Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn |
1. Là người giữ trọng trách cao và luôn bận rộn với công việc, nhưng ít ai biết rằng, trước Cách mạng tháng Tám, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn lại làm công việc của một thợ in, in tài liệu phục vụ hoạt động cách mạng nên ông rất quan tâm đến anh em văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí cũng như công tác in ấn, xuất bản.
Tết Bính Thân năm 1956, khi ấy, ở cương vị là Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã đích thân đến thăm và động viên anh em đang làm việc tại Nhà in báo Rèn Luyện (tiền thân của Báo Công an Nhân dân ngày nay). Nhà in lúc đấy có hai chiếc máy in, một máy Minerve và một chiếc có tên Tứ Khai, đích thân Bộ trưởng đi xin từ Nhà máy in Tiến Bộ trước đó 2 năm đang rè rè chạy báo.
Bộ trưởng, sau khi quan tâm, hỏi tình hình công tác và động viên anh em công nhân cố gắng kịp tiến độ ra báo Tết để kịp phát hành đã bất ngờ tiến đến máy in rồi bảo: "Để tôi chạy máy một lát, nhớ lại tay nghề xem sao!". Mọi người có mặt ở đó đã vô cùng bất ngờ lẫn thán phục trước đôi bàn tay khéo léo, nhịp nhàng với thao tác đưa giấy vào, rút giấy ra của ông. Chỉ trong chốc lát, hơn năm chục bản in đã được Bộ trưởng thực hiện một cách hoàn hảo.
Một lần khác, Báo Công an Nhân dân có đăng một bài ghi lại tâm tư của chiến sỹ quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phê bình cấp trên không quan tâm tới đời sống của anh em, dẫn đến công việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn hiệu quả chưa cao với tựa đề: "Thượng bất chính, hạ tắc loạn".
Nội dung bài viết nêu ý kiến của một đồng chí trinh sát bảo vệ kinh tế về tình trạng một số cán bộ lãnh đạo kinh tế xâm phạm tài sản Nhà nước, nên một số cán bộ, nhân viên cấp dưới cũng lợi dụng để tham ô trộm cắp của công. Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là Phạm Văn Đồng sau khi đọc bài báo ấy đã yêu cầu lãnh đạo Bộ Công an vào cuộc để làm rõ.
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn gặp gỡ các đại biểu về dự Hội nghị tuyên dương Anh hùng Lực lượng an ninh miền Nam
Nhận chỉ thị, trong khi Ban biên tập cũng như anh em phóng viên Báo Công an Nhân dân đang hết sức lo lắng thì Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã cử người xác minh sự thật. Sau khi thấy vấn đề Báo phản ánh là có cơ sở, một mặt Bộ trưởng ủng hộ chủ trương của Báo, đứng ra chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ để bảo vệ; mặt khác, cho gọi lãnh đạo Báo Công an Nhân dân lên để nói về quan điểm của Bộ Công an trước vấn đề này.
Đồng thời, không quên nhắc Ban biên tập phải coi trọng việc thường xuyên phê bình để nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, nhưng nội dung phê bình phải đảm bảo chính xác, chân thật, có tinh thần xây dựng.
2.Có một câu chuyện rất nổi tiếng về Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, thể hiện cái tâm lẫn tầm nhìn chiến lược đúng đắn trong việc lựa chọn đấu sách hợp lý, mềm mỏng nhưng rất nhân văn, nhân đạo đối với kẻ thù mà rất ít người biết đến. Đó là việc Bộ trưởng chỉ đạo xác lập và đấu tranh với Chuyên án PY27 vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX.
Lúc bấy giờ, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn có âm mưu chống phá công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc nên thường xuyên cho gián điệp, biệt kích xâm nhập miền Bắc bằng đường không và đường thủy. Chuyên án mang bí số PY27 là chuyên án đầu tiên diệt địch xâm nhập bằng đường hàng không, được tiến hành trong 6 năm, do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đứng đầu chỉ đạo và lãnh đạo.
