Thứ Ba, 20/09/2022, 16:22 [GMT+7]

Công an tỉnh Nghệ An là một trong các ngành, địa phương có sự quan tâm, tỷ lệ giải ngân tốt

(Congan.nghean.gov.vn)-Đó là đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tại Hội nghị giao ban toàn tỉnh về công tác giải ngân vốn đầu tư công vừa diễn ra sáng 20/9/2022. Tham gia Hội nghị có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Thiếu tướng Phạm Thế Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan.

Khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, mặc dù Lãnh đạo UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, thúc đẩy, đến thời điểm này, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh rất chậm, tỷ lệ đạt thấp so với mức bình quân chung của cả nước.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị giao ban toàn tỉnh về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị giao ban toàn tỉnh về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu khai mạc Hội nghị giao ban về công tác giải ngân vốn đầu tư công
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu khai mạc Hội nghị giao ban về công tác giải ngân vốn đầu tư công

Trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, nhìn thẳng vào vấn đề, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Hội nghị phân tích, đánh giá đúng nguyên nhân, đề ra đúng giải pháp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của năm 2022, tối thiểu đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 124 của Chính phủ: Giải ngân vốn ngân sách Trung ương đạt 95-100%; vốn ngân sách địa phương đạt 100%; vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt tối thiểu 50%. Mỗi cá nhân, đơn vị phải xác định trách nhiệm chung, cùng gánh vác để thúc đẩy và đạt mục tiêu đề ra, vì thời gian từ nay đến hết năm chỉ còn 04 tháng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu tại Hội nghị
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu tại Hội nghị

Năm 2022, tỉnh Nghệ An được giao kế hoạch vốn đầu tư công tập trung 7.124,7 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 5.566 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 1.557 tỷ đồng. Tỉnh đã phân bổ chi tiết cho 201 dự án với số vốn hơn 5.801 tỷ đồng, còn hơn 1.322 tỷ đồng chưa được giao chi tiết cho các chủ đầu tư.

Đến ngày 10/9/2022, tổng vốn đầu tư công tập trung của tỉnh đã giải ngân hơn 2.119 tỷ đồng, đạt 29,74%; nếu không tính các khoản chưa phân bổ chi tiết (bao gồm nguồn chương trình mục tiêu quốc gia và vốn chuẩn bị đầu tư nguồn ngân sách địa phương) kết quả giải ngân đạt 36,52%; kế hoạch vốn kéo dài đã giải ngân hơn 360 tỷ đồng, đạt 13,3%.

Đồng chí Thiếu tướng Phạm Thế Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh và các đại biểu dự Hội nghị
Đồng chí Thiếu tướng Phạm Thế Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh và các đại biểu dự Hội nghị

Toàn tỉnh có 19 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung của tỉnh (36,52%); 18 huyện, thành, thị và 13 đơn vị chủ đầu tư giải ngân có tỷ lệ dưới mức bình quân chung của tỉnh; 15 đơn vị chủ đầu tư chưa giải ngân. Tính theo dự án, có 130/201 công trình giải ngân dưới 50%, trong đó có 61 công trình với kế hoạch vốn hơn 890 tỷ đồng chưa giải ngân. Đến hết năm 2022, dự kiến có 27 dự án không giải ngân hết, với số vốn hơn 560 tỷ đồng…

Tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, chủ đầu tư báo cáo cụ thể nguyên nhân kết quả giải ngân chậm, thấp; nêu khó khăn, vướng mắc; kiến nghị, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới. Một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay. Trong đó, hầu hết các huyện, ngành, chủ đầu tư đều cam kết phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công được giao.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận Hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá cao một số ngành, địa phương có sự quan tâm, tỷ lệ giải ngân tốt như Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hoá và thể thao, các huyện Nghi Lộc, Quế Phong, Kỳ Sơn...

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, một số chủ đầu tư của ngành, huyện chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều dự án đã có chuẩn bị từ trước nhưng không chủ động; lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu chưa đúng. Công tác chuẩn bị đầu tư còn hạn chế, không kỹ, không sát, dẫn đến hồ sơ thủ tục chậm. Trong công tác giải phóng mặt bằng, ngoài nguyên nhân khách quan, nhiều địa phương chưa chủ động, chưa theo tinh thần "mặt bằng đi trước một bước" khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt thấp. Đối với 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, tỉnh Nghệ An được bố trí vốn lớn, có nhiệm vụ phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Nhưng thực tế, các ngành, địa phương triển khai rất chậm.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu đủ năng lực từ khi bắt đầu triển khai những thủ tục đầu tiên của dự án để hồ sơ dự án đảm bảo chất lượng tốt nhất. Đối với nhà thầu năng lực yếu, chủ đầu tư quyết định việc thay thế. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, cần chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, cố gắng rà soát khối lượng thực hiện hàng tuần, hàng tháng.

Các chủ đầu tư cũng phải rà soát kỹ, cụ thể các dự án không có khả năng thực hiện giải ngân, tập trung biện pháp tăng tỷ lệ giải ngân, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao, hạn chế việc điều chuyển vốn, đặc biệt là trả vốn.

Song song với đó, các ngành, địa phương chủ động rà soát, đánh giá khả năng thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 sát với thực tế để đăng ký nhu cầu vốn. Ngành, địa phương, chủ đầu tư nào không giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 đạt yêu cầu thì xem xét giảm bố trí vốn hoặc dừng bố trí vốn trong năm 2023.

.

Minh Khôi

.