Phóng sự

Dự thảo cấm bán rượu bia trên mạng Internet: Cần thiết nhưng có… khả thi?

16:46, 25/09/2018 (GMT+7)
 
TIN LIÊN QUAN
Mới đây, Bộ Y tế đã trình dự thảo về Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có quy định cấm bán rượu trên mạng Internet. Tuy nhiên quy định này gặp không ít ý kiến trái chiều. Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì không ít doanh nghiệp bia, rượu cho rằng nó đi ngược với xu thế phát triển công nghiệp 4.0, hạn chế sự phát triển của những doanh nghiệp làm ăn chân chính. 
 
Bởi, thực tế việc cấm bán rượu trên mạng Internet đã được Chính phủ ban hành Nghị định 105 vào năm 2017. Tuy nhiên hành vi bán mặt hàng này vẫn còn nhan nhản trên các trang web, các trang mạng xã hội trong thời gian qua.
 
Chiều ngày 17 -9, Bộ Y tế đã trình dự thảo về Phòng chống tác hại của rượu, bia tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có quy định không được bán rượu qua mạng internet, đồng thời cả rượu và bia không được bán bằng máy bán tự động. 
Trong buổi lấy ý kiến, đại diện một số doanh nghiệp băn khoăn việc cấm bán bia rượu trên mạng có đi ngược với xu hướng phát triển công nghiệp 4.0.
Trong buổi lấy ý kiến, đại diện một số doanh nghiệp băn khoăn việc cấm bán bia rượu trên mạng có đi ngược với xu hướng phát triển công nghiệp 4.0.
Trong báo cáo thẩm tra dự án luật do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, vấn đề này đang có 2 luồng ý kiến trái chiều: Ý kiến thứ nhất là thống nhất với quy định của dự thảo và đề nghị bổ sung mặt hàng bia vào danh mục cấm bán trên internet nhằm làm giảm tối đa tính sẵn có, dễ tiếp cận đối với rượu bia. 
 
Ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc không hạn chế bán rượu, bia trên internet để tạo điều kiện cho người mua, người bán và phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0. Theo bà Thúy Anh thì đa số ý kiến của Trường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đều cho rằng, để thống nhất với các quy định khác của luật về "giảm cung", "giảm cầu" đối với rượu, bia và để có thể kiểm soát được độ tuổi của người mua, việc ban soạn thảo luật hóa quy định về cấm bán rượu qua internet từ Nghị định 105 là cần thiết. 
 
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban này cũng đề nghị bổ sung thêm mặt hàng bia vào đối tượng không được bán trên internet, đồng thời nghiên cứu thêm đối với những hình thức bán hàng tương tự như bán hàng qua internet phổ biến ở Việt Nam hiện nay. 
 
Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, quy định không được bán rượu trên mạng internet không khả thi và cũng không đồng bộ với việc không cấm quảng cáo trên mạng internet.
 
Cụ thể, trong một buổi lấy ý kiến của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam và một số doanh nghiệp về dự án "Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia", các ý kiến đều cho rằng quy định này đi ngược lại với xu hướng phát triển trong thời đại cách mạng 4.0. 
 
Ông Shivam Misra, đồng Chủ tịch Tiểu ban Rượu vang - Rượu mạnh thuộc EuroCcham cho rằng, quy định cấm kinh doanh rượu bia trên Internet sẽ gây ảnh hưởng đến những nhà sản xuất chân chính. 
Dù nghị định 105 của Chính phủ có hiệu lực từ đầu năm 2017 nhưng vẫn rất nhiều loại rượu mạnh được bày bán tràn lan trên mạng.
Dù nghị định 105 của Chính phủ có hiệu lực từ đầu năm 2017 nhưng vẫn rất nhiều loại rượu mạnh được bày bán tràn lan trên mạng.
Theo ông Shivam Misra, nếu Việt Nam muốn kiểm soát tốt vấn đề kinh doanh đồ uống có cồn thì việc sử dụng công cụ trên Internet sẽ mang lại hiệu quả. Bởi vì một người, dưới 18 tuổi ra một cửa hàng bên ngoài mua theo cách truyền thống sẽ rất khó để kiểm soát được thông tin cá nhân của người đó, nhưng việc mua bán trên Internet sẽ giúp kiểm tra thông tin và kiểm soát được điều này. 
 
Một vấn đề nữa, đó là việc bán rượu, bia trên Internet cũng là kênh quan trọng kiểm soát chất lượng, nguồn gốc của các sản phẩm này. Chuyên gia tài chính Ngô Chí Long cho rằng, việc quan trọng vẫn là phải kiểm soát được đồ uống có cồn lậu, kém chất lượng, bất hợp pháp. Kết luận trong buổi lấy ý kiến, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt cho rằng, Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê cần có những đánh giá chính thức về các con số trong ngành và xem xét kỹ lưỡng khi xây dựng Luật; phải có đánh giá tác động định lượng do đồ uống có cồn phi pháp, trong đó chủ yếu là rượu lậu, rượu kém chất lượng là nguyên nhân gây ra những tác động xấu đến sức khỏe.
 
