Phóng sự

Hành trình tới 'vùng đất chết' sau thảm họa sóng thần ở Indonesia

15:41, 09/10/2018 (GMT+7)

Thành phố biển xinh đẹp Palu của Indonesia bỗng chốc trở thành “vùng đất chết” sau thảm họa kép động đất, sóng thần kinh hoàng hôm 28/9.

Palu vốn là một thành phố biển xinh đẹp nằm trên đảo Sulawesi miền Trung Indonesia. Nếu bay thẳng từ thủ đô Jakarta tới đây mất chừng 4 tiếng đồng hồ. Palu không bao giờ ồn ào và ít được biết đến. Ở đây người dân theo Kito giáo, Hồi giáo và cả Phật giáo nhưng không có bất kỳ xung đột tôn giáo nào. Cuộc sống vốn yên bình với vị trí nằm sát vịnh, nhưng tất cả đã bị cuốn trôi bởi trận động đất mạnh 7,5 độ richter hôm 28/9 kèm theo đó là sóng thần.

Chính vị trí sát vịnh của thành phố, theo các nhà khoa học, đã là điểm chết, khiến sóng thần mạnh hơn. Những con đường, nhà thờ, nhà hàng, khách sạn và những ngôi làng trở thành đống đổ nát. Hơn 2.000 người chết, khoảng 5.000 người bị mất tích. Palu bỗng trở thành tâm điểm chú ý của thế giới theo cách không mong muốn. 70.000 người cần cứu trợ khẩn cấp, 200.000 người khác trong tổng số 1,4 triệu dân của khu vực này cần giúp đỡ. Lương thực, thực phẩm, thuốc men đều bị cuốn trôi hết, một thảm hoạ nhân đạo thật sự diễn ra ở vùng đất vốn thanh bình này.

Tìm đường tới Palu

Tưởng chừng việc tới với Palu không quá khó khăn nhưng đó lại là điều ngược lại. Sân bay Al-Jufrie mới được xây dựng nhưng động đất đã phá hỏng đường băng. Mọi chuyến bay dân sự tới đây bị cắt đứt vì máy bay không thể hạ cánh. Liên lạc với phía quân đội Indonesia để có thể đi cùng với máy bay quân sự vào tiếp tế tôi nhận được câu trả lời rất lịch sự từ sỹ quan Sonaji Dispen, người phụ trách: “Bạn là người nước ngoài vì vậy mong bạn hiểu cho, những chiếc C130 dùng để chở hàng cứu trợ và công dân nước khác không thể lên máy bay quân sự”.

Sau hai ngày, ông Sonaji nói với tôi, bạn có thể tìm đường tới Palu từ sân bay Balik Papan hoặc Hasanudin. Ngay lập tức tôi đặt vé tới Hasanudin mà không cần tấm vé chiều về.

Tưởng chừng như vậy đã là thành công trong việc tìm đường tới Palu, hoá ra không phải vậy. Sân bay Hasanudin cũng nằm trên đảo Sulawesi nhưng cách Palu tới 900km. Tại đây, tôi lại tiếp tục chờ đợi để có được một tấm vé bay bằng máy bay cánh quạt vào với Palu. Sau 25 tiếng đồng hồ chờ đợi, cuối cùng tôi cũng lên được máy bay. Giờ chuyến bay này liên tục bị hoãn do sân bay tại Palu đã quá tải, thêm 3 tiếng chờ đợi trong lo âu, cuối cùng máy bay cũng cất cánh.

Phóng viên VOV tác nghiệp tại thành phố Palu, Indonesia.
Phóng viên VOV tác nghiệp tại thành phố Palu, Indonesia.

Tôi tới được Palu khi trời đã nhập nhoạng tối. Nhìn từ trên máy bay, những thảm cảnh đầu tiên đập vào mắt, những dải đất quanh bờ biển trắng xoá, không còn một ngôi nhà nào cả. Chào đón tôi là một trận rung lắc nhẹ nhưng cũng đủ làm một số người phải thét lên. Sân bay tối om, hành khách phải tự đi bộ vào bên trong. Làm xong thủ tục đăng ký báo chí, tôi được Hengko, một người dân địa phương mà tôi nhờ một người bạn từ Jakarta liên lạc đón.

Bên trong, sân bay đông nghẹt người, chủ yếu là các đội cứu hộ. Ngoài sảnh, hàng dài người tay xách nách mang chờ đợi. Quanh sân bay, những ánh lửa lập loè, mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Tôi chưa biết là cái gì, cứ theo Hengko đã. Chiếc xe lao vào màn đêm. 19h tối, Palu chỉ có vài bóng điện lờ mờ, hình ảnh đổ nát cũng lờ mờ, tất cả chìm trong lặng yên tới đáng sợ…

“Đừng hỏi nữa, cậu ấy khóc đấy”

Nơi đầu tiên đặt chân tới Palu trong đêm đó là một bệnh viện dã chiến được điều hành bởi quân đội. Tại đây chúng tôi gặp Sherly một tình nguyện viên có thể nói được tiếng Anh. Tôi và Sherly tới và đi vào bệnh viện. Nói là bệnh viện chứ thực ra đó là một căn lều được dựng lên trên bãi đất trống, bên trong là một số trang thiết bị y tế tối thiểu được lấy ra từ một bệnh viện nào đó đã bị động đất làm sập.

