Thứ Hai, 30/09/2019, 14:26 [GMT+7]

Y tế học đường: Những khoảng trống cần quan tâm

Phát triển y tế học đường còn được coi là biện pháp chủ yếu để tạo nền tảng sức khỏe, trí tuệ, tinh thần giúp các em học sinh, sinh viên vững bước phát triển trong tương lai.
 
Vừa qua tại Hà Nội, Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GDÐT) đã tổ chức hội thảo, tập huấn hướng dẫn về công tác y tế trong trường học. Ðây là hoạt động thiết thực của ngành giáo dục nhằm củng cố, kiện toàn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 13 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục về chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên thời điểm năm học mới sắp đến gần. Tham gia hội thảo, tập huấn có đại diện lãnh đạo và cán bộ của 40 Sở giáo dục và đào tạo trong cả nước.
 
Vai trò của y tế học đường
 
Công tác y tế học đường ngày càng được đánh giá có vai trò quan trọng trong giáo dục, liên quan trực tiếp đến phát triển thể chất của học sinh sinh viên.
Một trong những vấn đề quan trọng để nâng cao chất lượng y tế học đường là nâng cao chất lượng cán bộ y tế. Ảnh minh họa
Một trong những vấn đề quan trọng để nâng cao chất lượng y tế học đường là nâng cao chất lượng cán bộ y tế. Ảnh minh họa
Cả nước hiện có gần 23 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên, chiếm tỷ lệ khoảng 1/4 dân số. Đây là nhóm đối tượng đang trong giai đoạn phát triển thể chất, tinh thần, dần hình thành thói quen sinh hoạt cho cuộc sống sau này, vì vậy rất cần được chú ý trong giáo dục, rèn luyện, qua đó tạo thuận lợi, góp phần giúp các em phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. 
 
Trong quá trình trưởng thành của các em, y tế học đường đóng vai trò quan trọng, vì lứa tuổi đi học là giai đoạn hoàn thiện thể chất, tinh thần, hành vi lối sống. Hơn nữa trong đời sống xã hội hiện đại hôm nay, môi trường trường học ẩn chứa không ít nguy cơ tiềm ẩn dễ phát sinh bệnh tật ở học sinh, sinh viên. 
 
Nhiều nước phát triển trên thế giới luôn chú trọng vấn đề chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên, xem trường học là nơi để tập trung nâng cao sức khỏe, thay đổi hành vi lối sống cho thế hệ tương lai thông qua rèn luyện kỹ năng sống, cải thiện môi trường học tập và chăm sóc sức khỏe. 
 
Phát triển y tế học đường còn được coi là biện pháp chủ yếu để tạo nền tảng sức khỏe, trí tuệ, tinh thần giúp các em học sinh, sinh viên vững bước phát triển trong tương lai.
 
Tuy nhiên trên thực tế những năm qua công tác y tế trong các trường học còn nhiều bất cập, thiếu và yếu về nhân lực, cơ sở vật chất cũng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. 
 
Bộ GDĐT cung cấp kết quả khảo sát tại các địa phương cho thấy, cả nước hiện có 40.493 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, tuy nhiên tổng số nhân viên y tế trường học chỉ chiếm 74,9%, trong đó biên chế là 53,7%, hợp đồng là 21,2%. Số cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế trường học là 25,1%, chủ yếu ở cấp học mầm non. 
 
Ngành Giáo dục cũng đánh giá, hơn 10 năm thực hiện chỉ thị của Bộ y tế về chăm sóc sức khỏe học đường, công tác này vẫn chưa có những thay đổi vượt bậc ở hầu hết các địa phương. Tỷ lệ trường có phòng y tế mới đạt hơn 50%, cùng với đó có khoảng 55% số trường thực hiện quản lý và lưu hồ sơ sức khỏe của HS. 
 
Nhiều bất cập đang tồn tại. Thông tư 13 quy định, nhân viên y tế trường học phải có trình độ từ trung cấp y trở lên, nhưng số trường có cán bộ đảm bảo trình độ chuyên môn này chỉ đạt khoảng 30%. 
 
Nhiều trường hiện nay chỉ tuyển dụng điều dưỡng, nữ hộ sinh nên hoạt động không theo “quy trình” nào, từ hồ sơ sổ sách đến lĩnh vực chuyên môn. Thậm chí có nhiều nơi vẫn tồn tại tình trạng nhân viên y tế là kế toán, thủ quỹ, nhân viên thư viện... kiêm nhiệm, thậm chí nhiều nơi còn “trắng” nhân viên y tế. 
 
Phần lớn phòng y tế học đường chưa đáp ứng yêu cầu so với quy định mà mới chủ yếu tập trung vào công tác vận động tham gia bảo hiểm y tế, sơ cấp cứu các chấn thương thông thường. 
 
