Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201307/29403-can-chan-chinh-tinh-trang-day-them-hoc-them-dip-he-404202/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201307/29403-can-chan-chinh-tinh-trang-day-them-hoc-them-dip-he-404202/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm dịp hè - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 15/07/2013, 09:30 [GMT+7]
29403

Cần chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm dịp hè

Nhất là vào dịp hè, khoảng thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn cần thiết của học sinh sau một năm học tập căng thẳng đang bị “cắt xén” bởi gánh nặng học thêm.
 
Mặc dù ngành giáo dục và các cơ quan chức năng đã có nhiều động thái để chấn chỉnh, nhưng dường như vẫn chưa đủ “lực” để đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào quy củ. Dạy thêm, học thêm diễn ra trên tất cả các cấp học, từ tiểu học đến THPT với đủ mọi hình thức tổ chức: Tại trường học, tại các lò luyện, tại nhà riêng của giáo viên… Hoạt động dạy thêm, học thêm như một “làn sóng ngầm” không chỉ diễn ra mạnh mẽ ở các vùng thị xã, thành phố. Hệ quả tất yếu từ việc dạy thêm, học thêm tràn lan là chất lượng khó bề kiểm soát và chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là học sinh.
 
Bản chất của việc dạy thêm, học thêm không có gì đáng phê phán, nếu như nó xuất phát từ nhu cầu hoàn thiện, bổ sung kiến thức của người học và động cơ không vụ lợi của người dạy. Học thêm thực thụ sẽ góp phần nâng cao mặt bằng kiến thức của người học, dạy thêm tích cực sẽ là động lực để giáo viên không ngừng vươn lên nâng cao trình độ. Điều đó hoàn toàn có ý nghĩa tốt đẹp, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường, có “cầu” ắt phải có “cung”.
 
Tuy nhiên, điều đáng bàn là hoạt động dạy thêm, học thêm hiện nay đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Bên cạnh việc học thêm quá nhiều, tạo nên một áp lực học hành quá lớn cho học sinh thì hoạt động dạy thêm đang có xu hướng biến tướng, thương mại hóa. Khi học thêm đã trở thành “phong trào”, người dạy đặt lợi nhuận thu được lên trên quyền lợi của học sinh, hình ảnh tôn nghiêm của người thầy ít nhiều bị méo mó.
 
Trên thực tế, để “kéo” học sinh đến lớp, một số giáo viên đã vận dụng “tiểu xảo” như: Cắt bớt chương trình chính khóa, dạy trước chương trình, giải bài kiểm tra trước ở lớp học thêm để học sinh có đi học thêm mới làm được bài, “chăm sóc” những học sinh không học thêm…
 
Hình minh họa
 
Học phí của mỗi buổi học thêm thường không theo một quy định nào mà do sự thỏa thuận giữa người dạy và người học, nói là “thỏa thuận” nhưng thực chất là do sự áp đặt của người dạy hoặc người tổ chức lớp học. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn cũng phải cố “thắt lưng buộc bụng”, chi phí một khoản tiền đáng kể để đóng học cho con.
 
Một vấn đề đáng quan tâm khác là hoạt động học thêm diễn ra trong hầu như suốt cả dịp hè khiến cho nhiều học sinh không có được những giây phút nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm học bận rộn, căng thẳng. 
 
Có nhiều lý do dẫn đến hoạt động dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan, khó kiểm soát. Về phía gia đình, với mong muốn con mình được giỏi giang bằng bạn bằng bè, nhất là phải giành được kết quả cao trong các kỳ thi, nên các bậc phụ huynh luôn khuyến khích và không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để đóng học phí cho con.
 
Khi hè đến, nhiều gia đình, nhất là ở thành phố lại xuất hiện nỗi lo con em lâm vào cảnh “nhàn cư vi bất thiện”, theo họ, cách tốt nhất là để chúng tham gia các lớp học hè. Đối với giáo viên, việc tổ chức các lớp học thêm, nhất là trong dịp hè là để có thêm nguồn thu nhập, góp phần cải thiện đời sống, nhất là trong bối cảnh vật giá liên tục leo thang, trong khi đồng lương của giáo viên vẫn còn khá eo hẹp. Đây là một lý do quan trọng khiến cho các lớp học thêm liên tiếp mọc lên như “nấm sau mưa”.
 
Phải khẳng định rằng, việc học thêm là một nhu cầu có thực của học sinh, mọi biện pháp cấm đoán là rất khó khả thi. Tuy nhiên, để hạn chế, giảm thiểu những tiêu cực bất cập trong hoạt động nhạy cảm này, trước hết ngành giáo dục cần sớm ban hành những quy định thật chặt chẽ xung quanh vấn đề dạy thêm, học thêm, nhằm làm lành mạnh hóa hoạt động này.
 
Theo đó, ở trường học chỉ cho phép mở các lớp dạy thêm khi học sinh tự nguyện đăng ký, những giáo viên đứng lớp phải thực sự có năng lực, nhiệt huyết. Những giáo viên nào muốn mở lớp dạy thêm tại nhà cần có giấy phép hoạt động, có xác nhận của ngành giáo dục sở tại và chính quyền địa phương. Cần có một mức “sàn” học phí thống nhất chung, tránh tình trạng “mạnh ai nấy thu”. Các lò dạy thêm muốn hoạt động cần phải đăng ký và chịu sự giám sát thường xuyên của các cơ quan chức năng.
 
Về lâu về dài, ngành giáo dục cần phải giảm tải và tinh giản chương trình phổ thông một cách thực sự, làm cho chương trình đơn giản, ngắn gọn và có tính ứng dụng cao. Phải triệt để chống bệnh thành tích trong thi đua. Trong những kỳ thi quan trọng, không nên để giáo viên dạy thêm ra đề cho đối tượng học sinh mà mình đang giảng dạy thêm.
 
Một biện pháp quan trọng khác nhằm hạn chế tiêu cực trong hoạt động dạy thêm là phải từng bước thực hiện lộ trình tăng lương, phụ cấp nghề nghiệp cho giáo viên để phần nào cải thiện đời sống, trang trải các chi phí sinh hoạt. Thiết nghĩ, với một mức lương hợp lý, giáo viên sẽ không phải bươn chải “chân trong, chân ngoài” lo cơm áo, gạo tiền để yên tâm đứng lớp và trau dồi năng lực chuyên môn.
 
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của người dân, bao gồm cả người học lẫn người dạy. Nhưng nhất thiết phải nằm trong khuôn khổ, quy định chung, dưới sự giám sát của ngành giáo dục và các cơ quan chức năng. Nếu hoạt động nhạy cảm này không được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt, khi đứng lớp là những giáo viên quá thực dụng, bị đồng tiền sai khiến, thiếu năng lực chuyên môn thì hậu quả mà học sinh và phụ huynh phải gánh chịu là rất lớn.
 
Nên chăng trong lúc tiếp tục chờ những biện pháp hữu hiệu từ  ngành giáo dục và những người có trách nhiệm để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay thì cách tốt nhất đối với mỗi học sinh là chỉ tìm đến với các lớp học thêm khi thấy thực sự cần thiết và có ích cho bản thân.

Minh Tuấn
.