Phóng sự
Chặn đứng lợi ích nhóm
“Cán bộ cấp cao phải gương mẫu, nghiêm khắc với bản thân”, đó là thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội Nghị Trung ương 8.
Tại Hội nghị này, có dự thảo rất quan trọng về Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương. Trong đó có vấn đề “Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật...”. |
Thật đáng mừng khi Hội nghị Trung ương 8 đã tỏ rõ quyết tâm chống nhóm lợi ích đến cùng khi đặt ra vấn đề chủ động từ chức.
Vậy thì tại sao lại xảy ra chuyện Ủy ban nhân dân (UBND) bác đơn của nhân dân, Tòa án cũng bác đơn của nhân dân, nhưng Thanh tra Chính phủ lại kết luận nhân dân khiếu nại đúng?Tại phiên họp giải trình về tình hình giải quyết khiếu nại trên địa bàn TP HCM do Hội đồng Nhân dân TP HCM tổ chức vừa diễn ra cách đây vài hôm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm có một phát biểu hết sức đáng lưu ý: “Như bà con Thủ Thiêm khiếu nại nhà đất bị giải tỏa trong ranh hay ngoài ranh quy hoạch của dự án. Mình bác đơn của bà con. Tòa án cũng bác đơn nhưng bây giờ Thanh tra Chính phủ kết luận khác với mình. Dự án Khu công nghệ cao, mình không chấp nhận khiếu nại của bà con. Thanh tra Chính phủ kết luận bà con khiếu nại đúng. Vì sao bà con không chấp nhận? Mình phải cầu thị nhìn thẳng vào sự thật là mình giải quyết đã thỏa đáng chưa. Đây là những vấn đề liên quan đến lợi ích chính đáng của dân”.
Câu hỏi này, thật ra rất dễ trả lời. Nếu không cùng một bộ sậu thì việc gì phải che chắn cho nhau bất chấp luật định, bất chấp quyền lợi hợp pháp của nhân dân bị xâm phạm.
Minh họa: Hùng Dingo. |
1. Từ rất lâu rồi, trong dư luận vẫn luôn tồn tại nhiều hồ nghi, ông này là đệ cứng của ông kia, ông kia là thân hữu của ông nọ. Ông này làm sai là vì có sự bao che của ông kia, ông kia làm không đúng là vì được sự dung túng của ông nọ.
Trên thực tế, không phải những đồn đại hay phỏng đoán của dư luận đều sai, nhất là khi nhìn vào chuyện những cán bộ lãnh đạo bị khởi tố vì trót “đỡ đần” cho những cá nhân vi phạm pháp luật.
Lấy ví dụ từ chuyện nhỏ nhặt nhất, người dân xây một căn nhà cấp 4 hoặc cơi nới sửa chữa tư gia một chút đã phải xin đủ loại giấy tờ. Thậm chí, có đổ một đống cát, đống đá ngay vệ đường thì bên trật tự đô thị ngay lập tức nhận được thông tin, cắt cử nhân viên xuống xử lý, nhắc nhở. Nhưng hàng loạt cao ốc, khách sạn xây quá tầng ngay giữa ban ngày ban mặt, ai cũng thấy cả, ai cũng biết cả, vậy mà vẫn có thể thản nhiên tồn tại.
Đơn cử nhất là vụ việc hết sức hy hữu diễn ra tại quận 7, TP HCM. Một chung cư ở đường Lê Văn Lương, quận 7, TP HCM được cấp phép xây dựng vào tháng 6-2005, chủ đầu tư là Công ty Minh Thành.
Theo đó, Công ty Minh Thành được xây dựng công trình chung cư 15 tầng. Thời điểm này, chủ đầu tư chưa hoàn tất lập trình phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng dự án và chưa lập dự án đầu tư.
Thế nhưng, Công ty Minh Thành đã tự ý xây thêm một tầng của chung cư này biến chung cư từ 15 tầng thành 16 tầng. Sau khi bị báo giới phản ánh, UBND đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Minh Thành 150.000 đồng (một trăm năm mươi nghìn đồng) và đồng ý cho tầng xây lố, xây ngoài phê duyệt của Công ty Minh Thành được tồn tại.
Cuối tháng 9 vừa rồi, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã phát biểu một câu hết sức chấn động: “Tôi đang rất muốn biết ai là người đứng sau chống lưng cho Mường Thanh. Nếu tìm ra người ăn tiền, bảo kê cho doanh nghiệp sai phạm, Đà Nẵng xử lý đến cùng”.
Bí thư Trương Quang Nghĩa phát biểu vậy là bởi khi tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri bức xúc trước việc chính quyền Đà Nẵng thiếu dứt khoát trong vấn đề xử lý các doanh nghiệp xây dựng trái phép. Làm sao mà một đương kim Bí thư lại không nắm được chuyện ai chống lưng cho những sai phạm lộ thiên, mà giả như không nắm được thì cứ chiếu theo pháp luật mà hành động. Chứ làm sao Bí thư lại đi hỏi ngược lại như vậy bao giờ.
Đó chỉ là một mặt rấët nhỏ của những liên kết lợi ích đang diễn ra.
2. Cá nhân tôi tin rằng có những câu chuyện mà nhân dân biết thì không thể nào Trung ương lại không biết. Thế nhưng, cái khó chính là bằng chứng.
Những vụ việc của Phan Văn Anh Vũ, của Đinh Ngọc Hệ, Trịnh Xuân Thanh… nếu không có những quan to hơn che chắn thì làm sao có thể lại kéo dài sai phạm đến vậy. Cứ nhìn “lực lượng hùng hậu” những mũ cao áo dài phải theo những cá nhân này ra Tòa hoặc khởi tố bổ sung thì sẽ hiểu.
Một khi còn tình trạng ông lớn nhiều bao che cho ông lớn ít, ông lớn ít dung dưỡng cho ông lớn nhỏ, ông lớn nhỏ bật ô cho ông bé hơn… thì khi ấy nhóm lợi ích còn tồn tại, còn thoải mái tung tăng dựa vào quyền lực mà họ đang nắm giữ lẫn cấu kết cùng nhau.
Mà ai cũng biết rằng trong một quốc gia, càng tồn tại nhiều nhóm lợi ích thì pháp luật càng bị bỡn cợt, quyền lợi hợp pháp của quốc gia và nhân dân càng dễ bị xâm phạm.
Quan trọng hơn hết, tiến trình làm trong sạch bộ máy lại càng bị cản trở, chống trả quyết liệt. Thế nên, thật đáng mừng khi Hội nghị Trung ương 8 đã tỏ rõ quyết tâm chống nhóm lợi ích đến cùng khi đặt ra vấn đề chủ động từ chức.
Có chơi thì có chịu, có gan nhúng chàm thì phải có gan trả giá, bị phát hiện thì tốt nhất nên chủ động để đừng làm khó tổ chức, để đừng cản trở công việc chung, đừng cố tay rịt chặt ghế chỉ để bảo vệ những cái sai của mình hoặc của cánh hẩu.
Và nếu không muốn một hôm nào đó mọi thứ bị phơi bày dưới ánh sáng công lý, thì cá nhân nắm giữ vị trí quan trọng bắt buộc phải tự nghiêm khắc với bản thân mình để từ chối những món lợi bất hợp pháp hoặc một mối quan hệ bất lợi cho nhân dân.
Nguồn: ANTG/Báo CAND