Với xu thế các trường học tiến tới học ngày 2 buổi hay bán trú thì vai trò nhân viên y tế nhà trường ngày càng trở nên quan trọng. Ngoài ra, cơ sở vật chất cho công tác y tế trường học cũng chưa thực sự được quan tâm phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tế.
 
Cần được quan tâm thích đáng
 
Thực trạng kể trên cho thấy, tâm lý xem nhẹ vai trò của công tác y tế học đường vẫn đang còn tồn tại ở nhiều địa phương. Việc đánh giá đúng vai trò của y tế học đường sẽ khiến cho chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên một bước. 
Bên cạnh giáo dục thể chất, việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh có một vai trò vô cùng quan trọng.
Bên cạnh giáo dục thể chất, việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh có một vai trò vô cùng quan trọng.
Thực tiễn cuộc sống cũng như nhiệm vụ giáo dục giai đoạn mới đang đặt ra yêu cầu đối với các nhà trường phải quan tâm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, giúp các em có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội. 
 
Nghĩa là mỗi ngôi trường không chỉ có một phòng y tế cho đảm bảo về mặt hình thức mà còn phải thực sự quan tâm đến chất lượng dịch vụ. Trong đó quan trọng nhất là yếu tố con người. 
 
Cán bộ y tế trường học phải là người tham mưu cho Hiệu trưởng và tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình phòng chống dịch, bệnh, tật cho học sinh trong trường. 
 
Hoạt động y tế trường học không đơn giản chỉ là sơ cấp cứu mà còn tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình phòng chống dịch bệnh cho học sinh trong trường, xây dựng khung dinh dưỡng-y tế hợp lý, góp phần cải thiện cân nặng, chiều cao cho học sinh, sinh viên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển đất nước. 
 
Nhân viên y tế trong trường học phải là những người có năng lực chuyên môn, chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến sức khỏe học sinh. Bên cạnh việc sơ cứu, khám, tư vấn còn là vấn đề an toàn thực phẩm, một yếu tố còn nhiều lo ngại hiện nay. 
 
Ở một số trường học, nhân viên y tế chính là người giám sát khâu vệ sinh và lưu mẫu thức ăn hằng ngày để kiểm tra nếu không may xảy ra ngộ độc. Nhân viên y tế cũng là người chịu trách nhiệm chính trong việc phòng các bệnh trong trường học như sốt xuất huyết, cúm A, bệnh tay - chân - miệng, viêm màng não mô cầu... 
 
Ngoài ra, nhân viên y tế cũng là người chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe của học sinh trong suốt năm học thông qua bệnh án được khám bệnh vào mỗi đầu năm. Chính vì những nhiệm vụ nặng nề đó, nhân viên y tế trong nhà trường phải được tập huấn, cập nhật thường xuyên kiến thức y khoa đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe học đường được hiệu quả nhất.
 
Để nâng cao hiệu quả công tác y tế trong trường học, thiết nghĩ cần phải bắt đầu từ chính mỗi Ban giám hiệu nhà trường. Nhà trường phải là nơi tổ chức, đáp ứng trực tiếp việc đảm bảo, rèn luyện và nâng cao sức khỏe của học sinh bằng chính những việc làm cụ thể từ tuyển dụng nhân viên, đầu tư, trang thiết bị, triển khai thiết thực các hoạt động y tế học đường có ích cho học sinh. 
 
Ngoài ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và phụ huynh học sinh cũng cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng của y tế học đường để sẵn sàng phối hợp xây dựng chiến lược đồng thời đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả các nội dung phù hợp với tình hình, đặc điểm giáo dục của từng địa phương, từng cấp học, từng ngành học. 
 
Muốn làm được như vậy thì phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm sao để toàn xã hội nhận thức được tầm quan trọng của y tế học đường, nơi đặt nền tảng về sức khỏe, thể chất, trí tuệ cho các em học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước. 
 
Đã đến lúc mỗi ngôi trường cần xây dựng và hoàn thiện kế hoạch y tế trường học, kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe học sinh, có bản mô tả chức năng nhiệm vụ của nhân viên y tế trường học, xây dựng nội quy phòng y tế cũng như trang bị sổ quản lý khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế. 
 
Về lâu dài cần đưa hoạt động y tế học đường trở thành một nội dung quan trọng trong hoạt động của Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các địa phương. 
 
Cùng với đó, cụ thể hóa các quy chế chế tài xử phạt việc thực thi các chính sách, từ đó có được sự phối hợp chặt chẽ của liên ngành trong việc xây dựng chế độ chính sách, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, khen thưởng, chuyên nghiệp hóa hoạt động y tế trong trường học.
.

Nguồn: Thảo Vũ/CAND

.