Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201712/day-song-tu-tuyen-bo-cua-my-ve-jerusalem-770645/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/quoc-te/201712/day-song-tu-tuyen-bo-cua-my-ve-jerusalem-770645/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Dậy sóng từ tuyên bố của Mỹ về Jerusalem - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 07/12/2017, 15:15 [GMT+7]

Dậy sóng từ tuyên bố của Mỹ về Jerusalem

Là thánh địa của cả 3 tôn giáo lớn là Thiên chúa, Đạo hồi và Do Thái, nên việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là của Israel đã gây ra nhiều tranh cãi, khiến dư luận “dậy sóng”.

Tổng thống Mỹ công bố quyết định chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ công bố quyết định chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel - Ảnh: Reuters

Ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố này một khi công tác chuẩn bị hoàn tất.

Phát biểu của Tổng thống Trump trong cuộc họp báo cùng ngày tại Nhà Trắng cho hay giờ là thời điểm thích hợp để chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ “bắt đầu triển khai mọi công tác chuẩn bị để chuyển Đại sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv tới Jerusalem”.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Trump cho rằng quyết định này sẽ có lợi nhất cho lợi ích của nước Mỹ, cũng như việc tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine. Theo Tổng thống Trump, kể từ khi Quốc hội Mỹ thông qua Luật Đại sứ quán Jerusalem vào năm 1995 tới nay, các chính quyền tiền nhiệm đã trì hoãn việc thực thi đạo luật này vì quan ngại sẽ gây phương hại cho nỗ lực đàm phán thỏa thuận hòa bình tại khu vực Trung Đông. Theo giới chức Nhà Trắng, quá trình chuẩn bị và chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem có thể sẽ được hoàn tất trong vòng 3 năm.

Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô chính thức của Israel đã giúp Tổng thống Trump hiện thực hóa một trong những cam kết tranh cử quan trọng. Động thái này cũng nhận được sự ủng hộ khá rộng rãi của các nhà lập pháp đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, bước đi nói trên được xem là sự đảo ngược so với chính sách mà Washington thực thi nhiều thập kỷ qua đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, đồng thời có nguy cơ gây bất ổn khu vực và cản trở giải pháp “hai nhà nước” giữa Israel và Palestine.

Hàng loạt nhà lãnh đạo Hồi giáo đã lên tiếng chỉ trích quyết định này của Mỹ. Đặc phái viên Palestine gọi hành động của Tổng thống Trump là lời tuyên chiến tại Trung Đông. Giáo Hoàng Francis cho rằng “nguyên trạng” của Jerusalem cần phải được tôn trọng. Trung Quốc và Nga cũng đều lên tiếng bày tỏ quan ngại bước đi này có thể sẽ gây bất ổn hơn nữa khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định Washington cam kết ủng hộ tiến trình hòa bình và giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine.

Dư luận dậy sóng

Làn sóng phản đối mạnh mẽ từ khu vực Trung Đông lan tỏa ra các khu vực khác sau khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tuyên bố không thể có giải pháp nào thay thế cho giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine, và Jerusalem là vấn đề quy chế cuối cùng cần phải được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp.

Phát biểu với báo giới sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, ông Guterres cho biết ông đã lên tiếng phản đối bất kỳ biện pháp đơn phương nào đe dọa tới triển vọng hòa bình cho người Israel và người Palestine. Bên cạnh đó, ông khẳng định rằng không có kế hoạch B cho giải pháp hai nhà nước, đồng thời cam kết sẽ làm mọi điều trong thẩm quyền của mình để hỗ trợ các nhà lãnh đạo Israel và Palestine trở lại những cuộc đàm phán có ý nghĩa.

Từ châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định Pháp không ủng hộ việc Tổng thống Trump "đơn phương" quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời kêu gọi toàn khu vực bình tĩnh. Phát biểu với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Algiers, ông Macron cho rằng quyết định này là một điều đáng tiếc và Pháp không chấp nhận việc đi ngược lại luật pháp quốc tế và tất cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khẳng định Berlin không ủng hộ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống Trump. Thủ tướng Đức một lần nữa khẳng định vấn đề Jerusalem cần được đưa ra đàm phán trong khuôn khổ giải pháp hai nhà nước.

Thủ tướng Anh Theresa May nêu rõ Chính phủ Anh không đồng tình với quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng, cho rằng bước đi này "không có lợi" cho các nỗ lực hòa bình tại Trung Đông.

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini  bày tỏ "quan ngại sâu sắc" đối với lập trường mới của Washington về vấn đề Jerusalem. Quan chức này cho rằng cần tôn trọng nguyện vọng của cả Israel và Palestine trong vấn đề này. Các bên cần tìm một giải pháp thông qua đối thoại cho vị thế của Jerusalem.

Kịch liệt lên án việc Chính phủ Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, tuyên bố của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro nêu rõ “Venezuela bác bỏ mọi hành động tùy tiện, đơn phương và độc đoán, hòng củng cố sự hiện diện bất hợp pháp của Nhà nước Israel trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng”. Theo ông Maduro, hành vi này vi phạm chủ quyền của người dân Palestine, gây tổn hại nền hòa bình và ổn định, phá hoại những nỗ lực quốc tế trong việc tìm ra một giải pháp đối thoại hòa bình, công bằng và dài lâu cho khu vực này.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên án quyết định trên của Mỹ, đồng thời gọi đây là hành động "vô trách nhiệm" và kêu gọi Washington xem xét lại quyết định này.

Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat nêu rõ quyết định của Mỹ đã làm tiêu tan bất cứ hy vọng nào về giải pháp hai nhà nước đối với cuộc xung đột Israel - Palestine. Cùng ngày, Jordan cũng lên án quyết định này của Washington, cho rằng đây là hành động chẳng khác gì sự vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Cũng trong ngày 6/12, kênh truyền hình Al Jazeera đưa tin Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani tuyên bố việc ông Trump quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem là "sự leo thang nguy hiểm và là án tử hình cho tất cả những ai muốn tìm kiếm hòa bình".

Còn Bộ Ngoại giao Pakistan cho rằng việc ông Trump quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel tới Jerusalem là hành động bất hợp pháp.

Lên án mạnh mẽ quyết định của Tổng thống Mỹ, Iran khẳng định hành động này đe dọa làm bùng nổ một cuộc "intifada mới" hoặc một làn sóng nổi dậy mới của người Palestine. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran khẳng định hành động của Tổng thống Trump là "sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết quốc tế" và Jerusalem là "một phần không thể tách rời của Palestine".

Bộ Ngoại giao Ai Cập trong một tuyên bố cũng lên án động thái của Mỹ, cho rằng quyết định này sẽ không làm thay đổi vị thế hợp pháp của Jerusalem như một thành phố bị Israel chiếm đóng của người Palestine.

Cùng ngày, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Palestine Mahmoud Abbas để thảo luận về những hậu quả có thể xảy ra do quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem.

Dự kiến, Liên đoàn Arab (AL) sẽ nhóm họp bất thường tại Cairo vào ngày 9/12 tới, trong khi Tổ chức Hợp tác Hồi giáo sẽ nhóm họp vào ngày 13/12 tại Istanbul để phối hợp lập trường của 57 nước thành viên sau quyết định của Tổng thống Mỹ.

Israel lên tiếng hoan nghênh quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là phản ứng tích cực duy nhất mà Washington nhận được giữa hàng loạt những tiếng nói quan ngại và tiêu cực từ cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh quyết định của Tổng thống Trump là "mang tính lịch sử" và là "một quyết định công bằng và dũng cảm". Ông Netanyahu cũng cam kết không thay đổi hiện trạng tại các khu thánh địa tại thành phố vốn mang ý nghĩa tôn giáo linh thiêng đối với cả người Do Thái, Cơ đốc giáo và Hồi giáo.

Trong khi đó, lãnh đạo Palestines Mahmud Abbas gọi hành động của Washington là "tồi tệ và không thể chấp nhận được", và là một bước đi "phá hoại tất cả các nỗ lực hòa bình Trung Đông". Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine, hiện đang nắm quyền kiểm soát Dải Gaza, cảnh báo quyết định của ông Trump sẽ "mở ra cánh cửa địa ngục" đối với các lợi ích của Mỹ tại khu vực.

Lập trường của Palestine nhận được sự ủng hộ của nhiều nước. Thủ tướng Liban Saad Hariri cam kết "tình đoàn kết ở mức độ cao nhất với người dân Palestine" đồng thời khẳng định ủng hộ "quyền thành lập một nhà nước độc lập của Palestines với Jerusalem là thủ đô". Ông Hariri nhấn mạnh quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ đối mặt với sự phản đối của "toàn bộ cộng đồng Arab và đe dọa thổi bùng căng thẳng tại khu vực".

Jordan cũng lên án hành động của ông Trump. Người phát ngôn chính phủ Mohammed Momani  gọi đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Ban lãnh đạo Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông báo cơ quan quyền lực nhất Liên Hợp Quốc này sẽ triệu tập phiên họp khẩn cấp trong ngày 8/12 để thảo luận về quyết định của Tổng thống Mỹ. Nhật Bản - nước hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an, cho biết cuộc họp - theo đề nghị của 8 quốc gia, sẽ bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng theo giờ địa phương, song chương trình nghị sự còn một số vấn đề khác nữa nên vấn đề Jerusalem sẽ được thảo luận vào cuối buổi sáng.

Chủ quyền tại Jerusalem lâu nay là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel- Palestine. Israel coi thành phố này là thủ đô không thể chia cắt của mình, trong khi người Palestine muốn khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai của họ. Cộng đồng quốc tế cũng không công nhận tuyên bố của Israel về quyền sở hữu tất cả thành phố.

Các nhà phân tích nhận định, quyết định của Tổng thống Mỹ sẽ gây căng thẳng trong khu vực, gây ra sự tức giận của tất cả người Hồi giáo, người Arab và thúc đẩy chia rẽ, hận thù trên toàn thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng quyết định của Mỹ đã động chạm tới vấn đề nhạy cảm nhất đó là tôn giáo với khoảng 1,5 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới.

Các nhà nghiên cứu và phân tích khu vực cho rằng khó lường hết hậu quả nghiêm trọng của tuyên bố này. Bởi khu vực Trung Đông vẫn luôn là tâm điểm nóng trên thế giới với các cuộc xung đột, giao tranh phe phái, sắc tộc, tôn giáo cũng như tâm điểm của các vụ tấn công khủng bố.

.

Nguồn: Chinhphu.vn

.