Phóng sự
Thanh xuân muôn dặm vươn xa…
Khuôn mặt rạng ngời, ăm ắp niềm vui, xinh đẹp và tự tin trong bộ quân phục lực lượng gìn giữ hòa bình của các nữ quân nhân Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam tạo nên hình ảnh đặc biệt cuốn hút. Các chị có mặt trong buổi lễ xuất quân để bắt đầu cho một hành trình vạn dặm đến vùng xảy ra chiến sự Phái bộ Nam Sudan, Liên Hiệp Quốc.
Lo cho “nếp nhà” trước ngày lên đường
10 nữ quân nhân “mũ nồi xanh” trong số 63 cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam, phần lớn đều ở độ tuổi còn rất trẻ. Trong số ấy có 4 nữ quân nhân đã lập gia đình.
Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Bùi Thị Xoa, điều dưỡng Bệnh viện dã chiến là người lớn tuổi nhất trong số 10 nữ quân nhân kể: “Khi được điều động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, tôi hồi hộp lắm. Nhưng, được sự động viên của mọi người cùng với quyết tâm, tôi đã thu xếp ổn định gia đình trước lúc lên đường nhận nhiệm vụ. Kể từ lúc tham gia huấn luyện trong biên chế bệnh viện dã chiến, tôi dạy cho con trai cách sống tự lập, đi chợ mua bán và làm các công việc bếp núc. Khi mẹ vắng nhà, hai bố con có thể tự lo toan cuộc sống hằng ngày nên khi lên đường tôi rất yên tâm và cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Còn đối với Đại úy Nguyễn Thị Phương Thảo có hoàn cảnh khá đặc biệt. Chị lên đường nhận nhiệm vụ khi con trai mới tròn 4 tuổi. Thảo chia sẻ: “Điều Thảo lo lắng nhất là con trai còn quá nhỏ ở nhà. Nhưng, rất may là được gia đình chồng hỗ trợ, giúp chăm cháu nên tôi yên tâm, sẵn sàng trước lúc lên đường”.
Các nữ quân nhân tham gia bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. |
Cùng với sự chu đáo, ân cần, luôn quan tâm hỗ trợ các nữ quân nhân khác vượt qua những ngày tháng huấn luyện vất vả, căng thẳng với những yêu cầu gắt gao, giữ kỷ luật cao nhất, chị Bùi Thị Xoa còn là người có nhiều tài lẻ về nữ công gia chánh, nhất là biết nấu nhiều món ăn ngon. Trong suốt quá trình chuẩn bị trước khi lên đường, chị Xoa thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn cho các nữ quân nhân trẻ tuổi hơn cách chế biến và nấu các món ăn truyền thống của Việt Nam.
Những cô Tấm Việt Nam tài năng, dịu dàng
Hơn 4 năm dài chuẩn bị, hẳn không mấy ai hiểu được những khó khăn, vất vả của những nữ chiến sĩ trong biên chế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. Sẵn sàng lên đường luôn là một ý niệm, quyết tâm thường trực trong suy nghĩ, trong huấn luyện, học tập.
Thiếu úy Phạm Thị Thùy, người nhỏ tuổi nhất trong Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam chia sẻ: Chúng em được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng, đào tạo huấn luyện chuyên môn. Những ngày nắng cháy trên thao trường ướt đẫm mồ hôi trên áo để thực hiện những thao tác huấn luyện kỹ năng sinh tồn. Những ngày miệt mài cùng các kíp phẫu thuật thực hiện “chay” các quy trình phẫu thuật, cấp cứu, chuyển thương, vật lý trị liệu theo tiêu chuẩn của Bệnh viện dã chiến cấp 2 mà Liên Hiệp Quốc đặt ra. Những tháng miệt mài cùng các giáo viên nước ngoài học tiếng Anh hay những đợt tập huấn chuyên môn do các chuyên gia của nhiều nước giảng dạy…
Cán bộ, y sĩ, bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 được trang bị các kỹ năng, chuyên môn, cơ bản bảo đảm tiếp nhận khám và điều trị tối đa 40 bệnh nhân ngoại trú 1 ngày, có khả năng hồi sức cấp cứu, thực hiện 3-4 ca phẫu thuật gây mê/ngày, nhận điều trị nội trú 20 bệnh nhân/tuần, thực hiện 10 ca chụp X-quang, 10 ca điều trị răng miệng, xét nghiệm, chẩn đoán cơ bản 20 ca trong 1 ngày, đồng thời đảm bảo 2 đội y tế cấp cứu cơ động ngoại viện và đảm bảo đủ trang thiết bị và con người để vận chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên...
