An toàn giao thông
Mỗi trẻ an toàn, nhiều niềm hạnh phúc (Bài 1)
(Congannghean.vn)-Những năm qua, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành và người dân, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, trước những thách thức trong việc giảm thiểu tình trạng vi phạm, TNGT đối với người dân, đặc biệt là trẻ em đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt hơn nữa của lực lượng chức năng và cộng đồng xã hội. “ATGT cho trẻ em” không chỉ dừng lại ở một chương trình cụ thể, mà cần khơi dậy ý thức, sự chung tay của mỗi người dân.
Bài 1: Yêu cầu cấp bách
Nỗi đau dai dẳng từ tai nạn giao thông
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 14 vụ TNGT liên quan đến trẻ em, làm 5 người chết, 8 người bị thương. Thông thường, khi xảy ra TNGT, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và thường để lại hậu quả nặng nề.
Hậu quả của các vụ tai nạn là lời cảnh tỉnh với các bậc phụ huynh và các em học sinh về chấp hành quy định Luật Giao thông đường bộ |
Vào hồi 19 giờ 15 phút ngày 21/5/2018, trên Quốc lộ 7A thuộc xóm 10, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành đã xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng, khi xe ôtô đầu kéo BKS 37C-262.24 kéo theo rơ moóc 37R-017.17 do Vi Văn Chăm (SN 1986) trú tại xóm 5, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên điều khiển, đâm vào xe môtô BKS 37C-7037 do chị Nguyễn Thị Hương (SN 1978) trú tại xã Khánh Thành, huyện Yên Thành điều khiển, chở theo 2 cháu nhỏ là Phạm Thị Lê Na (SN 2004) và Phạm Thị Công Bảo (SN 2014). Vụ tai nạn đã tước đi sinh mạng của cháu Phạm Thị Lê Na, riêng chị Hương và cháu Bảo bị thương nặng.
Đáng tiếc hơn, những vụ tai nạn, va chạm không chỉ diễn ra tại các con đường lớn mà còn là nỗi ám ảnh tại nhiều cung đường liên thôn, liên xã. Như vụ tai nạn xảy ra tại đường liên xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn giữa xe ôtô BKS 37C-056.05 do Nguyễn Hữu Trung (SN 1993) trú tại xã Nam Thành, huyện Yên Thành điều khiển va chạm với xe đạp điện do bà Lê Thị Tiến (SN 1959) trú tại xóm 6, xã Lý Thành, huyện Yên Thành điều khiển, chở sau là cháu Vũ Thu Giang (SN 2015). Hậu quả, cháu Giang tử vong.
Mãi mãi gia đình chị Lê Thị Thủy (SN 1974) trú tại xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên sẽ không bao giờ quên vụ tai nạn xảy ra với con trai Võ Quốc Hiệu vào cuối tháng 8/2016. 2 vợ chồng chị làm nông, cuộc sống lại càng thêm vất vả khi phải trả số nợ mà anh đi xuất khẩu lao động trở về nước giữa chừng vì công việc không thuận lợi. Hạnh phúc, niềm vui của anh chị là 2 người con Võ Thị Nhi và Võ Quốc Hiệu. 2 anh chị động viên nhau chăm chỉ cày cuốc để nuôi các con ăn học nên người. Thế nhưng, tai họa bất ngờ ập xuống gia đình nghèo. Tối 28/8/2016, chị Thủy đang ở nhà thì nghe hàng xóm thông báo, Hiệu bị tai nạn trên đoạn đường giao nhau giữa 2 xã Hưng Long và Hưng Xá. Sau vụ tai nạn, Hiệu bị thương nặng. Đó cũng là khởi điểm hành trình gia đình chị Thủy phải đi khắp nơi để chạy chữa cho con, từ Bệnh viện 115, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An rồi tới Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Từ 1 chàng trai khỏe mạnh, đang tận hưởng lứa tuổi học sinh những năm đầu cấp 3, sau vụ tai nạn, Hiệu phải nằm một chỗ, không cảm nhận được cuộc sống xung quanh, cũng chẳng thể bày tỏ được xúc cảm, mong muốn gì với bố mẹ. Cứ mỗi lần hàng xóm hỏi thăm là chị lại nức nở, nghẹn ngào. Chị thương con, xót cho phận mình và lo lắng cho tương lai của Hiệu và gia đình. “Giá như đừng bao giờ xảy ra điều đó, giá như vụ tai nạn chỉ là giấc mộng, không bao giờ thành sự thật… Rồi chẳng biết con sẽ ra sao đây...”, nước mắt người phụ nữ lăn dài khi ngày ngày phải chứng kiến nỗi đau sau vụ TNGT khủng khiếp xảy ra với con trai mình.
