Thứ Ba, 12/07/2022, 08:28 [GMT+7]

Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Y tế Công an nhân dân (12/7/1947 - 12/7/2022) - Kỳ IV

Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Y tế Công an nhân dân (12/7/1947-12/7/2022), Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu bài viết dài kỳ nhằm tái hiện lại những chặng đường lịch sử, ôn lại truyền thống vẻ vang, tôn vinh những thành tích, chiến công của lực lượng Y tế Công an nhân dân (CAND) trong quá trình xây dựng và trưởng thành. Qua đó, để mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng Y tế CAND luôn tự hào, gìn giữ và phát huy truyền thống, trí tuệ, bản lĩnh, lòng yêu nghề, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn lực lượng CAND tích cực đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
 

 


Hòa bình lập lại, lực lượng y tế CAND đã tập trung xây dựng hệ thống tổ chức mạng lưới; bồi dưỡng đào tạo cán bộ y tế đủ điều kiện đảm bảo thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Trước khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mạng lưới Y tế Công an từng bước được hình thành. Sau tháng 4/1975, hệ thống tổ chức mạng lưới tiếp tục được hoàn thiện.

Trong năm 1975, tổ Dược tách khỏi Bệnh viện 367 thành tổ riêng trực thuộc Văn phòng Bộ, làm nhiệm vụ cung cấp thuốc tại chỗ cho cán bộ, chiến sĩ và bổ sung thêm một số thuốc, y cụ cho Công an tỉnh.

Ngày 02/01/1976, Bộ Nội vụ hợp nhất Trường Đào tạo y tế với “Lớp C” (lớp Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công an Lào) thành Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ y tế toàn ngành và đào tạo cán bộ y tế có trình độ Trung cấp.    

Ngày 26/8/1976, Bộ Nội Vụ quyết định hợp nhất hai Bệnh viện là Quân y viện 265 thuộc Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Công an vũ trang với Bệnh viện 367 thành Bệnh viện 19/8 có quy mô 300 - 350 giường. Ngày 10/10/1977, Bộ Nội Vụ ký Quyết định ấn định số giường bệnh cho các Bệnh viện, Nhà điều dưỡng và Bệnh xá trong toàn ngành CAND. Quyết định này đã góp phần hạn chế sự quá tải về giường bệnh ở các cơ sở điều trị, điều dưỡng, tạo điều kiện tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ.

Ngày 21/01/1977, Thủ Tướng Chính phủ có Quyết định số 08/CP tách Vụ Tài vụ - Vật tư thành 05 Vụ, Cục, trong đó có Cục Bảo vệ sức khỏe (nay là Cục Y tế).

Hơn một năm sau, ngày 18/4/1978, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định số 57/QĐ-BNV quy định nhiệm vụ, tổ chức của Cục Bảo vệ sức khỏe trực thuộc Bộ Nội vụ có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng nghiên cứu, chỉ đạo công tác y tế, công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em trong toàn lực lượng CAND, tổ chức tốt mạng lưới y tế, mạng lưới nhà trẻ nhằm không ngừng nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu của Ngành.  

Ngày 20/12/1981, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định số 105/QĐ-BNV quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Cục Y tế. Theo quyết định này, Cục Y tế trực thuộc Tổng cục Hậu cần CAND thống nhất quản lý và chỉ đạo công tác y tế trong toàn lực lượng CAND theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng vũ trang, nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng yêu cầu chiến đấu, công tác của lực lượng CAND.

Ngày 28/6/1986, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định 1930/QĐ-BNV thành lập thêm Phòng Nghiên cứu chẩn trị Y học dân tộc thuộc Cục Y tế. Sau khi được thành lập, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ Cục Y tế đã không ngừng xây dựng, phát triển, củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế trực thuộc Cục Y tế.

Từ Cục Y tế tới các đơn vị cơ sở tạo nên một hệ thống y tế gồm: Cục Y tế, các Bệnh viện, Ban Y tế - Bệnh xá thuộc Công an tỉnh, thành phố, Bệnh xá của các Trại giam, Trại tạm giam, Trường giáo dưỡng, các Trường đào tạo cán bộ Công an và ở các đơn vị độc lập, cùng hệ thống các Nhà nghỉ, Viện điều dưỡng, các cơ sở sản xuất thuốc. Cục Y tế với chức năng quản lý nhà nước về công tác y tế từ Bộ đến các đơn vị cơ sở, đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo thống nhất toàn bộ hệ thống y tế. Cục Y tế có 04 phòng tham mưu gồm: Phòng Tổng hợp, Phòng Vệ sinh phòng dịch, Phòng Nghiệp vụ Y, Phòng Nghiệp vụ Dược, Các Bệnh viện, Bệnh xá, Nhà điều dưỡng, Xưởng dược từng bước được nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu phục vụ bệnh nhân và nâng cao sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ.