Chuyên án hoạt động trên địa bàn các tỉnh phía Bắc, rừng núi hiểm trở, nhiều tình huống nghiệp vụ phức tạp, số lượng đối tượng nhiều, thời gian đấu tranh dài nhưng với tinh thần kiên trì, bền bỉ, đấu pháp hợp lý và có nhiều sáng tạo trong quá trình đánh án nên đã giành thắng lợi.
Trong chuyên án PY27, có những sự kiện thể hiện sự vận dụng linh hoạt nghiệp vụ pháp luật với tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc do đích thân Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trực tiếp chỉ đạo. Bọn biệt kích sau khi nhảy dù xuống Tây Bắc đã gây ra hai vụ việc tày trời, một lần phát hiện ra người dân đi rẫy vì sợ lộ nên chúng đã giết rồi chôn xác sau núi.
Lãnh đạo Bộ Công an và Công an tỉnh dâng hương tại Nhà tưởng niệm Cố Bộ trưởng ở xã Nam Trung
Một lần khác, khi nhảy dù xuống bị ta bao vây nhưng chưa bắt được, vì đói nên chúng đã giết một tên để ăn thịt, lấy sức cầm cự rồi chôn xương trên núi. Hai vụ việc này, sau khi bắt được ta đều điều tra ra, tất cả hành vi tội ác của bọn chúng thể hiện đầy đủ trong hồ sơ vụ án, nhưng khi xét xử không hề nhắc tới hay công khai chuyện này.
Lý do mà Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đưa ra là tội ác của chúng đã đủ nặng để xét xử, nếu công khai làm người dân hoang mang, không dám đi rẫy, sản xuất sẽ đình trệ. Hơn nữa, bản chất của địch là đã man rợ, vì đói nên chúng buộc phải làm thế. Vụ việc lại xảy ra ở miền Bắc nên công khai cũng chẳng có lợi vào lúc này. Quan điểm của Bộ trưởng đưa ra được Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý và phê chuẩn.
Lần khác, khi bắt được tên phi công ngụy lái chiếc máy bay C.47 mới bị rơi tại Ninh Bình, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo khẩn trương lấy cung. Khi tên này khai là máy bay tự rơi chứ không phải bị bắn rơi, Bộ trưởng đã nhanh ý tham mưu cho Bộ Chính trị hướng sự kiện này vào chiếc máy bay rơi do bị súng phòng không của một đơn vị nọ bắn hạ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, công tác xét hỏi đã tác động cho tên phi công được khai sao có lợi cho nó, vì còn vợ con đang sống ở trong Nam. Từ đó, tên phi công khai nhận lệnh của cấp trên ra miền Bắc thả biệt kích phá hoại, chẳng may bị súng phòng không của miền Bắc bắn rơi. Nhờ xử lý nhanh tình huống này mà giữ được bí mật chuyên án, đồng thời công bố cho thế giới biết rằng hệ thống phòng không của ta rất mạnh, có thể bắn rơi máy bay tầm cao của kẻ địch.
3. Đồng chí Trần Quốc Hoàn (1916 - 1986) tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh tại xã Nam Trung, huyện Nam Đàn. Tham gia cách mạng năm 1930, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 3/1934. Từ 1936, ông hoạt động cho Mặt trận Dân chủ và làm thợ in ở Hà Nội để gây dựng cơ sở, được cử làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Tháng 7/1940, đồng chí Trần Quốc Hoàn bị bắt và đày đi Sơn La đến tháng 3/1945 được tha, trở về làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Kháng chiến toàn quốc, ông là phái viên của Trung ương ở trong lòng Hà Nội bị tạm chiếm, tiếp tục giữ chức Bí thư Thành ủy.
Năm 1951, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, rồi Bộ trưởng Bộ Công an (1953 - 1980). Đồng chí Trần Quốc Hoàn là Ủy viên Bộ Chính trị khóa III và khóa IV, Đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII. Được trao thưởng Huân chương Sao vàng.
Ngày nay, tên của Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn được đặt cho một con đường ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) và thị xã Thái Hòa (Nghệ An). Ngày 12/8/2010, nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập CAND (19/8/1945 - 19/8/2010), tại xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An và dòng họ Nguyễn Trọng đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà tưởng niệm Cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn.
Thành Thảo
.