“Đừng hỏi nữa, cậu ấy khóc đấy”, Sherly nói với tôi khi tôi đang tiếp xúc với một cậu bé chừng 8 tuổi quấn băng kín mít trên đầu. Đó là Arya tới từ Dusun Dolo, cậu bé bị một mảng bê tông rơi vào đầu trong khi chạy ra khỏi nhà. Cậu bị một vết rách dài chừng 10cm trên đỉnh đầu và 1 tuần nay trạng thái tâm lý của cậu bé vẫn chưa ổn định. Với một đứa bé như vậy, mọi thứ trải qua thật quá khủng khiếp. Cậu bé ngồi lặng yên một góc. Bệnh viện dã chiến sực mùi mồ hôi của người. Cũng đúng thôi, tới nước uống còn không đủ, lấy đâu ra nước tắm.

Chăm sóc cho Aray là chị của cậu, cô bé chừng 16 tuổi, không như cậu em, cô may mắn không bị thương. Khác với cậu em, cô kể “Chúng tôi là may mắn lắm rồi, không ai trong gia đình bị mất tích, hàng xóm nhà chúng tôi thì không được may mắn như thế”.

Các bệnh viện dã chiến mọc lên khắp Palu.
Các bệnh viện dã chiến mọc lên khắp Palu.

Nằm đối diện giường của Aray là ông bà Neasy họ sống ở làng Bolaroa nơi có 1.700 ngôi nhà bị động đất nhấn chìm. Bà Neasy bị gẫy chân và được chồng đưa tới với đội cứu hộ và họ chuyển bà vào viện. “Chúng tôi già rồi, có khỏi thì chúng tôi biết đi về đâu?, chồng bà Neasy than thở.

Các bệnh viện dã chiến mọc lên khắp Palu. Số lượng người bị thương rất lớn khiến các viện vốn đã thiếu thốn trở nên càng thiếu hơn. Thậm chí do lo ngại động đất có thể trở lại bất cứ lúc nào, người ta muốn nằm ngoài trời hơn là ở trong nhà.

Đêm càng về khuya, thời tiết ở Palu càng ngột ngạt, đâu đó là những tiếng khóc thi thoảng lại cất lên.

“Nếu còn sống sao không về?”

“Tôi cứ đứng đây thôi, biết làm gì bây giờ, nhà trong kia thì đã sập hết” –bà Sarmina, 52 tuổi, cư dân của làng Petobo, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất tại Palu nói. “Nhà tôi có 15 người, 7 người mất tích rồi. 7 người đấy, cứu hộ thì không tìm thấy, một tuần rồi, họ còn sống không? Nếu còn sống sao không về?” – bà Sarmina vừa nói vừa gạt nước mắt.

Không chỉ có bà Sarmina, ở bên ngoài khu vực cấm, hàng chục người khác cũng ở làng Petobo cũng chờ tin tức người thân. Mỗi phút mỗi giây trôi qua hy vọng về người thân còn sống lại ít đi đối với họ.

Những con đường, nhà thờ, nhà hàng, khách sạn và những ngôi làng trở thành đống đổ nát.
Những con đường, nhà thờ, nhà hàng, khách sạn và những ngôi làng trở thành đống đổ nát.

Những cảnh ly tán như thế không phải lạ ở Palu trong những ngày này. Khắp nơi những tờ giấy thông báo tìm người thân thất lạc dán kín. Họ dán vào bất cứ chỗ nào có thể, cả những mảng tường đã nứt toác.

“Nhìn kia kìa, chỗ nước đen là có thi thể”, Nlandam, một nhân viên cứu hộ tới từ Bandung nói với tôi. Giữa làng Petobo, những người cứu hộ sử dụng khứu giác và thị giác để tìm thi thể còn vùi trong lớp bùn đất. Những thi thể bị chôn vùi sau một tuần còn rất nhiều và thậm chí có thể nằm lại mãi mãi.

Không chỉ những người bị mất tích, những người còn sống họ cũng chẳng muốn trở lại nơi mình đã sinh ra và gắn bó. Con đường JI Trans Sulawesi vốn là nơi đẹp nhất trong vùng, nằm ven biển là cơ hội để người dân có thể mở những cửa hàng ra để kinh doanh. Sóng thần ập tới đã lấy đi tất cả của họ.

Ramadhan, 50 tuổi ở Kel Besusu, Palu ra đứng bên chiếc cầu Vàng, vốn là biểu tượng của thành phố nhưng giờ đây nó chỉ còn là một đống sắt vụn. “Tôi tới đây để nhớ về những kỷ niệm từ thời thơ ấu, nơi này đẹp lắm. Tôi cầu nguyện cho những người đã bị sóng biển cuốn trôi. Cuộc sống vẫn phải tiếp tục thôi nhưng bây giờ tôi không muốn ở lại đây nữa, hy vọng mọi thứ sắp tới sẽ tốt đẹp hơn”. Nhà của người đàn ông này đã bị cơn sóng thần đánh sập, giờ chỉ còn vài món đồ nội thất vỡ vụn.

“Chúng tôi chỉ trở về khi chính phủ giúp đỡ tái thiết lại, bây giờ còn gì nữa đâu”, Andy, một chủ nhà hàng ven biển tại Palu nói./.

Nguồn: vov.vn

Các tin khác