Sáng 31/5/2016, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Tổng cục An ninh - Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo đánh giá những yếu tố tiềm ẩn có nguy cơ xâm phạm an ninh Quốc gia trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận. Thượng tướng Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo.
Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát, các cục nghiệp vụ Bộ Công an, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Học viện An ninh nhân dân, Trường Đại học An ninh nhân dân cùng lãnh đạo Công an các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận.
Quang cảnh Hội thảo. |
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận và đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế những yếu tố tiềm ẩn có nguy cơ xâm phạm an ninh Quốc gia trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Phạm Dũng đã biểu dương Tổng cục An ninh đã chủ động nghiên cứu, khảo sát thực tiễn để làm căn cứ tổ chức Hội thảo, qua đó, lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Đảng, Nhà nước chỉ đạo những quyết sách sát hợp đối với địa bàn Tây Nguyên và vùng phụ cận trong thời gian tới.
Thượng tướng Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. |
Thứ trưởng cho rằng, thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng Công an làm nòng cốt, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn Tây Nguyên và vùng phụ cận đã có những chuyển biến tích cực, quan trọng.
Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai các biện pháp công tác, chủ động nắm tình hình, cơ bản kiểm soát được những yếu tố tiềm ẩn gây mất an ninh, trật tự, nhất là các hoạt động của các thế lực thù địch; tham mưu giải quyết những mâu thuẫn, khiếu kiện liên quan đến đất đai trong tôn giáo, dân tộc, không để nảy sinh thành “điểm nóng”, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị trên địa bàn.
Các đại biểu tham gia ý kiến tại Hội thảo. |
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị vùng Tây Nguyên và phụ cận trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Dũng đề nghị lực lượng Công an đóng chân trên địa bàn cần làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện đúng đắn chính sách tôn giáo, dân tộc của Đảng, Nhà nước; phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giải quyết ổn thỏa các vấn đề bức xúc xã hội trong vùng tôn giáo, dân tộc, nhất là vấn đề đất ở, đất sản xuất, việc làm, di cư tự do…Khẩn trương rà soát, phân loại các yếu tố nội sinh tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn đến an ninh chính trị trên địa bàn để chủ động đề xuất, xử lý.