Ngay sau khi U.23 Việt Nam thất bại tại SEA Games 27, người đứng đầu nền bóng đá Việt Nam, quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã đề cập tới "niềm hy vọng U.19" - thế hệ sẽ đại diện Việt Nam dự SEA Games 28 rồi 29 tới đây. Mà cũng chỉ hơn chục ngày nữa, ĐT U.19 Việt Nam sẽ đá giải quốc tế Nutifood tại TP HCM với những đối thủ cùng lứa hàng đầu thế giới. Câu hỏi đặt ra: Từ U.23 đến U.19, từ thất bại tệ hại ở SEA Games 27 đến những hy vọng lớn lao vào 2 kỳ SEA Games sắp tới, bóng đá Việt Nam cần phải nhận thức sao cho chuẩn xác?
Không ai không thừa nhận ĐT U.19 Việt Nam đã xác lập một chiến công lẫy lừng khi đoạt ngôi á quân giải U.19 Đông Nam Á 2013, rồi sau đó đứng đầu vòng loại giải vô địch U.19 châu Á, trong đó có trận thắng cách biệt trước "kèo trên" Australia. Cũng không ai không thừa nhận với lứa cầu thủ được đào tạo một cách căn cơ, bài bản này, bóng đá Việt Nam có rất nhiều hy vọng ở SEA Games 28 và 29. Nhưng nên nhớ trong hoạt động thể thao: từ hy vọng đến thực tế là hai câu chuyện rất khác. Chẳng phải xưa nay bóng đá Việt Nam cũng từng rất nhiều lần hy vọng, thậm chí là kỳ vọng vào một chiếc HCV SEA Games - và cũng có rất nhiều lần chúng ta tưởng như cầm chắc HCV trong tay, thế mà cuối cùng vẫn thất bại đó sao?
Trở lại với những vấn đề của ĐT U.19, có cảm giác rằng lứa cầu thủ này đang dần dần thoát khỏi nỗi ám ảnh Đông Nam Á để tiệm cận tới trình độ châu lục và thế giới. Điều này một phần đến từ những nội lực mà các cầu thủ đang có - cái nội lực đã được nuôi nấng, trui rèn suốt 7 năm với "công nghệ đào tạo Arsenal" chính hiệu, một phần đến từ cách mà bầu Đức - cha đẻ của lứa cầu thủ này định hướng. Cái cách mà ở đấy, các cầu thủ sau khi ra lò sẽ không chơi ở V.League, mà sẽ được gửi sang những giải VĐQG có chất lượng cao, thậm chí là những học viện bóng đá danh tiếng ở châu Âu. Ngay ở giải Nutifood diễn ra từ ngày 6 đến ngày 10/1/2014 trên SVĐ Thống Nhất (TP HCM) tới đây, đối thủ của U.19 Việt Nam cũng không phải là mấy đội bóng trong khu vực Đông Nam Á, mà là U.19 Nhật Bản, U.19 Tottenham (Anh) và U.19 AS Roma (Italia) - toàn những đội bóng thuộc những nền bóng đá đẳng cấp thế giới. Chưa biết kết quả thắng - thua thế nào, nhưng chỉ riêng việc được đối đầu với những đội bóng "hàng khủng" này, chắc chắn kinh nghiệm thi đấu của các cầu thủ trẻ Việt Nam sẽ được tích luỹ, trưởng thành đáng kể.
Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng một đội bóng có trình độ vượt khỏi trình độ Đông Nam Á là có thể dễ dàng vô địch Đông Nam Á như cách mà rất nhiều người hiện đang nghĩ tới. Không hẳn vì tính may - rủi, hên - xui luôn hiện diện như là một trong những đặc tính không thể thiếu của các hoạt động thể thao nói chung, trong đó có bóng đá, mà còn vì Đông Nam Á lâu nay vốn có "luật riêng" của Đông Nam Á. Thế mới có chuyện ở nhiều môn đối kháng (xin nhấn mạnh là đối kháng, chứ không chỉ những môn biểu diễn chấm điểm) có rất nhiều nhà vô địch thế giới vẫn không thể vô địch SEA Games. Tóm lại, 2 năm nữa, rồi 4 năm nữa, thế hệ U.19 Việt Nam hôm nay có thể...vô địch SEA Games hoàn toàn không phải chuyện dễ dàng.
