“Vào lớp 1, em đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sống trong tình yêu thương của hai người chị gái, sự quan tâm của bà con xóm làng, cùng với sự dạy bảo của thầy cô giáo, giờ đây em đã chạm vào cánh cửa đại học. Ở nơi xa, cha mẹ chắc cũng sẽ vui mừng lắm đây”. Ấy là những lời đầy xúc động của em Trần Văn Đức (SN 1994), xóm 2, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn. Em vừa mới đậu một lúc hai trường đại học.
Từ vắng tình thương cha mẹ...
Vùng quê nghèo xã Long Sơn, huyện Anh Sơn mấy ngày nay bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Câu chuyện về cậu bé Đức đậu một lúc hai trường đại học không làm người dân ngạc nhiên mà điều mà bà con ngưỡng mộ là nghị lực vươn lên, vượt qua mọi hoàn cảnh của 3 chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Cha em là Trần Văn Tam, sinh năm 1943, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, bị địch bắt giam ở nhà tù Côn Đảo ròng rã 7 năm trời.
Rời quân ngũ, anh Tam đi học thêm sau đó về công tác tại Nông trường chè Hạnh Lâm. Làm việc tại nông trường, anh cảm mến cô công nhân nông trường chè Nguyễn Thị Chung. Yêu nhau bởi sự cảm thông, sẻ chia và thấu hiểu, hai người đã xây dựng mái ấm hạnh phúc gia đình.
Cuộc sống luôn tràn ngập tiếng cười, đong đầy niềm hạnh phúc khi 3 đứa con chào đời: Trần Thị Thủy (SN 1982), Trần Thị Luận (SN 1984) và cậu em út Trần Văn Đức (SN 1994).
Hạnh phúc chẳng được bao lâu thì tai họa bỗng dưng ập tới. Năm 1996, anh Tam đổ bệnh nặng. Thuốc thang mãi không khỏi, chị Chung phải khăn gói dẫn con trai út theo anh đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác.
Lo sức khỏe cho chồng lại gánh nặng cơm áo cho các con, chị Chung ngày một héo hon dần. Gắng gượng, chịu đựng nhưng rồi căn bệnh tim đày đọa, chị mất năm 1999.
Một năm sau đó, anh Trần Văn Tam vì đau buồn, nhớ thương vợ lại do di chứng của những năm tháng bị tra tấn dã man nơi nhà tù Côn Đảo, anh đã ra đi khi người con đầu vừa mới 16 tuổi, đứa con trai sắp sửa vào lớp 1.
...Đến nghị lực vươn lên
Thiếu vắng tình thương của mẹ, lời dạy bảo của cha, cuộc sống của 3 chị em chông chênh hơn bao giờ hết. Để trang trải cho cuộc sống, Thủy và Luận ngoài một buổi đến trường phải oằn mình bên ruộng lúa, nương dâu. Vừa làm ruộng vừa chăn nuôi thêm trâu bò, hai chị em lại tranh thủ đi cấy thuê, gặt thuê để có thêm thu nhập lo cho việc học hành của cậu em út.
Đức lên 6, nhưng hiểu nỗi vất vả lo toan của hai chị nên em rất ngoan ngoãn nghe lời và phụ giúp việc nhà như nấu cơm, rửa bát, quét dọn nhà cửa... Khó khăn chồng chất, bận bịu là thế nhưng 3 chị em không bao giờ lơ là chuyện học hành.
Đáp lại cho những ngày miệt mài bên trang sách, kỳ thi ĐH năm 2000 - 2001, Thủy đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Học theo tấm gương sáng của chị cả, năm 2002, Luận đậu vào khoa Sư phạm Địa lý Trường Đại học Vinh. Hẹn gặp nhau ở Vinh nhưng không thể để đứa em trai tội nghiệp ở nhà một mình. Đóng cửa, khoán hết ruộng vườn, 3 chị em xuống Vinh trọ học. Đức được xin vào học tại Trường Tiểu học Hưng Lộc.
Thành phố với giá cả đắt đỏ, nhiều thứ phải lo. Hai chị em Thủy và Luận vừa tập trung cho việc học, tối lại tranh thủ chạy đi làm thêm. Lên lớp 3, Đức bị bệnh, được bác sỹ chẩn đoán là ứ nước thận phải, cần phải phẫu thuật sớm.
Tất tả ngược xuôi chạy vạy cùng với sự giúp đỡ của thầy cô, bà con xóm làng, Thủy xin nghỉ học đưa em ra Bệnh viện Nhi Trung ương để phẫu thuật. Ca mổ thành công nhưng sức khỏe em giảm sút, thường xuyên phải ra Hà Nội để kiểm tra.
Mặc dù bệnh tật hành hạ, thiếu vắng tình thương của cha mẹ nhưng thành tích học tập của Đức thật đáng khâm phục. Em luôn đứng đầu lớp, đầu trường. Năm lớp 5, Đức đạt học sinh giỏi tỉnh. Lên cấp 2, em theo chị cả về quê dạy học tại Trường THCS Phúc Sơn, Anh Sơn. Tại quê nhà, Đức thi đậu vào trường chuyên của huyện. Lên cấp 3, Đức được chọn vào lớp chuyên tự nhiên Trường THPT Anh Sơn 1.
Đậu hai trường đại học với số điểm khá cao, khối B Đại học Y Huế với 26 điểm và khối A Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội 20,5 điểm nhưng Đức chọn cho mình con đường làm bác sỹ.
Em chia sẻ: “Bản thân em sức khoẻ không ổn định. Hiện giờ chỉ có một quả thận hoạt động. Cha mẹ mất đi cũng vì bệnh tật. Ước mơ được làm bác sỹ luôn cháy bỏng trong em từ những ngày đó. Em được sống trong tình yêu thương của hai chị, sự động viên, sẻ chia của bạn bè, sự quan tâm, dạy bảo của thầy cô giáo, nhưng giá như cha mẹ em còn sống...”.
An Nhiên
.