Thứ Năm, 23/04/2020, 15:30 [GMT+7]

Đứt gân bánh chè – Chấn thương hiếm gặp ở khớp gối

Khớp gối là khớp lớn nhất trong cơ thể người và là một trong những khớp hay bị tổn thương, như: Bong gân, đứt dây chằng, rách sụn chêm, tổn thương gân, gãy xương, trật khớp... Trong đó, gân bánh chè là gân nối xương bánh chè và xương chày, có vai trò quan trọng trong hệ thống duỗi của khớp gối.

Hình ảnh người bệnh không thể duỗi hết gối trái
Hình ảnh người bệnh không thể duỗi hết gối trái

Đứt kín gân bánh chè là tổn thương có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là vận động viên điền kinh, nhảy cao. Khi người chơi thể thao hoặc hoạt động hàng ngày bị chấn thương bởi một lực va chạm mạnh, trực tiếp vào trước gối, chân tiếp đất trong tư thế gối gấp, đột ngột gấp duỗi quá mức. Thông thường sau khi chấn thương không thể chủ động thực hiện động tác duỗi gối, đa số khớp gối không sưng nề nhiều và  mọi người thường chủ quan, cho rằng do chấn thương đơn thuần và không đến các cơ sở y tế để khám. Điều này khiến tổn thương ngày một trở nên nặng hơn, ảnh hưởng đến vận động và sinh hoạt hằng ngày.
Mới đây, bệnh nhân T.M.H, 15 tuổi, ở xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An xuất hiện các bất thường ở vị trí vùng gối trái sau khi đá bóng cách đây 1,5 tháng. Khi thăm khám khớp gối, các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh xác định, người bệnh có các tổn thương gân bánh chè trên lâm sàng:

 Sờ thấy vùng lõm mất liên tục ngay cực dưới xương bánh chè (nơi vị trí gân bị rách).

 Xương bánh chè cao lên hơn bình thường (so sành với chân lành).

 Bước đi lại khập khiễng và không thể duỗi hết gối.

Để khẳng định thêm chẩn đoán, người bệnh được chỉ định chụp phim X-Quang có hình ảnh  xương bánh chè cao hơn vị trí bình thường và chụp cộng hưởng từ MRI khớp gối trái: Rách hoàn toàn /3 giữa dây chằng bánh chè.

Hình ảnh vùng lõm vị trí gân bị rách
Hình ảnh vùng lõm vị trí gân bị rách

Phẫu thuật tái tạo gân là chỉ định phù hợp trong trường hợp này. Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình Trần Văn Thuyên áp dụng kỹ thuật tái tạo gân bánh chè bị đứt bằng mảnh ghép gân Hamstrings (gân thon và gân cơ bán gân) tự thân. Bác sĩ tiến hành bộc lộ xương bánh chè và vùng tổn thương dưới bánh chè, làm sạch tổ chức xơ dính, sau đó lấy gân Hamstrings (có duy trì điểm bám) đo đường kính của gân, khoan đường hầm (đường kính đường hầm phụ thuộc vào kích thước gân Hamstrings đo được) qua lồi của xương chày, luồn gân Hamstrings từ trong ra ngoài. Tiếp đến khoan tạo đường hầm qua xương bánh chè từ ngoài vào trong, luồn gân mới qua đường hầm bánh chè, đưa xương bánh chè về vị trí bình thường và cố định tại vị trí của gân, bất động khớp gối tạm thời bằng nẹp ôm gối dài. Ca phẫu thuật diễn ra thành công sau 45 phút. Sau phẫu thuật, người bệnh được bất động gối bằng bằng nẹp ôm gối ở tư thế duỗi gối từ 4 – 6 tuần. Người bệnh được Bác sĩ hướng dẫn tập trong nẹp, song song giữ gìn mảnh ghép và tăng sức mạnh gân cơ xung quanh gối. Đồng thời, chịu sức nặng cơ thể tăng dần, từ chạm nhẹ ngón chân, đến bàn chân, một phần và toàn bộ cơ thể theo sự hướng dẫn của Bác sĩ phẫu thuật. Thông thường sau 6 tháng, sự vận động được phục hồi và trở lại mọi sinh hoạt bình thường.

Hình ảnh bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật
Hình ảnh bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật

 

Hình ảnh phim X-quang trước và sau phẫu thuật
Hình ảnh phim X-quang trước và sau phẫu thuật

Bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh khuyến cáo: Để hạn chế tối đa tình trạng chấn thương trong khi chơi thể thao, hãy đảm bảo thực hiện đúng và đủ các nguyên tắc sau:

- Trang bị đầy đủ bảo hộ an toàn.
- Thực hiện đầy đủ các bài tập khởi động.
- Tập luyện vừa phải, không để quá sức, đuối sức.
- Duỗi người dần dần.

Để được hỗ trợ cung cấp thông tin và tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ:

 Bệnh viện Quốc tế Vinh
 Số 99, đường Phạm Đình Toái, xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An
 Số điện thoại 02383.968.888/0901.74.71.73

 

.

K. Chung