Cần có những mổ xẻ dũng cảm về thảm bại của U.23 Việt Nam |
Những nhà quản lý, điều hành bóng đá ở ta quá hiểu điều đó. Vậy thì phải chăng họ cứ hướng dư luận đến ĐT U.19 và tạo cho mọi người cái cảm giác "U.19 có thể vô địch SEA Games tới nơi rồi..." là để che đi những thất bại ê chề ở kỳ SEA Games năm nay? Những thất bại không đơn thuần đến từ việc cầu thủ của ta yếu hơn đối phương, HLV của ta lành hơn đối phương, mà còn đến từ việc ta đã mất quá nhiều tiền bạc để đưa cầu thủ sang châu Âu tập huấn, nhưng cả đợt tập huấn ấy chỉ đá 4,5 trận vô bổ với những CLB nghiệp dư. Tập huấn kiểu ấy sẽ giúp một đội bóng được "nâng cao trình độ" hay chỉ có thể giúp ai đó, bằng một cách nào đó được nâng cao những cái phết phẩy nào đó sau những chuyến bay dài? Mấy hôm nữa họp Thường trực VFF để mổ xẻ, kết luận về kết quả đầu tư - thi đấu của U.23 Việt Nam, cần phải làm cho rõ vấn đề này.
Vâng, phải là cho rõ vấn đề ấy, thay vì cứ nhắc đi nhắc lại về U.19 rồi vẽ vời, hứa hẹn theo kiểu "thôi thì 2 năm nữa, lứa U.19 sẽ vô địch SEA Games"!
ĐT U.19 của ai?
Khi nghe những nhà lãnh đạo VFF nói về ĐT U.19, và dường như muốn lấy U.19 làm bức bình phong cho thất bại thảm hại tại SEA Games 27, rất nhiều người đặt câu hỏi: ĐT U.19 là ĐT của ai? Dĩ nhiên một đội tuyển ở cấp độ quốc gia, bất luận là ĐT trẻ hay ĐTQG đều là tài sản chung của QG. Đội tuyển ấy phải có nghĩa vụ bảo vệ màu cờ sắc áo QG trong bất cứ hoàn cảnh nào. Và đối tượng quản lý, chăm bẵm cho các ĐTQG là VFF, nên các quan chức VFF có quyền đưa ra những định hướng, ưu tiên phát triển.
Nhưng cũng cần phải rạch ròi một điểm: ĐT U.19 Việt Nam với 9/11 cầu thủ ra sân đá chính thuộc Học viện Bóng đá trẻ Hoàng Anh Gia Lai JMG vốn là quân bầu Đức chính hiệu. Cứ phải nhấn đi nhấn lại chuyện "công bầu Đức" không phải để chia rẽ nội bộ ĐT, cũng chẳng phải để chia chác tiền thưởng như cách mà chúng ta vẫn gặp đây đó ở các ĐTQG sau mỗi chiến công, mà để thấy rằng, có được một ĐT U.19 như hiện nay, vai trò, công lao của bầu Đức lớn hơn vai trò, công lao của VFF rất nhiều.
Thế nên mới có người bảo, khi ĐT U.23 mang đậm màu sắc đầu tư, đào tạo của mình thất bại, việc các quan chức VFF lại hướng dư luận vào ĐT U.19 vốn mang đậm dấu ấn, công lao của một ông bầu có một cái gì đó khiến người ta phải buồn cười.
Thầy trò HLV Guillaume chỉ đấu tập 1 trận duy nhất trước khi dự giải
Để chuẩn bị cho Nutifood 2014, ĐT U.19 Việt Nam đã chính thức hội quân ở Trung tâm thể thao Hàm Rồng (Gia Lai). HLV trưởng của đội vẫn là nhà cầm quân người Pháp Guillaume cùng những cộng sự từ phía HA.GL như trước, tuy nhiên có bổ sung thêm HLV Võ Phước của Đà Nẵng.
Thành phần ĐT vẫn có sự góp mặt của những cầu thủ đến từ các địa phương khác nhau như Duy Mạnh, Đức Huy (CLB Hà Nội), Ti Phông (Khánh Hòa), Văn Thiết (Viettel), nhưng thành phần chủ đạo vẫn là các cầu thủ của Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG.
Theo kế hoạch, ĐT U.19 sẽ có trận đấu giao hữu với CLB Hoàng Anh Gia Lai vào ngày 27/12, sẽ di chuyển vào TP HCM ngày 4/1/2014 trước khi đá trận đầu tiên vào ngày 6/1.
|
.