Song song với việc xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức mạng lưới, Y tế CAND đã chú trọng đào tạo các thế hệ cán bộ, nhân viên làm công tác y tế. Cuối năm 1977, đã tổ chức đào tạo lớp Y tá trung cấp với 85 học viên. Tháng 6/1978, tổ chức lớp vệ sinh viên với 32 học viên. Y tế CAND đã trực tiếp mở các lớp đào tạo cán bộ chuyên môn có trình độ sơ cấp và các lớp đào tạo dược tá trên phạm vi cả nước, kết hợp với các Trường Trung học Y tế ở các địa phương đào tạo cán bộ chuyên môn có trình độ Trung cấp, tiếp nhận đội ngũ bác sĩ, dược sĩ được đào tạo tại Học viện Quân y và Đại học Y Hà Nội. Đây là nguồn lực quan trọng, đóng góp tích cực vào sự trưởng thành của Y tế CAND.

Nhờ những bước phát triển vượt bậc về hệ thống mạng lưới, Y tế CAND đã góp phần không nhỏ vào quá trình cải tạo xã hội sau chiến tranh, phục vụ chiến đấu, cứu chữa thương bệnh binh.

Sau ngày miền Nam giải phóng, lực lượng Công an tham gia tích cực vào Công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần vào công cuộc cải tạo, xây dựng thành phố, ổn định tình hình trật tự xã hội, xây dựng thành phố. Y tế Công an đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc chữa bệnh cho gái mại dâm, thanh niên nghiện xì ke, ma tuý, trẻ em bụi đời. Tại các cơ sở tập trung, trại "phục hồi nhân phẩm", Y tế Công an đã phối hợp chặt chẽ với các bộ phận chức năng như Đoàn thanh niên, ngành Thương binh - xã hội, ngành Giáo dục, Hội Liên hiệp Phụ nữ... giúp hàng ngàn gái mại dâm, người nghiện ma tuý trở lại với cuộc sống của người lao động lương thiện. Công việc có tính nhân đạo cao cả này của Y tế Công an đã góp phần đắc lực trong việc khắc phục tệ nạn xã hội sau chiến tranh.

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc xảy ra, Y tế Công an phát huy truyền thống tốt đẹp trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tiếp tục lập thành tích mới trong công tác phục vụ chiến đấu. Năm 1978, Y tế Công an đã phục vụ đắc lực các đơn vị chiến đấu chống sự lấn chiếm của các thế lực thù địch ở biên giới Tây Nam. Năm 1979, ngay sau khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, ngày 18/02/1979, Cục Bảo vệ sức khoẻ đã kịp thời cử 02 đoàn cán bộ y tế chi viện thuốc men, y cụ, dụng cụ cứu thương cho Công an tỉnh Lạng Sơn và Hà Tuyên. Nguồn chi viện kịp thời của Cục Bảo vệ sức khoẻ đã hỗ trợ, cứu chữa thương binh, động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ CAND trên mặt trận chống quân xâm lược.

Cùng với việc chi viện trực tiếp, khẩn cấp cho các đơn vị Công an biên giới, Cục Bảo vệ sức khoẻ còn chỉ đạo các phòng chức năng đem thuốc, bông băng, dụng cụ y tế cho các chốt phòng thủ, nhận thương binh về tuyến sau điều trị. Cục trang bị xe cứu thương, cáng thương, túi cứu thương, túi y tá, bộ tiểu phẫu cho các đơn vị tuyến 1 và tuyến 2. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, mặt trận Campuchia, Lào, truy quét Fulro ở các tỉnh Tây Nguyên, Cục Bảo vệ sức khoẻ đã đảm bảo cung cấp đủ cơ số thuốc, y cụ cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu.

Lực lượng Y tế Công an đã bước đầu triển khai công tác chăm sóc sức khoẻ, chủ động phòng, chống dịch.

Sau ngày miền Nam giải phóng, sự chuyển giao giữa hai miền Nam - Bắc đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có việc phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ Công an. Những tháng cuối năm 1975, việc tổ chức uống và tiêm chủng vacxin phòng tả TAB và chủng đậu cơ bản hoàn thành trong lực lượng Công an trên địa bàn Hà Nội.

