Thứ Ba, 03/01/2023, 15:37 [GMT+7]

Tích cực thực hiện Đề án 06

(Congan.nghean.gov.vn)-Thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An đã tích cực thực hiện triển khai Đề án 06, thúc đẩy chuyển đổi số, tạo môi trường hình thành thế hệ công dân số, mang lại lợi ích thiết thực cho cán bộ, nhân viên và phụ huynh, học sinh các nhà trường.

Cán bộ Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An, Sở GD&ĐT lắp đặt, thí điểm triển khai 06 máy chống gian lận trong thi cử tại Trường THPT Hà Huy Tập (thành phố Vinh, Nghệ An)
Cán bộ Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An, Sở GD&ĐT lắp đặt, thí điểm triển khai 06 máy chống gian lận trong thi cử tại Trường THPT Hà Huy Tập (thành phố Vinh, Nghệ An)

Thực hiện Đề án của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng, dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) và trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an, Sở GD&ĐT (Nghệ An) đã phối hợp với Công an tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả: Đẩy mạnh thu - nộp học phí không dùng tiền mặt và thí điểm lắp đặt máy chống gian lận trong thi cử.

Cán bộ Công an tỉnh Nghệ An hướng dẫn cài đặt định danh điện tử mức 2 cho học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thành phố Vinh, Nghệ An)

Cán bộ Công an tỉnh Nghệ An hướng dẫn cài đặt định danh điện tử mức 2 cho học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thành phố Vinh, Nghệ An)

Để thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai mạnh mẽ Đề án 06, ngành GD&ĐT phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các trường học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thu, nộp học phí không dùng tiền mặt. Hiện nay, việc sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ triển khai rộng rãi ở các trường trung tâm mà đang được “phủ sóng” tại nhiều trường học ở các huyện, thành thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Khi sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thì phụ huynh, học sinh hạn chế phải đi lại, có sự giám sát từ ngân hàng, có chứng từ, lưu vết; khi sai sót có thể dễ dàng kiểm tra và điều chỉnh. Từ đó, đảm bảo minh bạch công tác tài chính, hạn chế tiêu cực, giảm thiểu phát sinh và rủi ro tài chính…

Theo số liệu từ Sở GD&ĐT, số trường thực hiện các khoản thu bằng hình thức không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ khá cao, đặc biệt là tại các trường trung tâm. Đơn cử như: Tại thành phố Vinh đã có 60/81 trường thu qua phần mềm của các ngân hàng và phần mềm Misa, các trường còn lại thu qua thẻ ATM. Ở thị xã Cửa Lò, tất cả các trường đều thu qua thẻ ngân hàng. Huyện Nghi Lộc có 29 trường mầm non thu qua phần mềm quản lý khoản thu SISAP; 100/110 trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Diễn Châu cũng đã thu các khoản thu theo phần mềm SISAP. Ở bậc THPT, khoảng 50% các trường đã thực hiện các khoản thu theo phần mềm của các ngân hàng, qua phần mềm của VNEDU hoặc qua ví điện tử.

Thanh toán không qua tiền mặt - nhiều tiện ích cho cả nhà trường và phụ huynh học sinh bởi tính thuận tiện, minh bạch, công khai
Thanh toán không qua tiền mặt - nhiều tiện ích cho cả nhà trường và phụ huynh học sinh bởi tính thuận tiện, minh bạch, công khai

Tuy nhiên, việc thực hiện các khoản thu không dùng tiền mặt ở những huyện vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi, phụ huynh nơi đây vẫn quen với hình thức sử dụng tiền mặt, chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa sử dụng thành thạo công nghệ thông tin.

Trước tình hình trên, ngành Giáo dục cùng Công an tỉnh Nghệ An đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Với nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, có tính lan tỏa trong cộng đồng, hướng tới các nhóm đối tượng cụ thể như cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, đặc biệt là nhóm đối tượng ít có cơ hội tiếp xúc với công nghệ… Qua đó giúp nâng cao nhận thức, thói quen, kỹ năng sử dụng sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Đại diện Sở GD&ĐT khẳng định rằng: Đề án 06 có ý nghĩa thiết thực trong giai đoạn hiện nay và thực hiện tốt điều này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi nhất cho người dân. Trong thời gian qua, được sự hỗ trợ và hướng dẫn của Công an tỉnh, ngành Giáo dục đã đưa biểu mẫu, phổ biến tới các nhà trường. Đồng thời, quán triệt sâu rộng giá trị của Đề án 06 như: Tiết kiệm thời gian, công sức, giao dịch thuận tiện, thúc đẩy mạnh cải cách hành chính. Bên cạnh đó, không dùng tiền mặt trong trường học đảm bảo công khai, minh bạch thì sẽ giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước giám sát giáo dục về các khoản như xã hội hóa…

Tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT nắm chắc, sâu sát với nhà trường, phù hợp với bối cảnh thực tế; đặc biệt chủ động phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Còn các thôn, bản làng xa thì theo đại diện Sở GD&ĐT, thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ có chính sách hỗ trợ cho bà con như điện thoại thông minh… Ban đầu sẽ nhiều khó khăn song sau thời gian sử dụng đúng, trúng nhu cầu thiết thực, tin tưởng rằng, các phụ huynh học sinh sẽ ủng hộ vì đã hiểu được ưu điểm của thanh toán không qua tiền mặt thuận lợi, công khai, minh bạch.

Song song với đó, ngành Giáo dục cũng đã phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh triển khai thực hiện cấp căn cước công dân (CCCD), cài đặt định danh điện tử mức độ 2 cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường. Đồng thời, ngày 25/12/2022, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Bộ Công an đã bàn giao, thí điểm 06 máy chống gian lận thi cử tại Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An).

Với tính năng vượt trội như: Đọc và trích xuất dữ liệu từ thẻ CCCD gắn chip một cách nhanh chóng và chính xác nhờ công nghệ NFC; Xác thực thông tin từ chip của CCCD qua dịch vụ cung cấp bởi Trung tâm nghiên cứu - Ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD (Bộ Công an) trong thời gian chưa đến 02 giây; Xác thực khuôn mặt với độ chính xác lớn hơn 99% nhờ công nghệ FaceID đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế ISO 30107-3. Theo đó, tích hợp tài khoản định danh điện tử (tích hợp với hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an) sẽ cung cấp cho thí sinh phương thức đăng nhập bảo mật thông tin hơn, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn, chính xác, thí sinh và các cơ sở giáo dục không phải nhập lại các thông tin đã có.

Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Đề án 06 trong Giáo dục, Sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh để tháo gỡ những vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 06. Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023, ngành Giáo dục phối hợp với Công an tỉnh tạo điều kiện cho các thí sinh được đăng ký dự thi thuận lợi nhất; đảm bảo an ninh, an toàn đường truyền và hệ thống phần mềm.

.

Phạm Thủy - Hồ Hưng

.