Phóng sự
Nhức nhối thực trạng đòi nợ thuê
15:34, 28/09/2018 (GMT+7)
Thời gian gần đây, tình trạng cho vay "nóng" với lãi suất cao và đòi nợ theo kiểu "xã hội đen" đã ảnh hưởng lớn đến tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP HCM. Thực tế này đặt ra những vấn đề cần phải được giải quyết rốt ráo, tránh những hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Cha mẹ phải bán nhà, từ con vì liên tục bị đòi nợ
Có lẽ chưa bao giờ tình trạng đòi nợ thuê bằng nhiều hình thức như khủng bố tinh thần, chửi bới, đe dọa, đánh đập, đập phá tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt cóc, buộc bán giá rẻ mạt nhà cửa, đất đai để xóa nợ… lại nhức nhối như hiện nay.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an (tại Hội nghị Sơ kết công tác phòng, chống tội phạm hình sự 6 tháng đầu năm 2018), tại các địa bàn trọng điểm, các băng nhóm bảo kê, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản có biểu hiện hoạt động mạnh trở lại.
Nhà cụ Quang nhiều lần bị giang hồ ném chất bẩn và đến đòi nợ. |
Riêng địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra nhiều vụ việc đòi nợ thuê dưới nhiều hình thức khác nhau, khiến nhiều người hoang mang, lo sợ. Công an TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện đã phát hiện, bắt giữ nhiều băng nhóm "tín dụng đen", đòi nợ thuê tập hợp cả chục tên có tiền án tiền sự để thu nợ cho vay bằng các hành vi côn đồ.
Một số công ty đòi nợ thuê được thành lập hợp pháp cũng núp bóng doanh nghiệp để bảo kê, đòi nợ thuê bằng những thủ đoạn như ném chất bẩn vào nhà con nợ, gọi điện liên miên để chửi bới, đe dọa con nợ và người thân của họ.
Mới đây nhất, cụ Hồ Tăng Quang (95 tuổi, ở nhà số 204 - 206 Võ Thành Trang, phường 11, quận Tân Bình) đã kêu cứu khi liên tục bị nhiều nhóm người tới khủng bố, gây sức ép để trả nợ thay con gái là Hồ Mỹ Phụng (44 tuổi).
Dù trước đó, vợ chồng cụ đã phải bán nhà trả nợ thay con gái số tiền hơn 30 tỷ đồng, nhưng vẫn liên tục bị khủng bố, gây áp lực trả nợ thay tiếp theo.
Chính vì thế mà, cụ Quang luôn phải đóng, khóa cửa nhà (căn nhà còn lại) kín mít để đề phòng các bất trắc. Trước đó là chuỗi ngày nhà cụ Quang liên tục phải đối mặt với nỗi sợ hãi thường trực bất kể ngày đêm bị nhiều nhóm người lạ tới quấy phá, ném sơn, đập vỡ cửa kính, đe dọa, khủng bố tinh thần nhằm ép cụ trả nợ thay con.
Dù cụ chẳng biết chúng là ai, con gái có vay nợ hay không và số nợ bao nhiêu... Cụ Quang đã cho người lắp camera và ghi hình được tất cả các nhóm tới đòi nợ, đe dọa và tạt sơn… Những hình ảnh này được cụ lưu giữ cũng như giao nộp Công an để có cơ sở trình báo và xử lý…
Cụ Quang cho hay, con gái Hồ Mỹ Phụng lấy chồng và ra ở riêng đã lâu. Năm 2015, Phụng làm ăn thua lỗ, nhà bị chủ nợ siết. Năm 2016, Phụng xin nhập hộ khẩu vào gia đình cụ Quang để các cháu được đi học, còn Phụng ở đâu cụ không hay biết.
Điều đáng nói là do liên tục bị khủng bố khiến vợ chồng cụ Quang buộc phải tuyên bố "từ con" để mong được yên ổn. "Con gái tôi lâu nay bỏ đi mất tích. Tôi tuyên bố từ nay nó không phải là con tôi. Ai có nợ nần gì với nó thì cứ tìm nó mà đòi", cụ Quang nghẹn ngào. Nhưng thực tế không dễ dàng như vậy khi nỗi sợ hãi vì bị đòi nợ vẫn hiện hữu.
