường gặp. Cái chính, tư duy nhạy cảm của ông đã nắm bắt được cái “thần thái” của bài thơ, của tập thơ. Cái khen, cái chê của ông quả thật chính xác và thấu tình đạt lý. Khi phát hiện ra một vài khiếm khuyết nhỏ, ông nhắc khẽ tác giả bằng một cách ví von thật dí dỏm “…Với một cô gái đẹp, một chút gì xấu dễ làm người ta chú ý”. Khen, chê mà như thế… quả là một “thần bút”.
 
Về cuối đời, ông giành thời gian nhiều hơn cho chuyên mục viết báo chí. Ông đã có rất nhiều bài báo, tham luận sắc sảo đăng trên các tạp chí, báo chí TW và địa phương. Các bài báo của ông luôn bám sát đề tài cuộc sống. Nó rất dân dã, gần gũi đời thường, có sức thu hút, lan toả khắp mọi đối tượng, mọi miền, nhằm góp phần xây dựng cuộc sống mới, con người mới.
 
Ông là cộng tác viên tích cực của Báo Công an Nghệ An. Với cách viết ngắn gọn, sắc sảo, nhiều bài báo sống động, nổi tiếng của ông đã làm cho không ít cây viết chuyên nghiệp đôi khi phải “kiêng nể”. Nhất là những người mới vào nghề, mơ ước làm sao để có được một “bút lực” như ông.
 
Với những cống hiến, đóng góp đáng quý ấy, ông đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất (1989), Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục (1995), Huy chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam (2000), giải B thơ chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ Tĩnh, giải thưởng Hồ Xuân Hương của Hội VHNT Nghệ An, nhiều Bằng khen, Giấy khen của các Hội VHNT và báo chí.
 
Là con người tài hoa nhưng ông luôn sống giản dị, khiêm nhường. Ở đâu, ông cũng luôn giữ phong cách nhân văn nhà giáo, chân tình, yêu thương, luôn gần gũi, vô tư giúp đỡ bạn bè, anh em, đồng nghiệp. Ông có một gia đình thật hạnh phúc. Vợ ông là cô giáo dạy Toán bậc THCS nghỉ hưu, hiền thục, luôn chiều chồng thương con. Con trai, con gái, dâu, rể đều là những đứa con có hiếu, thành đạt.
 
Tưởng nhớ ông, một nhà thơ, nhà giáo, nhà báo, nhà lý luận phê bình văn học tài năng, nhân 100 ngày mất của ông (26/7/2013), thay chút tâm nhang, bài viết xin gửi tới tâm linh ông lời chúc phúc - Chúc ông về cõi vĩnh hằng quy tiên thanh thản.
 
Nhân cách tâm hồn và tài năng của ông sẽ còn mãi trong tình cảm mỗi người chúng tôi.

Nguyễn Hải Ninh
.