Trong khoảng 10 năm (1976 - 1986), Y tế CAND đã tập trung xử lý các trường hợp về dịch bệnh ở các đơn vị, trại cải tạo như: dập tắt dịch lỵ ở Trại cải tạo Hà Nam (đầu năm 1976); dịch cúm, dịch lỵ ở Trường sỹ quan - Hạ sỹ quan Suối Hai, Trường An ninh B, Trường Công an 3, Trại cải tạo số 3; sốt xuất huyết, sốt rét ở Công an Hải Phòng, Hà Nội, Đắc Lắk, Đồng Nai, Kiên Giang (tháng 3/1977); khống chế bệnh sốt cao, da vàng ở Trại giam Phong Quang (Hoàng Liên Sơn) thuộc Cục KH6 (mùa hè năm 1977); giải quyết dứt điểm vụ dịch hơn 100 người đi lỏng tại Phòng Hậu cần Công an TP. Hồ Chí Minh (tháng 8/1977); vụ dịch lỵ trực trùng ở Trại cải tạo Hoàn Cát thuộc Công an Bình Trị Thiên (cuối năm 1977). Trong năm 1977, Cục Bảo vệ sức khoẻ đã tổ chức tiêm vacxin phòng tả TAB đạt 80%; vacxin phòng dịch hạch đạt 70% cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an.

Những năm tiếp theo, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch của Y tế Công an vẫn tiếp tục được duy trì. Nhiều dịch bệnh xảy ra ở các đơn vị Công an, đối tượng phạm nhân phía Nam đều được xử lý tốt, không để xảy ra tử vong.

Cục Y tế đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Phòng Vệ sinh phòng dịch đã phối hợp với y tế Cục Quản trị, Trường sĩ quan An ninh, Trường sĩ quan Cảnh sát, các Trại, Công an các tỉnh và các Vụ, Cục diệt côn trùng để đảm bảo vệ sinh môi trường, thu nhiều kết quả tốt. Công tác tiêm phòng được đẩy mạnh thường xuyên, như phòng dịch hạch, tả, thương hàn... thường đạt từ 80% đến 85%.

Thành tích phòng, chống dịch bệnh góp phần quan trọng giữ gìn sức khoẻ cho toàn lực lượng Công an. Trực tiếp hơn là công tác khám chữa bệnh, quản lý sức khoẻ, Cục Y tế đã phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo y tế cơ sở, các Bệnh viện khám chữa bệnh, phẫu thuật cho hàng chục vạn lượt cán bộ, chiến sĩ. Các đơn vị y tế cơ sở đều tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho cán bộ, chiến sĩ, trên cơ sở đó quản lý tốt tình trạng sức khoẻ và bệnh tật, tổ chức điều trị kịp thời. Trong điều trị, đã kết hợp chặt chẽ Tây y với Đông y, chú trọng điều trị bằng các phương pháp y học dân tộc cổ truyền, thuốc nam.

Nhờ sự phát triển hơn về cơ sở vật chất trong thời bình, Y tế CAND đã quan tâm chú trọng nâng cao sức khoẻ bằng chế độ điều dưỡng, nghỉ mát. 

Y tế CAND chú trọng đến việc nâng cao sức cho cán bộ, chiến sĩ bằng cách mở rộng và phát triển hệ thống các Nhà điều dưỡng vừa do Bộ trực tiếp quản lý vừa do Công an các địa phương quản lý. Cục Bảo vệ sức khoẻ đã tổ chức Hội nghị về công tác điều dưỡng, đánh giá công tác điều dưỡng trong thời gian qua, bàn phương hướng nâng cao chất lượng công tác điều dưỡng trong những năm tiếp theo. Được sự chỉ đạo của Bộ, Cục Bảo vệ sức khoẻ đã nghiên cứu từng bước phát triển hệ thống, kết hợp cơ sở nghỉ mát, nhà điều dưỡng và cao hơn là viện điều dưỡng. Viện điều dưỡng có chức năng vừa bồi dưỡng, nâng cao sức khoẻ vừa phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Các cơ sở nghỉ mát và điều dưỡng thuộc Bộ và địa phương từng bước được đầu tư nâng cấp trang thiết bị nội thất, có phương tiện chăm sóc sức khoẻ, nghỉ ngơi, vui chơi. Chế độ ăn uống, điều trị đảm bảo theo quy định chung. Tinh thần, thái độ phục vụ tốt, tận tình, chu đáo. Cùng với việc chăm lo điều dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trong Ngành còn phục vụ một số lượt khách quốc tế là cán bộ an ninh nước bạn Lào. Trong giai đoạn 1986, Y tế CAND đã xây dựng được 05 Nhà điều dưỡng và 05 cơ sở nghỉ mát (không kể Nhà điều dưỡng Lạch Quèn ở Nghệ Tĩnh, chưa kịp đưa vào hoạt động, đã bị mùa bão năm 1980 tàn phá).

