Phóng sự
Những 'kỹ sư chân đất' đam mê sáng chế
09:33, 05/10/2018 (GMT+7)
Dù chưa hề qua một lớp đào tạo về cơ khí chế tạo, nhưng từ thực tế cuộc sống, cùng với niềm đam mê sáng tạo và mong muốn giúp việc làm nông nghiệp bớt vất vả, những người nông dân này đã chế tạo ra những chiếc máy phay, đánh rãnh, cào đất hay máy cày, bừa điều khiển từ xa...
Đến xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn hỏi nhà anh Nguyễn Văn Tuấn, một lão nông chỉ đường: "Cứ đi một đoạn nữa là đến Hợp tác xã Thành Ngân. Chú Tuấn lúc nào cũng ở đấy. Chú coi vậy mà giỏi, chẳng học đại học gì cả, mà đã mày mò, sáng tạo ra nhiều loại máy móc áp dụng trong nông nghiệp tốt lắm nhé".
Tại Hợp tác xã (HTX) Thành Ngân, tiếp tôi là một anh chàng trông khỏe khoắn, nước da ngăm đen, người nhễ nhại mồ hôi. Đó là anh Tuấn. Hỏi ra mới biết anh đang tất bật sản xuất các loại máy theo đơn đặt hàng để kịp giao cho khách.
Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: “Chính từ cái khó, cái nghèo và nhìn thấy sự cằn cỗi của mảnh đất quê hương, lại sẵn yêu thích máy móc nên tôi đã ấp ủ dự định sẽ sáng chế ra một cái máy nhằm giúp bà con nông dân bớt khổ”.
Anh Nguyễn Văn Tuấn với mô hình máy nông nghiệp đa năng đang lắp ráp. |
Học hết lớp 12, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, Tuấn xin bố mẹ xuống TP Thái Nguyên học nghề sửa chữa xe máy. Học xong, anh làm việc ở Thái Nguyên một thời gian rồi trở về mở cửa hàng sửa chữa xe máy. Những tháng ngày theo nghề sửa xe, Tuấn có cơ hội tiếp cận với máy móc và nuôi dưỡng ước mơ ngày thơ bé là chế tạo ra chiếc máy cào cỏ, vun ngô để giảm sức lao động cho con người.
Nhiều lần, Tuấn lặn lội xuống TP Thái Nguyên tìm mua những chiếc máy cũ về rồi tháo ra nghiên cứu, mày mò cách chế tạo. Nhiều đêm, Tuấn không ngủ để nghĩ cách làm ra sản phẩm máy nông nghiệp vừa có thể cào được cỏ lại làm được đất, đánh được rãnh. Tuấn đã tự phác họa các chi tiết ban đầu bằng bản vẽ, tính toán các thông số kỹ thuật tương ứng với máy cần chế tạo. Rồi anh xuống Thái Nguyên mua vật tư, tận dụng cả những bánh răng của động cơ xe máy cũ để gia công.
Nguyễn Văn Tuấn hướng dẫn khách hàng sử dụng máy trước khi bàn giao. |
Năm 2010 đánh dấu bước ngoặt trong đời Nguyễn Văn Tuấn khi anh chế tạo thành công chiếc máy phay đa năng (cào cỏ, vun ngô, cuốc xới đất). Khi đưa vào sử dụng, máy phát huy hiệu quả rõ rệt.
Máy của Tuấn làm ra bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu. Chất lượng cũng như tiện ích máy nông nghiệp đa năng của anh được khách hàng đánh giá cao. Nhưng chưa hài lòng với kết quả đó, trên cơ sở chiếc máy cũ còn ít chức năng anh đã tính toán, mày mò nghiên cứu để cho ra chiếc máy có nhiều chức năng hơn. Cuối cùng, với sự kiên trì và quyết tâm anh đã lắp ráp thành công chiếc máy có thể tự đánh rãnh, tự tra hạt giống, tự tra lân và vùi lấp đất theo đúng khoảng cách và chu kì.
Với chiếc máy đa chức năng này đã giúp bà con rút ngắn thời gian canh tác gieo trồng kịp thời vụ, phù hợp với mọi địa hình cũng như quy mô sản xuất theo hộ gia đình đồng thời tăng năng suất lao động. Sử dụng chiếc máy này, việc canh tác trên các sườn dốc cao trở nên dễ dàng hơn. Chiếc máy có thể tự đánh rãnh, tự tra lân, tra ngô, tự vùi lấp 1kg ngô giống chỉ trong 1 giờ, tương đương với 8 - 9 người mới hoàn thành công việc này.
