Phóng sự

Lại loay hoay với loa phường

10:55, 16/10/2018 (GMT+7)
Sau hơn 1 năm lấy ý kiến và thí điểm bỏ loa phường ở một số quận nội thành, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội lại tiếp tục lấy ý kiến người dân về loa phường.
 
Đầu năm 2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã làm nóng dư luận khi cho rằng loa phường có tác dụng lớn ở thời kỳ bao cấp, nhưng với thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, cần xem xét loa phường còn phù hợp hay không. Nếu loa phường không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi. Loa đã hoàn thành sứ mệnh. 
Minh họa Lê Tâm
Minh họa Lê Tâm
Theo ông Chung, trong thời đại kỹ thuật số với môi trường Intenret phát triển, loa phường đối với nhiều người dân lại trở thành nỗi phiền hà. Không những thế, để duy trì hệ thống loa, mỗi phường một năm chi mất mấy trăm triệu, trong khi đó chất lượng tin phát hành rất thấp.
 
Tháng 8- 2017, Hà Nội phê duyệt Đề án "Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố". Theo quy định này, với các phường thuộc các quận duy trì từ 5 đến 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa). 
 
Vị trí các cụm loa do UBND quận căn cứ điều kiện thực tế của địa bàn để lựa chọn, quyết định và gửi Sở TT&TT danh sách, sơ đồ vị trí cụm loa để tổng hợp. Trừ các cụm loa được lựa chọn duy trì, hệ thống loa truyền thanh phường còn lại được giữ nguyên trạng và tạm dừng phát thanh. Đối với các thị xã, huyện còn lại sẽ tiếp tục duy trì hệ thống đài truyền thanh nhưng sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
 
Thành phố cũng quy định trên địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, chỉ đạo chỉ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh...) hoặc theo yêu cầu của Trung ương và thành phố. 
 
Trên địa bàn các quận còn lại, đài truyền thanh phường chỉ phát thông tin có liên quan đến dân cư trên địa bàn, cụ thể tin địa phương như công việc chung của phường; vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố; biểu dương, khen thưởng người tốt - việc tốt với cá nhân, tập thể trên địa bàn... 
 
Thành phố sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới hình thức tuyên truyền như: lắp đặt bảng tin điện tử tại các khu vực công cộng và khu chung cư cao tầng; nhắn tin tới số thuê bao điện thoại nội dung chỉ đạo, điều hành TP; thí điểm sử dụng thiết bị thông minh phục vụ công tác thông tin cơ sở, từng bước thay thế hệ thống đài truyền thanh tại các phường thuộc quận nội thành...
 
Cuối năm 2017, MobiFone đã nghiên cứu và cho ra mắt thiết bị thông minh thay thế loa phường. "Loa phường kiểu mới" là một thiết bị có tên M-GATEWAY, hình dáng tương tự modem wifi. Thiết bị đã được lắp đặt thử nghiệm ở phường Thành Công (quận Ba Đình) vào cuối năm 2017, kinh phí được huy động từ ngân sách thành phố và MobiFone hỗ trợ một phần.
 
Thiết bị này được trang bị cho từng gia đình. Cách thức hoạt động của loa phường kiểu mới khá đơn giản. Phát thanh viên đọc bản tin (chủ yếu là tin tức kinh tế - xã hội trên địa bàn phường) sau đó đẩy lên website của phường để phát vào các khung giờ nhất định, mỗi lần phát 15 phút. Đến giờ phát sóng, thiết bị này sẽ thông báo cho từng hộ dân để kết nối… 
 
Ngoài chức năng chính là phát trực tiếp các bản tin của phường đến từng hộ dân, M-GATEWAY còn có thể kết nối với điện thoại di động để sử dụng các dịch vụ khác như mua thẻ điện thoại, thanh toán hóa đơn Internet, điện, nước, truyền hình... 
 
Người dân cũng có thể gửi các ý kiến phản ảnh, kiến nghị lên chính quyền thông qua thiết bị này. Đặc biệt, khi lắp đặt thiết bị này, các hộ dân còn được lắp đặt kèm một thiết bị chống trộm. Khi người dân ra khỏi nhà mà quên đóng cửa hay có người đột nhập, thiết bị chống trộm sẽ phát ra tiếng kêu và nhắn tin qua số điện thoại di động đã đăng ký để thông báo cho hộ gia đình.
 
Tuy nhiên thiết bị thay thế loa phường bộc lộ nhiều hạn chế. Tại buổi làm việc với Sở TT&TT Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, đánh giá thiết bị thay thế loa phường không phát huy tác dụng, bởi thực tế có nơi phải thuê cả người bán báo dạo phát loa thông tin về phòng chống dịch bệnh. 
 
Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nhận được phản ánh của người dân là họ không bao giờ sờ đến thiết bị thay thế loa phường được lắp đặt ở một góc nhà, nên đã đề nghị Sở TT&TT đánh giá lại vấn đề này ở các phường đang thí điểm.
 
Vì thế, lần lấy ý kiến này tập trung vào 2 nhóm chính: Thực hiện giảm số lượng loa và cụm loa tại các phường thuộc quận; triển khai thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường.
 
Vậy loa phường có thực sự cần nữa hay không? Thực tế thì loa phường vẫn có ích. Đừng nghĩ rằng thời buổi Internet vào tận giường ngủ thì không cần loa phường, bởi không có tờ báo nào cập nhật đến địa bàn từng tổ dân phố là có dịch bệnh, hoặc lịch tiêm chủng. 
 
Qua loa phường, người dân biết thông tin về lịch tiêm phòng cho trẻ, ngày nhập ngũ của thanh niên khu vực… những điều mà nhịp sống hối hả khiến nhiều người bỏ quên trên bảng tin đầu phố. Loa phường vẫn sẽ hữu ích nếu được thay đổi để phù hợp với đời sống hiện đại. Vì thế cái quan trọng nhất là cần đổi mới cách đưa thông tin như thế nào cho hiệu quả, cho nhiều người thấy sự cần thiết của loa phường.

Nguồn: CAND

Các tin khác