Hungary và Slovakia khởi đơn kiện lên Tòa án Công lý châu Âu sau khi các Bộ trưởng Nội vụ EU bỏ phiếu thông qua cơ chế phân bổ hạn ngạch người di cư.
Dòng người di cư đổ vào châu Âu |
Ngày 10/5, Tòa án Công lý châu Âu tại Luxembourg, bắt đầu phiên xử đơn kiện của Hungary và Slovakia liên quan tới cơ chế phân bổ hạn ngạch người di cư của Liên minh châu Âu cho các nước thành viên.
Đại diện của hai nước cùng với một số quốc gia thành viên EU khác như: Đức, Pháp, Thụy Điển, Italy, Bỉ, Luxembourg cũng có mặt.
Tháng 12/2015, Hungary và Slovakia khởi đơn kiện lên Tòa án Công lý châu Âu sau khi các Bộ trưởng Nội vụ EU bỏ phiếu thông qua cơ chế phân bổ hạn ngạch người di cư áp đặt cho các nước thành viên.
Buổi bỏ phiếu nhận được sự ủng hộ của hầu hết các nước thành viên ngoại trừ Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary và Romania. Đan Mạch bỏ phiếu trắng.
Trong các đơn kiện của mình, cả hai nước đều phản đối cơ chế trên khi cho rằng nó vi phạm các nguyên tắc cân bằng thể chế, luật pháp, tỉ lệ phân chia, cũng như lo ngại về mối đe dọa khủng bố thường trực.
Tại phiên tòa, đại diện của Hungary và Slovakia bảo vệ quan điểm từ chối tiếp nhận người di cư của mình, đồng thời bác bỏ quan điểm của Đức và các nước khác cho rằng cả hai nước cần phải thể hiện tinh thần đoàn kết để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu.
Đại diện của Hungary cho biết, nước này hoàn toàn tôn trọng nguyên tắc đoàn kết như là nền tảng để giải quyết cuộc khủng hoảng, song họ không thể chấp nhận cơ chế hạn ngạch bắt buộc như là một hình thức duy nhất để thể hiện tình đoàn kết.
Còn đại diện của Hội đồng châu Âu chỉ trích Hungary đã từ chối tham gia cơ chế trên và cho rằng điều Hungary mong muốn có một vị thế đặc biệt trong việc thực hiện cơ chế này là không thể chấp nhận được.
Ông cũng khẳng định cơ chế này chí ít cũng đã giúp cải thiện tình hình cho dù một số quốc gia thành viên cho tới nay vẫn chưa tiếp nhận người di cư nào.
Dự kiến Tòa án Công lý châu Âu sẽ đưa ra phán quyết vào mùa thu này. Một phán quyết bác đơn kiện sẽ cho phép EU gia tăng sức ép đối với các quốc gia thành viên chưa tiếp nhận và có thể dẫn tới các lệnh trừng phạt nếu từ chối tuân thủ.
Ở chiều hướng ngược lại, nó có thể sẽ làm cho việc thực hiện chính sách di cư của khối này rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn.
Theo cơ chế phân bổ của Liên minh châu Âu, tháng 9 này là thời hạn chót các quốc gia thành viên phải tiếp nhận hết 160.000 người di cư đang tạm lánh nạn tại Italy và Hy Lạp. Tuy nhiên, tính cho tới thời điểm này, mới chỉ có khoảng hơn 1/10 số lượng người trên được phân bổ./.