Phóng sự
Hai bài báo có nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất!
(Congannghean.vn)-Hơn 42 năm công tác trong ngành thì tôi đã có gần 30 năm gắn bó với Báo Công an Nghệ An. Trong thời gian này, từ khi làm phóng viên cho tới khi là Thư ký Toà soạn, hay Phó Tổng biên tập, tôi đã viết hàng trăm bài báo, nhưng đối với tôi, 2 bài báo sau đây ghi lại dấu ấn sâu đậm nhất.
Bài báo làm thay đổi số phận của một cô giáo
Đó là bài: “Nỗi oan của một cô giáo dạy giỏi”, đăng trên số báo 258, xuất bản tháng 9/1996. Bài báo này xuất phát từ đơn kêu cứu của cô Chu Thị Nhị, một giáo viên dạy giỏi của Trường phổ thông cơ sở thị trấn Yên Thành gửi Tổng Biên tập. Trong đơn, cô Nhị kêu oan vì bị “ghép tội” xúi giục học sinh viết đơn nói xấu thầy cô khác trong nhà trường, từ đó nhà trường đã họp và ra một quyết định nghiêm khắc: Đề nghị khai trừ khỏi Đảng, cho thôi việc đối với cô Chu Thị Nhị. Được sự phân công của đồng chí Tổng Biên tập Cao Đăng Nghĩa, tôi nhận nhiệm vụ điều tra viết bài này theo đơn thư bạn đọc.
Cô giáo Chu Thị Nhị và tác giả (ảnh chụp tháng 3/2019 tại nhà cô Nhị) |
Phải nói rằng, đây là một vụ việc vô cùng khó khăn, phức tạp, bởi lãnh đạo nhà trường lúc đó do cô Nguyễn Thị Nga làm Hiệu trưởng đã thao túng được cả Công đoàn, Thanh tra nhà trường… Cô Nga lại được Phòng Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo huyện Yên Thành ưu ái, tin tưởng… Ngay cả chồng cô Nhị, một sỹ quan An ninh, đang giữ chức vụ Đội phó Đội An ninh Công an huyện Yên Thành có chức năng bảo vệ an ninh nội bộ cũng phải nhờ đến các cơ quan báo chí để bảo vệ vợ mình.
Một mình phóng xe máy về Yên Thành, tôi đem theo máy ảnh, máy ghi âm với quyết tâm tìm ra sự thật. Vào gặp lãnh đạo nhà trường, tôi đã bị cô Nga phủ đầu: “Nhà báo muốn tìm hiểu vụ kỷ luật cô Nhị thì sang bên Thanh tra huyện, Thanh tra đã có kết luận rồi đó, chúng tôi không làm việc nữa”. Là người đã học qua điều tra và làm điều tra hơn chục năm, tôi cũng “không vừa” khi trả lời cô Nga: “Thanh tra có nghiệp vụ thanh tra, Công an có nghiệp vụ điều tra, còn chúng tôi, phóng viên, có nghiệp vụ điều tra của báo chí. Cô không làm việc, tôi sẽ có cách điều tra riêng của tôi”…
Và rồi, với quyết tâm cao và phong cách làm việc cẩn thận, tỉ mỉ, tôi đã đi gặp từng phụ huynh và học sinh có liên quan trong vụ việc. Cuối cùng, bản chất của vụ việc này cũng được làm sáng tỏ: Thời điểm đó, cô Nhị là một giáo viên dạy Toán giỏi có tiếng. Cô mở lớp dạy thêm tại nhà và học sinh đến học rất đông. Trong số học sinh này, nhiều em trước đây đã học ở một số cô khác nên khiến cho các cô bực tức, ghen tỵ… Cùng với đó, theo lãnh đạo Công đoàn Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành, cô Nga và cô Nhị đều là những giáo viên có năng lực, nhưng “chưa hiểu nhau” nên mới dẫn đến mâu thuẫn và xảy ra vụ việc…
Sau khi thu thập đầy đủ tư liệu, bài điều tra “Nỗi oan của một cô giáo dạy giỏi” được đăng trên Báo Công an Nghệ An, đã gây chấn động mạnh lúc bấy giờ. Lãnh đạo huyện Yên Thành và Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An vào cuộc, phụ huynh lên tiếng ủng hộ cô Nhị… Cuối cùng cô Nhị được minh oan, các hình thức kỷ luật về Đảng và chuyên môn đối với cô Nhị được huỷ bỏ. Trái lại, cô Nga, người chỉ đạo trù dập cô Nhị đã bị cách chức Hiệu trưởng, chuyển về làm giáo viên ở trường bổ túc huyện. Các thành viên lãnh đạo Hội đồng Nhà trường bị cô Nga thao túng cũng bị cách chức và giải tán để thành lập lại…
Lúc bấy giờ chưa có mạng xã hội nên sự việc nghiêm trọng này cũng chưa được lan toả rộng rãi như bây giờ, nhưng sinh mạng chính trị của cô Chu Thị Nhị thì rõ ràng nhờ có Báo Công an Nghệ An mà như sống lại từ cõi chết. Bây giờ cô Nhị đã về hưu nhưng cô không bao giờ quên kỷ niệm buồn này và luôn biết ơn sự đồng hành của Báo Công an Nghệ An đã làm thay đổi số phận và cuộc đời cô.