Trải qua nhiều chương trình huấn luyện chuyên môn, các nữ quân nhân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 mang đến cho chúng tôi sự mến mộ, cảm phục bởi phía sau sự rắn rỏi, chuyên nghiệp trên thao trường, các chị còn có những năng khiếu, tài lẻ khác nhau. Người biết nấu ăn ngon, người cắm hoa đẹp, hát hay, múa giỏi, vẽ tranh... Thiếu úy Tô Thị Kiều Trinh, điều dưỡng sản khoa, là người có năng khiếu múa đẹp và giỏi nhất đơn vị, tâm sự: “Trước khi lên đường, chúng em được học những tiết mục dân tộc như: Múa trống cơm, múa hoa đăng... Hành trang mang theo trước lúc lên đường không thể thiếu đối với chúng em là những tà áo dài, điệu múa, các tiết mục văn nghệ đậm nét văn hóa Việt Nam để giới thiệu đến bạn bè quốc tế trong các chương trình giao lưu”.
Chuẩn bị chu đáo trước khi lên đường. |
Thiếu úy Trinh cho biết thêm, vào những ngày lễ như 8-3 hay 20-10, các nữ quân nhân dự định sẽ tổ chức hội chợ để giới thiệu nét đẹp văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết: Các nữ quân nhân Bệnh viện dã chiến được Bệnh viện tổ chức dạy múa dân tộc, hát, nấu ăn, nữ công gia chánh... Mục đích của hoạt động này là giúp các nữ quân nhân tự tin tham gia biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ trong hoạt động giao lưu với sĩ quan quân đội các quốc gia khác, có các kỹ năng mềm thể hiện những nét đặc trưng, cốt cách của người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, nhiều tài năng và sẵn sàng vượt gian khó, hy sinh gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở nơi xa Tổ quốc, giành được sự mến yêu và cảm phục về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong mắt bạn bè quốc tế.
Phút giây thiêng liêng, tự hào
Lễ xuất quân được cán bộ, chiến sĩ mong đợi mấy năm qua đã thành hiện thực vào ngày 1-10 vừa qua. Những nữ chiến sĩ bước ra đường băng vàng rượm giữa trưa nắng, rải những bước chân vững chắc, tự tin cùng những cảm xúc ăm ắp, thiêng liêng.
Đại úy Phạm Thị Thu Trang ôm chặt quốc kỳ vào lòng, chia sẻ với chúng tôi cùng với ánh mắt lấp lánh: “Em mong chờ giây phút thiêng liêng, rất đỗi tự hào này từ lâu rồi và sẽ không bao giờ quên. Chỉ vài chục giờ bay nữa, mình sẽ xa Tổ quốc thân yêu, xa tình thân, xa đồng bào mình để đến một nơi xa xôi, nơi xảy ra xung đột và có nhiều đói nghèo. Khó khăn chắc chắn sẽ nhiều, thử thách cũng sẽ cam go nhưng chúng em luôn sẵn sàng, tự tin làm nhiệm vụ để xứng đáng là sứ giả hòa bình, hình ảnh người phụ nữ mang đậm cốt cách, vẻ đẹp Việt Nam ở nơi chiến sự”.