Theo nghiên cứu của TS. Chu Công Minh, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu về giao thông, với sự hỗ trợ từ Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Uỷ ban ATGT Quốc gia, 33% học sinh đi bộ trả lời rằng chưa được học cách đi bộ an toàn, 27% học sinh sử dụng phương tiện cho biết chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện đúng cách vì các chủ đề này chưa có trong giáo dục ATGT tại trường học; gần 90% học sinh và cha mẹ đồng thuận với mong muốn học sinh THPT cần được học về kỹ năng điều khiển phương tiện.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Quan sát tại các cổng trường trên địa bàn TP Vinh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung, không khó để phát hiện tình trạng phụ huynh, các em học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Sáng 11/10, có mặt tại cổng Trường Tiểu học Hưng Dũng 2, phóng viên ghi nhận rất nhiều trường hợp bố mẹ chở các em học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tới trường. Cá biệt, có gia đình chở theo 2, 3 em phía sau nhưng không có thiết bị bảo vệ nào trên người.
Tình trạng trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe máy vẫn còn xảy ra |
Còn ở các cấp THCS và THPT, lứa tuổi được các bậc phụ huynh quan tâm đầu tư phương tiện xe đạp điện tới trường, tình trạng vi phạm cũng diễn ra phổ biến. Dù đã có quy định liên quan đến điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, song dường như các em thường “bỏ quên”. Tại một số trường, có học sinh đi học bằng xe máy dù chưa đến độ tuổi được phép. Chị Nguyễn Thị Hoa trú tại phường Quán Bàu, TP Vinh cho biết: “Nhà xa trường, trong khi lịch học liên tục nên tôi để cháu (đang là học sinh lớp 11) chạy xe máy tới trường. Biết thế là vi phạm, nhưng bố mẹ do bận công việc nên không thể đưa đón con, xe đạp điện thì cháu bảo di chuyển bất tiện”.
Còn lý giải về việc tại sao để mũ bảo hiểm trên xe mà không đội, em Nguyễn Tuấn Vũ (SN 2003) trú tại huyện Diễn Châu chia sẻ: “Nhà gần trường, em đi thế này cho tiện, mất công đội ra đội vào”! Quãng đường mà theo Vũ nói là “ngắn” ấy, dài 2,5 km, với lưu lượng xe dày đặc, liên tục di chuyển trên Quốc lộ 1A. Thống kê của Đội CSGT Công an TP Vinh từ đầu năm đến nay, đã lập biên bản hành chính 5.280 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm, trong đó riêng lỗi không đội mũ bảo hiểm là 2.765 trường hợp.
Số liệu từ Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, nạn nhân là trẻ em (bao gồm trẻ em từ mầm non, tiểu học, THCS và THPT từ 16 -18 tuổi) chiếm khoảng 35% trong số các vụ TNGT. Cũng theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT của trẻ em và tỉ lệ tử vong do tai nạn của nhóm này có xu hướng gia tăng trong 2 năm gần đây. Trong đó, nhóm học sinh THPT đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy xảy ra tai nạn cao nhất. Mỗi năm, Việt Nam có gần 2.000 trẻ em bị tử vong vì TNGT. Kết quả từ một cuộc khảo sát của tổ chức phi chính phủ nhận định: "Ở Việt Nam, trung bình mỗi ngày có 6 trẻ em tử vong do TNGT đường bộ và rất nhiều trẻ em bị thương tật. TNGT đường bộ là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong và khuyết tật cho thanh, thiếu niên".
Theo ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An: Nhiều bậc phụ huynh vẫn còn thiếu ý thức trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Mức xử phạt chưa cao cũng là nguyên nhân khiến nhiều người “nhờn luật”, tiếp tục vi phạm. Vì thế, việc tuyên truyền thực hiện Luật Giao thông đường bộ nói chung, đội mũ bảo hiểm nói riêng cần sự chung tay của cả xã hội, nhà trường và sự cộng tác, chấp hành của các bậc phụ huynh. Vì nếu không có sự tự nguyện chấp hành, ý thức được tác hại của việc không đội mũ bảo hiểm cho con em mình của các phụ huynh thì công tác tuyên truyền, nhắc nhở của nhà trường cũng không mang lại hiệu quả cao.
Đối với bất cứ vụ TNGT nào, mọi nguyên nhân, lý lẽ bào chữa đều trở nên vô nghĩa, bởi tất cả phụ thuộc vào chính ý thức của người tham gia. Vì vậy, trước khi tham gia giao thông, mỗi người dân, nhất là các bậc phụ huynh hãy chậm lại một chút, quan sát, nhắc nhở chính mình, nhắc nhở các con, cháu về các quy định an toàn liên quan. Đừng để TNGT cướp đi những ước mơ đẹp đẽ của chính con em mình.
Với mục tiêu phấn đấu giảm từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí; đặc biệt là giảm tỉ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm 2017, Ủy ban ATGT quốc gia đã triển khai Năm ATGT 2018 với chủ đề "ATGT cho trẻ em". Ủy ban ATGT quốc gia đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, ban hành quy định về khu vực ATGT xung quanh trường học từ bậc mầm non đến THPT. Ngành Giáo dục và các trường học phải tích cực tuyên truyền, giáo dục về ATGT để nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên. Phải hoàn thành xây dựng chương trình giáo dục ATGT cho toàn bộ các cấp học từ mầm non đến THPT, triển khai đồng bộ từ năm học 2018 - 2019.
|
Mai Hậu