Ngoài vụ việc cụ thể "con dại cái mang" kể trên, có thực tế không ít gia đình tại TP Hồ Chí Minh vướng phải nợ "tín dụng đen" đã ngày đêm nơm nớp lo sợ bị "khủng bố" bằng đủ kiểu của một số công ty đòi nợ thuê được các đối tượng cho vay nặng lãi thuê đòi nợ.
Cuối tháng 8 vừa qua, đại diện Công an quận Thủ Đức cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn, cơ quan Công an đã xử lý 4 vụ đòi nợ thuê hoạt động trái pháp luật. Hiện Công an quận Thủ Đức cũng đang củng cố hồ sơ để xử lý hai đối tượng Chảo Văn Trình (26 tuổi) và Nguyễn Văn Vũ (21 tuổi, cùng quê Lào Cai) về hành vi cố ý gây thương tích.
Thông tin ban đầu, Trình và Vũ là nhân viên của một tổ chức chuyên đòi nợ thuê nhận nhiệm vụ đến nhà bà T.T.C (ngụ tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) để đòi số tiền 5 triệu đồng mà bà C. vay của một đối tượng cho vay nặng lãi. Trong lúc đòi nợ, hai đối tượng trên đã đe dọa và đánh bà C. gây thương tích.
Theo đại diện Công an quận Thủ Đức, có thực tế một số công ty đòi nợ thuê có một đội ngũ cố vấn pháp luật chuyên nghiệp tư vấn cách đòi nợ thế nào trong giới hạn cho phép để không bị dính đến pháp luật.
Vì vậy, hoạt động của các công ty đòi nợ thuê với các đối tượng cho vay nặng lãi được kết hợp một cách "nhịp nhàng" mà Công an có vào cuộc cũng sẽ gặp vô vàn khó khăn khi muốn xử lý hình sự.
Cụ Hồ Tăng Quang chia sẻ sự việc. |
Cần điều tra xử lý nghiêm
Lãnh đạo Công an quận 9 cũng cho biết trên địa bàn quận đang xuất hiện việc "bắt tay" của công ty đòi nợ thuê với các đối tượng cho vay nặng lãi để "khủng bố" tinh thần bằng nhiều thủ đoạn nhằm làm cho con nợ khiếp sợ và hoảng loạn.
Ngày 26-7-2018, thông tin từ Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận 9, đơn vị đã tạm giữ: Nguyễn Anh Quốc (27 tuổi, ngụ Bình Phước), Từ Hải Nguyên (32 tuổi, ngụ Lâm Đồng), Lê Trung Hiếu (25 tuổi, ngụ Bình Phước) và Nguyễn Thanh Quân (SN 1995, ngụ Tiền Giang) để điều tra làm rõ hành vi đe dọa tinh thần người khác nhằm đòi nợ.
Theo thông tin ban đầu, đêm 25-7, Tổ Cảnh sát hình sự đặc nhiệm - Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 9 đang tuần tra trên đường Lã Xuân Oai (phường Trường Thạnh, quận 9) thì phát hiện 4 đối tượng trên đi trên hai xe máy có biểu hiện bất thường nên yêu cầu dừng xe kiểm tra hành chính.
Qua kiểm tra, Công an phát hiện 4 tên này mang theo hai bình sơn màu đỏ, cùng 15 tờ giấy có in chữ "Trần Ngọc M.M - Trả nợ cho bố - LH chủ nợ: 0126.284…".
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đang trên đường đến nhà ông Trần Ngọc M.M để đòi số tiền 42 triệu đồng do ông này vay 4 năm mà chưa trả.
Mục đích của 4 người này là khi đến nhà con nợ sẽ dùng sơn đỏ tạt vào cửa, dán tờ rơi lên cửa để khủng bố tinh thần ông M. và người nhà. Nhưng khi chưa kịp thực hiện thì bị Tổ Cảnh sát hình sự đặc nhiệm kiểm tra, ngăn chặn.