Bộ máy tổ chức và năng lực công tác y tế thời kỳ này đã có những bước phát triển mạnh mẽ theo hướng tập trung chuyên sâu, bước đầu phát huy được sức mạnh, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý dược chính, đảm bảo cung cấp thuốc, trang thiết bị, dụng cụ y tế cho các Bệnh viện, Bệnh xá. 

Ngay trong năm 1975, theo yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới, Tổ Dược thuộc Bệnh viện 367 được tách thành một Tổ Dược riêng đặt trực thuộc Văn phòng Bộ, không làm nhiệm vụ cung cấp thuốc cho chiến trường nữa mà làm nhiệm vụ cung cấp thuốc bồi dưỡng tại chỗ cho cán bộ, chiến sĩ và bổ sung thêm một số thuốc, y cụ cho Công an tỉnh. Để tăng cường vai trò của ngành Dược, một nhiệm vụ mới được đặt ra là chỉ đạo Dược chính cho các đơn vị. Sự ra đời của Phòng Dược chính thuộc Cục cũng như các đơn vị trong thời gian này đã thúc đẩy hoạt động của ngành dược, góp phần đắc lực vào việc duy trì và bảo vệ sức khỏe cho lực lượng Công an.

Ngay từ những năm đầu sau khi miền Nam vừa giải phóng, Y tế Công an đã rất chú trọng đẩy mạnh phát triển thuốc đông nam dược, trồng, thu hái, chế biến dược liệu ở các Bệnh xá, Trại cải tạo. Công việc này ngày càng phát triển, đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài của ngành Dược.

Nhờ được tăng cường lực lượng có trình độ đại học, Phòng Dược chính đảm đương nhiều nhiệm vụ nặng nề hơn, vừa chỉ đạo Dược chính toàn mạng lưới y tế, vừa lo công tác vật tư. Phòng tiếp nhận thuốc và các dụng cụ y tế từ các Công ty của nhà nước cung cấp cho các Bệnh viện, Bệnh xá. Phòng Dược chính cũng chịu trách nhịêm gia công dụng cụ y tế, cáng và túi cứu thương, phục vụ chiến đấu. Phòng cũng đảm nhận kế hoạch cấp phát, công tác dược liệu sản xuất, công tác bảo quản kho... Phòng Dược chính đã hoàn thành tốt một khối lượng công việc lớn, giúp cho Y tế Công an vượt qua khó khăn, từng bước phát triển.

Sau sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc, công tác Dược chính vẫn đảm bảo cung cấp kịp thời thuốc men, y cụ cho mặt trận đồng thời đã xây dựng được bản dự trù chi tiết xin viện trợ khẩn cấp dụng cụ y tế ở một số nước xã hội chủ nghĩa. Tiếp đó, Cục Bảo vệ sức khoẻ đã tổ chức tốt việc tiếp nhận thuốc men, dụng cụ y tế của các nước và kịp thời cấp phát cho các tỉnh. Hàng trăm tấn hàng hoá của các nước đã được tiếp nhận, bảo quản tốt và kịp thời phân phối, chi viện cho y tế toàn Ngành. Số thuốc men hoá chất được bổ sung kịp thời cho các đơn vị, tăng cường khả năng chiến đấu ở các mặt trận.

Y tế Công an đã chủ động phối hợp với Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương I Hà Nội sản xuất, đóng gói axít Glutamic, chỉ đạo Y tế Công an các tỉnh sản xuất các loại thuốc nam, dược liệu, cao, tinh dầu... phục vụ tích cực, có hiệu quả công tác điều trị, đề xuất lãnh đạo Bộ thành lập các Xưởng Dược ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh góp phần đắc lực vào việc tự sản xuất các loại thuốc phòng bệnh, chữa bệnh thông thường, một số rượu sâm, cao xương, mật ong, hỗ trợ tích cực vào việc nâng cao sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ …

------------

Kỳ tiếp theo (Kỳ V): Y tế CAND trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN và từng bước hội nhập quốc tế (Giai đoạn 1986 đến 2016)

Kỳ trước (Kỳ III): Y tế CAND trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ miền Bắc XHCN, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975)

 

.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

.