Học sinh thành phố Hồ Chí Minh chúc mừng Thiếu úy Sa Minh Ngọc trước lúc xuất quân. |
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc là người luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng cho các nữ sĩ quan của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 trong suốt quá trình chỉ đạo chuẩn bị triển khai.
Hôm tổ chức lễ giao nhiệm vụ trước khi xuất quân, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã chia sẻ: Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam xuất quân lần này có một điều đặc biệt đó là có 10 nữ quân nhân, chiếm 16% quân số. Đây là tỷ lệ rất cao so với mức chỉ 10% quân số của các quốc gia khác tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
Liên Hiệp Quốc rất đề cao vai trò phụ nữ, với tỷ lệ nữ quân nhân cao cho thấy Việt Nam vừa thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, vừa thực hiện rất tốt mục tiêu bình đẳng giới của Liên Hiệp Quốc. Họ rất mong chờ sự có mặt của các nữ sĩ quan Việt Nam ở địa bàn Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan.
Phút lên đường đã điểm. Tôi đến bên cạnh Thiếu úy Sa Minh Ngọc, nhân viên hành chính của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 bắt tay chúc mừng em. Tôi quen biết Ngọc trong những lần đến bệnh viện viết về quá trình chuẩn bị bệnh viện dã chiến. Cô gái có khuôn mặt sáng, toát lên vẻ dịu dàng, thanh lịch, quê ở Hà Nội có năng khiếu vẽ rất đẹp.
Ngọc yêu thích vẽ và được bố mẹ cho học vẽ từ nhỏ. Khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, Ngọc đã từng giành được giải thưởng cuộc thi vẽ do Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức. Bức tranh có chủ đề quân đội với nhiệm vụ môi trường thể hiện hình ảnh những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp cùng các sĩ quan gìn giữ hòa bình của các quốc gia khác thực hiện nhiệm vụ thu dọn rác, vệ sinh ở địa bàn đóng quân.
Thiếu tá Bùi Thị Xoa xử lý tình huống khi bệnh nhân gặp nguy hiểm đến tính mạng. |
Trước ngày lên đường, Ngọc vẽ một bức tranh để mang theo. Ngọc đứng nép mình nơi khoảnh sân rộng của Bệnh viện Quân y 175 thực hiện bức tranh quang cảnh khu vực sân tập và khuôn viên bệnh viện. Bức tranh rất đẹp, màu sắc tươi tắn.
Ngọc cười, nói với tôi: “Đây là bức tranh đặc biệt, kỷ niệm những giờ phút trước khi lên đường sang Nam Sudan. Em muốn ghi lại hình ảnh khuôn viên, sân tập, nơi gắn bó thân thương với chúng em trong mấy năm qua miệt mài huấn luyện, học tập để chuẩn bị lên đường. Khi qua Nam Sudan, bức tranh này sẽ giúp em và đồng đội luôn nhớ quê nhà và những ngày tháng huấn luyện, học tập vất vả để trở thành những chiến sĩ mũ nồi xanh hôm nay.
Trong hành trang của em có đầy đủ màu và dụng cụ vẽ mang theo. Lúc rảnh rỗi, em sẽ vẽ hoạt động của các chiến sĩ “mũ nồi xanh” thực hiện nhiệm vụ nhân đạo cao cả ở địa bàn phái bộ. Vẽ tranh cũng sẽ giúp chúng em giải tỏa được những căng thẳng, vất vả, nỗi nhớ nhà và cũng là thể hiện được khát vọng, tài năng của các nữ quân nhân của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”.
Suy nghĩ và ước muốn của Ngọc thật đẹp và ý nghĩa. Không chỉ tôi mà tất cả mọi người tiễn đưa các chiến sĩ “mũ nồi xanh” lên đường đều tin rằng, những nữ quân nhân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 sẽ hoàn thành nhiệm vụ, sẽ là những cô Tấm Việt Nam nhân hậu, dịu dàng ở nơi xa Tổ quốc, làm tốt những nhiệm vụ đầy nhân văn, cao cả vì hòa bình thế giới.
Nguồn: ANTG/Báo CAND