Một vụ việc khác nghiêm trọng hơn xảy ra ở quận 7 vào gần cuối tháng 5 vừa qua. Theo đó, anh Phạm Xuân Đức (35 tuổi, ngụ quận 7) có vay của một người tên T.T.H.M (ngụ phường Tân Phú, quận 7) số tiền 900 triệu đồng với lãi suất 2%/tháng. Tuy nhiên, do kinh doanh gặp khó khăn nên anh Đức chưa trả được lãi và gốc như đã thỏa thuận.
Hai bình sơn đỏ và tờ giấy đòi nợ các đối tượng dự định mang đến nhà ông Trần Ngọc M.M. |
Sau nhiều lần đòi không được tiền, bà M. tìm đến Ngô Văn Phúc (SN 1989, quê Hải Phòng) là đối tượng cầm đầu một băng nhóm chuyên đòi nợ thuê và hoạt động "tín dụng đen" ở các quận 7, 8, huyện Bình Chánh để nhờ. Và Phúc đồng ý đòi nợ cho bà M. cả gốc lẫn lãi với điều kiện chia đôi số tiền lấy được.
Chiều 14-5, khi anh Đức đến nhà bà M. trên đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Phú để xin khất nợ thì bị Phúc cùng đàn em đánh đập và túm đầu của anh Đức lôi lên chiếc xe hơi đang đậu sẵn chở đi. Trên xe, Phúc cùng đàn em lại tiếp tục đánh đập, tra tấn nạn nhân và bắt ép anh Đức phải viết giấy nhận nợ của Phúc 975 triệu đồng.
Quá hoảng sợ, anh Đức buộc phải làm theo chỉ đạo của chúng mới được thả ra. Điều kiện của chúng là anh Đức phải lo đủ tiền trong 3 ngày, nếu không sẽ bị "lấy mạng". Lo sợ, anh Đức đã đến cơ quan Công an trình báo. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận 7 đã bắt giữ Phúc để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
Theo Công an quận 7, Phúc là đối tượng cộm cán từng có một tiền án về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy". Sau khi ra tù vào năm 2015, Phúc rời Hải Phòng vào TP Hồ Chí Minh quy tụ đám bạn tù và đàn em lập băng nhóm chuyên hành nghề đòi nợ thuê và hoạt động "tín dụng đen"…
Một số vụ việc kể trên cho thấy tình trạng hành xử kiểu côn đồ, "xã hội đen" khủng bố tinh thần, đánh đập, đe dọa an toàn tính mạng, tài sản người có liên quan (ở đây là người thiếu nợ hoặc người thân thích có liên quan) khi giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ: vay tiền, thiếu nợ - đòi nợ hết sức đáng lo ngại, bất an.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần điều tra xử lý nghiêm. Bởi nếu cơ quan chức năng chậm trễ trong việc giải quyết sẽ khiến mâu thuẫn ngày càng phức tạp, gây ra những bất ổn, ảnh hưởng không tốt đến vấn đề đảm bảo an ninh trật tự.
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trước mắt, UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố tập trung rà soát từng vụ việc cụ thể trên toàn địa bàn, xác định dấu hiệu can dự của băng nhóm hành xử kiểu côn đồ, xem thường kỷ cương luật pháp để xử lý nghiêm đúng theo quy định.
Ngoài ra, thành phố cũng rà soát lại trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan trong việc xử lý theo thẩm quyền, chức trách được giao khi tiếp nhận các phản ánh của người dân về kiểu hành xử côn đồ, đe dọa, khủng bố tinh thần.
Đối tượng Ngô Văn Phúc. |
Theo Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Đội trưởng Đội 7, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh, người dân không nên vay tiền các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu cho vay lãi suất cao, lãi nhập vốn, không có tư cách rõ ràng.
Nhưng khi không may đã lỡ vay tiền của các cá nhân, tổ chức cho vay lãi suất cao, người dân cần thu thập những bằng chứng chứng minh số vốn vay gốc, số vốn và lãi đã trả.
Đồng thời, thu thập những hình ảnh, bằng chứng các hành vi đe dọa, đập phá, tạt sơn… để có cơ sở trình báo, tố cáo đến cơ quan Công an để có hình thức xử lý nghiêm theo pháp luật…
Nguồn: CAND