(Congan.nghean.gov.vn)-Chiều 27/9/2021, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với Công an tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát cơ động về một số nội dung liên quan đến dự án Luật Cảnh sát cơ động. Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì.
Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cao về việc qua 07 năm thực hiện, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Luật CSCĐ là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần xây dựng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị |
Các đại biểu cho rằng, nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; các quy định trong dự thảo Luật cơ bản có tính khả thi, phù hợp với Nghị quyết về chương trình xây dựng pháp luật, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đại tá Cao Minh Huyền, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: CSCĐ là lực lượng có tính chất đặc thù so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân, với chức năng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang, được trang bị nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, đối tượng đấu tranh đa dạng, phức tạp; lĩnh vực, địa bàn hoạt động rộng; lực lượng này được huấn luyện thường xuyên, chuyên sâu để cơ động nhanh giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp về ANTT, bạo loạn vũ trang, khủng bố, bắt cóc con tin, trấn áp các loại tội phạm nguy hiểm có sử dụng vũ khí, giải tán các vụ gây rối, biểu tình... nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc… Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật CSCĐ nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Đồng chí Đại tá Cao Minh Huyền, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị |
Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gồm 05 chương, 32 điều, nội dung cơ bản được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 04 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ năm 2013. Dự thảo Luật cũng điều chỉnh, làm rõ quy định về thẩm quyền quyết định điều động CSCĐ thực hiện nhiệm vụ của Tư lệnh CSCĐ và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Dự thảo Luật) đảm bảo chặt chẽ, linh hoạt, phù hợp với thực tế triển khai thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ.
Các đại biểu dự hội nghị |
Góp ý dự thảo Luật, các đại biểu cơ bản nhất trí với quy định trong dự thảo Luật, đồng thời trao đổi một số nội dung về các nội hàm “đặc thù”, “đặc biệt” và “tinh nhuệ” của lực lượng CSCĐ, để làm rõ vị trí, vai trò của lực lượng Cảnh sát cơ động so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân. Từ đó làm nổi bật sự cần thiết phải ban hành đạo luật riêng cho lực lượng này.
Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, bà Thái Thị An Chung - Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu; đồng thời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp ý kiến để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại kỳ họp sắp tới.
Dự án Luật Cảnh sát cơ động là một trong các dự án luật đầu tiên trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 tới đây (dự kiến khai mạc ngày 20/10/2021).
Các đại biểu trao đổi, góp ý tại hội nghị |