Năm 2016, HTX Thành Ngân do anh thành lập đã giúp cho nhiều người tại địa phương có công ăn việc làm, với nhiều hoạt động như bán, sửa chữa các loại máy móc, gia công cơ khí, sử dụng máy gặt lúa giúp bà con nông dân thu hoạch…
Hiện nay, sản phẩm của HTX Thành Ngân được bán nhiều ở Bắc Kạn và Sơn La, với 2 loại máy là: Máy đa năng cỡ nhỏ có thể cào cỏ, cuốc xới đất, đánh rãnh, vun ngô, bơm nước, giá từ 7 - 9 triệu đồng. Máy đa năng cỡ lớn với các chức năng như: cào cỏ - cuốc xới đất, làm phẳng bề mặt đất, đánh rãnh-tra ngô-tra lân-vùi lấp đất, vun ngô, bơm phun nước áp lực cao, phát điện thắp sáng, bơm nước tưới tiêu, giá từ 14 - 25 triệu đồng. Anh Tuấn cũng cho biết thêm do khách hàng của anh là nông dân, nên những trường hợp gia đình khó khăn, HTX cho trả góp không lãi trong 2 năm.
Anh Hà Văn Hồng và chiếc máy bừa điều khiển từ xa. |
Anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ, thời gian tới HTX Thành Ngân dự định sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng, sản xuất nhiều loại máy nông nghiệp hiện đại hơn phù hợp với mọi địa hình canh tác. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn lớn nhất với anh chính là nguồn vốn đầu tư, và đây cũng chính là điều anh lo lắng và trăn trở nhất.
Với sản phẩm máy nông nghiệp đa năng, anh Nguyễn Văn Tuấn đã được các cấp ngành ghi nhận. Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Bắc Kạn lần thứ 4 (2016-2017) giải pháp cải tiến, chế tạo máy nông nghiệp đa năng của anh đoạt giải Nhì. Anh Nguyễn Văn Tuấn cũng là một trong những gương mặt được Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen trong chương trình “Khát vọng khởi nghiệp - Bừng sáng bản làng” vừa qua.
Cũng như anh Tuấn, anh Hà Văn Hồng, ở thôn 12, xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, cũng là tác giả của chiếc máy bừa điều khiển từ xa vô cùng thiết thực với nhà nông.
Tận mắt chứng kiến sản phẩm do anh Hồng sáng chế là chiếc máy bừa điều khiển từ xa, nhiều người không khỏi bất ngờ khi biết tác giả của nó là một nông dân. Chỉ tay giới thiệu từng chi tiết trong bộ phận tiếp nhận được anh gắn cố định trên máy bừa, anh Hồng bảo: “Lúc nghiên cứu chế tạo bộ phận này, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, chiếc máy có thể chuyển hướng bằng cách bóp chiếc cần đẩy tay như cái phanh xe đạp này. Bóp phải nó sẽ chuyển hướng máy sang phải, bóp trái thì chuyển hướng sang trái”.
Từ các vật liệu giản đơn như: nam châm điện, đĩa dẹt bằng sắt từ, đai truyền, puly, dây điện, thanh phanh, anh Hồng đã chế tạo thành công bộ phận tiếp nhận với nhiệm vụ nhận tín hiệu từ bộ phận phát để điều khiển, chuyển hướng máy bừa. Tất cả những chi tiết này đều được anh tìm mua và tận dụng lại những thiết bị, linh kiện thừa từ các thiết bị điện đã hỏng, các thiết bị điều khiển từ đồ chơi trẻ em rồi cải tiến thêm một vài tính năng cho phù hợp. Nguyên lý hoạt động của máy cũng rất giản đơn. Đặc biệt, khi không cần sử dụng chức năng điều khiển từ xa, máy vẫn có thể hoạt động bình thường.
Ngồi nói chuyện với tôi, Hồng bảo trở ngại lớn nhất với anh không phải là ý tưởng cũng không phải là khâu thiết kế, lắp ráp mà chính là việc thiếu hụt những kiến thức nền căn bản. Bởi vậy, anh quyết tâm học lại từ đầu dù là ở tuổi 20 hay 40 như bây giờ vẫn vậy. Với anh, kiến thức là bao la và việc học là mãi mãi.
Gặp, nghe tâm sự, chứng kiến những thành công của hai người nông dân này, tôi chợt nhận ra ở họ đều có điểm chung đó là sự đam mê và sáng tạo. Bởi chỉ có sự đam mê mới thôi thúc họ vượt qua rất nhiều khó khăn trở ngại để có được sự thành công.
Nguồn: Tuấn Hà/CAND