Phóng sự
Ổ gà trên cao tốc tỷ đô và câu chuyện trách nhiệm
08:50, 25/10/2018 (GMT+7)
Chiều 17-10, các đơn vị thi công đã hoàn thành việc sửa chữa hư hỏng trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đoạn đường hư hỏng do hai nhà thầu Việt Nam là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (thuộc gói thầu 4) và Tổng công ty Thành An (thuộc gói thầu 6) thi công.
Những ngày qua, chuyện ổ gà trên tuyến cao tốc tỷ đô này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi lẽ con đường dài 139km này được đầu tư tới 34.516 tỷ đồng, tương đương 1,64 tỷ USD, trong đó 798 triệu USD vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); 590 triệu USD vay của Ngân hàng thế giới (WB) và 252 triệu USD từ vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đó là số tiền không hề nhỏ.
Minh họa Lê Tâm |
Vậy mà con đường vừa thông xe được 1 tháng đã xuất hiện ổ gà là điều không thể chấp nhận được khi mà tốc độ cho phép chạy xe lên tới 120 km/ h. Dư luận càng bức xúc khi sau đó, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Nguyễn Tiến Thành lại khẳng định, sự cố cao tốc chi chít ổ gà chỉ là cục bộ, chưa xảy ra ở mức độ đại trà nên chưa thể kết luận do chất lượng công trình và cho rằng chưa có dấu hiệu nào để kết luận có nguyên nhân chủ quan. Đồng thời, ông Thành chỉ ra 3 nguyên nhân khách quan là tải trọng xe, dầu diezel chảy tràn và nhất là nước mưa đọng trên đường.
Mặc dù sau đó Tổng giám đốc VEC Trần Văn Tám đã phải "nói lại" rằng đoạn đường bị bong tróc trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là đoạn tuyến của JICA (Nhật Bản) đã đưa vào khai thác được 14 tháng (từ tháng 8- 2017), nhưng việc Ban quản lý dự án lý giải hư hỏng do thời tiết là chưa đúng, bởi thực tế hư hỏng do nhiều yếu tố, trong đó có thời tiết.
Còn Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ sau khi đi kiểm tra cũng khẳng định về tổng thể, chất lượng chung của công trình vẫn đảm bảo, hỏng cục bộ, không phải diện rộng. Nhưng đã có rất nhiều ý kiến phân tích, mổ xẻ nguyên nhân gây ra ổ gà trên đường.
Trong đó nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thi công công trình giao thông khẳng định nguyên nhân là do thi công không đảm bảo. Đây là trách nhiệm của nhà thầu, ngoài ra còn do vật liệu không đạt tiêu chuẩn, vì vậy cơ quan chức năng cần kiểm định chất lượng vật liệu, quy trình cấp phối, lu lèn…
Ổ gà trên cao tốc không chỉ làm nóng dư luận mà cũng được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15-10 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã nêu thực trạng chất lượng thi công các loại công trình hạ tầng, thi công thì lâu nhưng xuống cấp lại rất nhanh, nhất là các công trình giao thông.
Dẫn chứng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với tổng số vốn đầu tư gần 35.000 tỷ đồng chỉ một tháng vận hành đã hư hỏng, bà Nga cho rằng cần phải làm rõ và trách nhiệm giải trình phải thật nghiêm túc; Phải làm rõ tại sao chất lượng các công trình lại xuống cấp nhanh như thế, ở nhiều loại công trình hạ tầng, trong đó đường giao thông là thấy rõ nhất. "Chúng ta phải trả lời được câu hỏi mà cử tri đã nói từ lâu rồi, đó là vì sao công trình làm thì lâu mà hỏng và xuống cấp thì nhanh, đặc biệt là công trình giao thông", bà Nga kiến nghị.
Để làm rõ nguyên nhân, ngày 16-10, hai ngày sau khi ra văn bản "nghiêm khắc phê bình Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các đơn vị nhà thầu, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế liên quan trong việc tổ chức thực hiện xử lý hư hỏng mặt đường bê tông nhựa", Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký quyết định thanh tra đột xuất việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư.
Việc thanh tra bao gồm các giai đoạn triển khai thực hiện dự án đến khi hoàn thành. Ông Lê Thanh Hà, Chánh thanh tra Bộ GTVT cho biết đoàn công tác sẽ làm việc trong 45 ngày; nếu chưa hoàn tất thanh tra thì sẽ gia hạn theo quy định.
Hiện tại, nguyên nhân gây ra ổ gà trên đường cao tốc này vẫn chỉ là phỏng đoán. Có lẽ phải sau 45 ngày nữa, khi đoàn thanh tra của Bộ GTVT kết thúc việc thanh tra, nguyên nhân chính mới được đưa ra, từ đó có phương án để xử lý triệt để. Những ngày qua, việc tạm dừng thu phí khiến mỗi ngày VEC thất thu bình quân 600 triệu đồng, nhưng có lẽ cái mất lớn hơn là VEC đã để mất niềm tin của người dân, những người đã và sẽ bỏ tiền ra đi trên con đường này.
Vì thế vấn đề đặt ra là rồi đây ai sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình? Bởi suốt quá trình thi công một dự án lớn như vậy, ngoài chủ đầu tư, nhà thầu còn có các đơn vị giám sát. Vì vậy Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cũng cần vào cuộc để làm rõ những sai phạm, bởi thời gian qua đã có không ít kiện tụng tại Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi. Tập thể, cá nhân nào sai phạm cần được chỉ rõ. Những đoạn tuyến và hạng mục nào bị bớt xén dẫn đến kém chất lượng cần được chỉ ra. Người chịu trách nhiệm cho những sai phạm đó cần phải bị xử lý trước pháp luật.
Nguồn: Tân Lương/CAND