Phóng sự
Một lần đến Trường Sa
(Congannghean.vn)-Cách đây 9 năm, Đoàn công tác của tỉnh Nghệ An đến với Trường Sa ngoài việc đem hơi ấm, tình cảm từ đất liền tới đảo xa còn có một nhiệm vụ quan trọng: Khánh thành Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại đảo Trường Sa lớn do tỉnh Nghệ An xây dựng đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2010). Trải qua hành trình ròng rã 12 ngày đêm trên biển, qua 9 đảo lớn nhỏ và 2 nhà giàn với hải trình gần 2.000 km, sóng gió sẵn sàng quật ngã những người lần đầu tiên đến với biển cả. Nhưng sự hăng hái, hồi hộp khi lần đầu tiên được đến với mảnh đất thiêng nơi cực Đông của Tổ quốc dường như lấn át hết nỗi sợ hãi, những trận say sóng ngất ngưởng, chỉ còn những tình cảm, lời ca tiếng hát cất lên giữa muôn trùng sóng vỗ, những cái ôm thật chặt từ đất liền gửi đến các chiến sỹ nơi đảo xa.
Tác giả tại đảo Nam Yết |
Về miền đất thiêng
Còn nhớ, một buổi chiều tháng 4/2010, tôi nhận được điện thoại của đồng chí Nguyễn Thanh (khi đó là Tổng biên tập Báo Công an Nghệ An) với một câu hỏi bất ngờ: “Cháu có sẵn sàng đi Trường Sa được không?”. Một cảm giác khó tả đến trong tôi, phải mất một hồi lâu tôi mới lấy lại được cân bằng để hỏi lại thủ trưởng cặn kẽ về chuyến đi bất ngờ này. Quả thật, thời điểm đó, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ được một lần đến Trường Sa, được đến với mảnh đất thiêng nơi đầu sóng. Ấy vậy mà giờ đây, mong ước đó lại đến như một món quà bất ngờ sau khi nghe đồng chí TBT giải thích cụ thể. Tôi xác nhận ngay sau đó: “Báo cáo chú, cháu sẵn sàng”!
Trường Sa có 2 mùa: Mùa mưa trùng với mùa sóng to gió lớn; mùa nắng là mùa khát nhưng cũng là mùa sóng yên biển lặng. Mùa biển lặng là mùa lính đảo hay được hội ngộ với người từ đất liền. Thế nên, lịch trình của chúng tôi dự kiến sẽ xuất phát vào một ngày tháng 5, mùa biển lặng. Đoàn công tác của tỉnh Nghệ An ra đảo lần đó có 29 người là lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; cánh phóng viên ngoài tôi còn có thêm các đồng nghiệp đến từ Báo Nghệ An và Đài PT-TH Nghệ An. Chuyến đi này còn có sự góp mặt của Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn công tác. Lịch trình sẽ đi qua 9 đảo và 2 nhà giàn DK1 với hải trình gần 2.000 km.
8 giờ ngày 13/5/2010, con tàu mang số hiệu HQ 957 hú một hồi còi dài rồi từ từ rời Cảng Cát Lái hướng thẳng ra sông Sài Gòn. Phải mất tới 6 giờ đồng hồ, tàu mới ra khỏi sông Sài Gòn để hòa mình vào biển cả mênh mông. Gọi là mùa biển lặng nhưng quả thực có ra biển mới hiểu được những cơn sóng lừng. 17 giờ chiều, cả tàu không ai bảo ai đều đã trồi lên boong, cố bấu víu vào một cái gì đó để không bị lắc lư chao đảo bởi những cơn sóng lớn liên tục vỗ vào mạn tàu khiến con tàu chao lên, ngụp xuống. Chiều hôm đó, cả tàu hầu như bỏ ăn.
Sau 2 ngày 2 đêm lênh đênh trên biển, những sự háo hức ban đầu đã giảm đi đôi chút nhường chỗ cho sự mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt hốc hác vì say sóng của một số thành viên. 10 giờ ngày 15/5, đảo Đá Lớn B, hòn đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa trong lịch trình của chúng tôi đã hiện ra trong ánh nắng chói chang. Nhìn từ xa, đảo Đá Lớn B chỉ là một ngôi nhà nổi giữa rặng san hô trải dài tít tắp. 14 chiến sỹ trên đảo dàn hàng ngang đón chúng tôi bằng những cái bắt tay thật chặt. Ngay trên tầng 2 của đảo, chúng tôi gặp 2 chiến sỹ trẻ là đồng hương Nghệ An. 2 giờ đồng hồ, chúng tôi chỉ kịp thăm hỏi quê quán, trao vội những dòng địa chỉ, chụp với nhau bức ảnh rồi chia tay tiếp tục cuộc hành trình.
Những ngày sau đó, chúng tôi cập bến đảo Nam Yết, hòn đảo nổi lớn thứ 3 trong quần đảo Trường Sa, rồi tới Đá Tây, Đá Tây B, Len Đao... ở đâu cũng bắt gặp các chiến sỹ trẻ người Nghệ - Tĩnh đang công tác và chiến đấu. Những cuộc gặp của Đoàn công tác Nghệ An với các chiến sỹ đồng hương trên các đảo chỉ diễn ra chớp nhoáng nhưng đầy ắp tình cảm. Tôi còn nhớ món quà mà chị Bùi Thu Hương (hồi đó là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, anh Tô Hồng Hải (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) thay mặt Đoàn gửi tặng các chiến sỹ là những chiếc thẻ cào điện thoại của hãng Viettel trị giá vài trăm nghìn đồng để các đồng chí có thể liên lạc về đất liền cho gia đình, vợ con. Đặc biệt đi tới đâu, những làn điệu dân ca ví dặm lại được các nghệ sỹ của Đoàn văn công Bộ đội Biên phòng Nghệ An cất lên khiến các chiến sỹ trẻ bùi ngùi và chúng tôi, những người vừa mới rời đất liền mấy ngày cũng thấy nhớ quê hương da diết.