Bài báo mà gần 30 năm sau vẫn chưa lý giải được bản chất của “Hai cú đấm định hạn”
Không hiểu do cái duyên làm báo thế nào mà trong khi nhiều phóng viên của các báo khác đến làm việc tại Công an huyện Quỳnh Lưu những năm 1990 không được Thượng uý Trần Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự cung cấp cho vụ “xác chết” ở chân Rú Đồn, xã Quỳnh Thiện, nhưng khi tôi đến, người Đội trưởng tài hoa, mẫn cán này (sau này Trần Sơn mang quân hàm Đại tá, Phó Trưởng Công an TX Hoàng Mai và nay đã nghỉ hưu) gọi vào và nói ngay: “Nhà báo viết vụ này đăng lên báo, giúp nhà mình tìm tung tích nạn nhân với!”.
Vụ việc (gọi là vụ việc vì chưa xác định có án mạng hay không) ly kỳ này được tóm tắt như sau: Vào đầu những năm 1990, tại chân Rú Đồn, xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu (nay thuộc TX Hoàng Mai), người dân phát hiện 1 tử thi nằm tương đối ngay ngắn, bên cạnh có 1 đèn pin, 1 túi Thái, trên ngực có 1 cuốn sổ nhật ký. Qua khám nghiệm sơ bộ xác định tử thi là một nam thanh niên khoảng 28 tuổi, không xác định được nguyên nhân chết, không xác định được tung tích nạn nhân. Điều ly kỳ nằm ở nội dung của cuốn nhật ký.
Trang đầu cuốn nhật ký là dòng chữ “Cao nguyên đời lính chiến”, trang thứ 2 là 2 dòng chữ ngay ngắn, cân đối giữa sổ:
“Hai cú đấm định hạn
và vụ án không tội phạm”
Từ trang thứ 3, cuốn nhật ký viết về bản thân tác giả cùng một người bạn, cả 2 đều là quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia bị một ông chủ quán Hoa kiều xúc phạm, nên đến quán ông này để “xử”. Tuy nhiên, dù người mảnh khảnh như con nghiện nhưng ông này vẫn đấm cho mỗi người một đấm vào ngực và vào bụng. Không những thế, sau khi đấm xong, ông chủ quán người Hoa còn phán: “Mày đang được ăn chơi 6 - 7 năm nữa (chỉ tác giả cuốn nhật ký - người bị đấm vào ngực), còn thằng kia (chỉ người bạn bị đấm vào bụng), chỉ 6 tháng nữa là về gặp ông Tổ”. Điều ly kỳ là - theo nội dung trong cuốn nhật ký - lời nói của ông Hoa kiều đều ứng nghiệm. Người bạn của tác giả cuốn nhật ký về nước được 6 tháng thì chết; còn tác giả, về nước đến năm thứ 7 thì bắt đầu đau chuyển, sức khoẻ giảm sút, nên ghi lại cuốn nhật ký này để mọi người biết được “nguyên nhân cái chết của mình” và nếu ai thấy “xác tôi và cuốn nhật ký này” thì hãy tin rằng “cú đấm định hạn” là nguyên nhân cái chết chứ không phải án mạng (“Vụ án không tội phạm” (!))…
Bài báo “Hai cú đấm định hạn” đã được tác giả in thành sách (Bìa cuốn sách) |
Bài báo đăng trên Báo Công an Nghệ An vào năm 1992 đã gây xôn xao dư luận, sau đó được tác giả tập hợp in thành sách chuyện vụ án cùng tên: “Hai cú đấm định hạn” và in tới 2.500 cuốn, phát hành rộng rãi qua thư viện, qua hiệu sách và qua ông Đinh Văn Thuận bán báo dạo ở các bến xe, ga tàu… đã lan toả đi khắp cả nước. Nhiều độc giả ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang… thường xuyên gọi điện, viết thư hỏi về tung tích của nạn nhân, kết quả điều tra của cơ quan Công an… Tác giả thành danh có lẽ cũng từ bài báo này là chính.
Tuy nhiên, bản thân tôi - tác giả của bài báo - vẫn đau đáu với đứa con tinh thần của mình, vẫn trăn trở với những lá thư, những cú điện thoại của độc giả. Khi đang công tác, công việc quá nhiều, tôi vẫn tâm nguyện là đến khi về hưu mình sẽ đi tìm tung tích tác giả của cuốn nhật ký. Nhưng khi về hưu rồi, thấy công việc vẫn nhiều, vả lại thời gian đã gần 30 năm, nhân chứng, vật chứng chẳng còn… Tiếc rằng, thời điểm bài báo ra đời, công nghệ thông tin chưa phát triển, mạng xã hội chưa có như bây giờ.
Cách đây chừng dăm bảy năm, tôi tưởng mình đã tìm ra manh mối, khi có một người dân cung cấp cho tôi, người chết ở Rú Đồn hồi ấy là một người thợ may, quê ở Nha Trang, ra Hoàng Mai lấy vợ, bị vợ bỏ, rồi thất tình chết. Nhưng thẩm tra lại nhiều nguồn, kết hợp văn phong trong cuốn nhật ký, thì tác giả cuốn nhật ký đó nhiều khả năng là người ngoài Bắc… Thế là, nhân vật trong bài báo vẫn nằm trong sự bí ẩn!
Điều mong muốn của tôi hiện nay là nhờ một cơ quan báo chí điện tử đăng lại bài báo này cũng như bài “Hai cú đấm định hạn” viết gần 30 năm về trước, để mọi người cùng chia sẻ trên mạng xã hội, may ra mới biết được tung tích nạn nhân và sự thực, bản chất của “Hai cú đấm định hạn”! Mong rằng kết quả mình chờ đợi sẽ đến trong một thời gian không xa.
Bá Minh