Ấn tượng nhất đối với tôi trong chuyến đi này là khi được tham dự Lễ tưởng niệm 64 Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc tại bãi đá Gạc Ma. Tại đây, ngày 14/3/1988, tàu chiến Trung Quốc đã nổ súng vào các chiến sỹ của ta đang làm nhiệm vụ trên đảo. Các cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146, Trung đoàn công binh 83 đã không chịu lùi bước, ngoan cường chiến đấu. Trong trận hải chiến này, 64 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, trong đó có 61 chiến sỹ mất tích, 3 tàu quân sự của ta gồm HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125 đã vĩnh viễn nằm lại dưới biển khơi.
22 năm sau ngày xảy ra sự kiện Gạc Ma, chúng tôi tìm đến đảo Sinh Tồn, nơi các anh đang yên nghỉ. Một lễ tưởng niệm được tổ chức ngay trên boong tàu tại cụm đảo Sinh Tồn. Những vòng hoa kết hình cờ Tổ quốc, nhiều vật dụng bình dị đã gắn liền với các anh khi còn sống như thuốc lá, dao cạo râu cũng được thả xuống biển. Cả đoàn ai cũng rưng rưng xúc động khi Chuẩn đô đốc, Thiếu tướng Nguyễn Cộng Hòa nghẹn ngào: “Sự hy sinh của các anh đã tô thắm thêm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm sáng, đẹp thêm phẩm chất Anh Bộ đội cụ Hồ - Người chiến sỹ Hải quân. Các anh ra đi vì Trường Sa, vì Tổ quốc là một nhẽ, nhưng đã để lại bao nỗi nhớ thương, bao nỗi niềm hy vọng của biết bao người mẹ, người cha, người vợ, người con hằng ngày vẫn đau đáu bên cánh cửa đón các anh về. Xin được kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới các đồng chí, mong các đồng chí thanh thản yên nghỉ, cùng chúng tôi canh giữ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”.
Tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma |
Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Trường Sa
Nhà tưởng niệm Bác Hồ được tỉnh Nghệ An phối hợp với Quân chủng Hải quân khảo sát và xây dựng trên đảo Trường Sa lớn thuộc thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa với tổng diện tích gần 800 m2 ở vị trí trung tâm đảo. Công trình bao gồm 5 hạng mục gồm: Nhà tưởng niệm, nhà bia, nhà chuông, cổng và hàng rào. Trong Nhà tưởng niệm đặt bức tượng toàn thân của Bác bằng đồng nặng gần 1 tấn. Ngoài ra, còn có các vật thờ tế bằng đồng như đỉnh trầm, hạc, lư hương... cùng các tủ trưng bày ảnh, các tư liệu về Bác Hồ với sự nghiệp cách mạng, với lực lượng vũ trang, bộ đội hải quân và các tầng lớp nhân dân.
Đúng sáng 19/5/2010, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người, Đoàn công tác của tỉnh Nghệ An đã long trọng tổ chức lễ mít tinh và khánh thành Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Trường Sa. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, Đoàn đã dâng lẵng hoa tươi thắm, nén hương thơm lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyện hứa mãi mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác đã chọn; đoàn kết, chung tay xây dựng tỉnh Nghệ An sớm trở thành tỉnh khá của miền Bắc như sinh thời Bác từng mong muốn. Nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng tại Trường Sa thực sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nơi sinh hoạt giáo dục truyền thống cho bộ đội và các tầng lớp nhân dân trên đảo, từ đó, giúp mọi người nhận thức được trách nhiệm, sống, chiến đấu, học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nằm trong chương trình công tác, Đoàn cán bộ của tỉnh cũng đã đến thăm hỏi, tặng quà cho nhân dân, giáo viên, học sinh, chính quyền, cán bộ, chiến sỹ người Nghệ An đang công tác trên đảo Trường Sa.
Lễ khánh thành Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại đảo Trường Sa lớn |
Theo lịch trình trên đường trở về, chúng tôi tiếp tục ghé thăm 2 nhà giàn DK1. Dường như sau hơn 10 ngày lênh đênh trên sóng nước, các thành viên đã quen với cảnh chao đảo, ngả nghiêng nên đa số đều lấy lại được cân bằng. Ban ngày, chúng tôi lên boong tàu nằm võng đọc sách hoặc ngắm nhìn biển cả. Đêm xuống, chúng tôi lại được các chiến sỹ hướng dẫn cách câu cá biển. Những con cá hồng biển nặng hơn 1 yến được kéo lên từ dưới mặt nước với khoảng cách 200 m khiến tất cả chúng tôi rất hào hứng. Cuộc hải trình rồi cũng đến lúc kết thúc, 8 giờ sáng 25/5/2010, tàu HQ 957 đưa chúng tôi cập Cảng Sài Gòn, kết thúc hải trình 12 ngày đêm đến với Trường Sa. Những con ốc biển, những nhành phong ba và thậm chí là cả những cây bàng vuông non là món quà của đảo gửi cho Đoàn công tác được chúng tôi nâng niu gìn giữ. Tạm biệt Trường Sa, tạm biệt mảnh đất thiêng nơi đầu sóng, chỉ còn đọng lại những quyến luyến, bịn rịn không muốn chia rời. Hẹn gặp lại đảo xa!
Việt Dũng