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, một trong những chính sách dự kiến đưa vào dự án luật là phát triển Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng trên cơ sở Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, với nguồn kinh phí từ khoản đóng góp bắt buộc từ rượu, bia, thuốc lá. 
 
Tuy nhiên, để bảo đảm tính tập trung của ngân sách, các nghị quyết của Trung ương về tinh giản bộ máy, biên chế và không thu nhiều loại thuế, phí trên đầu một loại sản phẩm, Chính phủ thống nhất đề nghị không quy định về nội dung này vào luật. 
 
Bà Tiến giải thích, quá trình xây dựng, nhiều ý kiến đề nghị quy định về huy động nguồn kinh phí cho phòng chống tác hại rượu, bia từ khoản đóng góp bắt buộc từ rượu, bia để có nguồn kinh phí riêng thay thế phần ngân sách chưa có điều kiện chi hiện nay, do người sử dụng rượu, bia đóng góp, được tính vào giá bán, do doanh nghiệp nộp hộ, để không ảnh hưởng đến ngân sách. 
 
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, phương án này tạo ra một khoản thu thêm ngoài thuế mà về bản chất là giống thuế, tạo thêm nghĩa vụ cho doanh nghiệp. Do vậy, để bảo đảm tính tập trung của ngân sách và không thu nhiều loại thuế, phí trên đầu một loại sản phẩm, Chính phủ thống nhất không quy định việc thu khoản đóng góp bắt buộc từ rượu, bia.
 
Việc cấm bán rượu trên mạng internet không còn là đề tài xa lạ, năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 105/2017/NĐ- CP quy định về kinh doanh rượu bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu dùng tại chỗ. 
Thông số của rượu bán trên mạng được mô tả khá chi tiết.
Thông số của rượu bán trên mạng được mô tả khá chi tiết.
Nghị định này có hiệu lực từ 1 -11 -2017, Theo đó, ngoài những hành vi như trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu thì hành vi bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet cũng bị xem là trái quy định của pháp luật. Với những tác hại của rượu thì việc cấm bán rượu trên mạng là một trong những quy định hết sức cần thiết. Tuy nhiên để đi vào thực tế nó vẫn là "đề tài" khó… thực hiện.
 
Chỉ cần lên mạng internet gõ từ khóa "mua rượu" có thể cho ra hàng nghìn kết quả, hàng list dài danh sách các cơ sở kinh doanh rượu, địa chỉ giao dịch cũng như giá cả của từng loại. Trên mạng internet, mạng xã hội rao bán rất nhiều loại rượu, từ rượu ngâm truyền thống cho đến các chai rượu mạnh của nước ngoài. 
 
Đặc biệt hơn, rượu này không chỉ được bán tại các trang web mà còn bán tràn lan trên các trang cá nhân như Facebook, Zalo, các diễn đàn mua bán online. Trên trang muaruoungoai.com, không chỉ rao bán mà còn thu mua các loại rượu ngoại nặng, chính hãng. 
 
Các sản phẩm nổi bật như Johnnie Walker, Chivas regal, Ballantine's hay Macallan. Họ không quên quảng cáo: Chúng tôi cam kết mang đến cho khách hàng những sản phẩm chính hãng được nhập khẩu từ Scotlan… 
 
Nếu bạn có những chai rượu là quà biếu tặng, không có nhu cầu sử dụng và đang cần bán những chai rượu ngoại đó. Hãy liên hệ ngay hôm nay, công ty chúng tôi sẽ giúp bạn 1 cách nhanh chóng với cá cả phải chăng. Đồng thời chúng tôi thu mua tận nơi cho quý khách hàng không kể số lượng ít hay nhiều.
 
Có một điều đặc biệt, các website đã khôn khéo lách luật bằng cách đăng tải: "Tuân thủ Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ và luật quảng cáo số 16/2012/ QH13 về kinh doanh bán hàng qua mạng, ruoutxx.com không mua bán rượu qua mạng internet. 
 
Website chỉ là kênh thông tin giới thiệu sản phẩm rượu vang < 15%. Quý khách có nhu cầu xin liên hệ số điện thoại (...)  hoặc đến cửa hàng của chúng tôi đễ được tư vấn trực tiếp". Để xác minh thông tin của các trang web này, phóng viên đã liên hệ đặt hàng qua số điện thoại được ghi trên trang. 
 
Đại diện của trang web này cho biết có nhu cầu vẫn chuyển hàng về tận nơi, nhận hàng thanh toán. Trên trang web của đơn vị giới thiệu các loại rượu Chivas, Johnnie Walker với nồng độ 40% kèm theo đầy đủ thông tin xuất xứ, dung tích, giá thành. 
 
"Anh có nhu cầu mua loại nào, dung tích thế nào cứ báo với bên em. Bên em sẽ có người ship tận nơi, Với những đơn hàng lớn bên em sẽ miễn phí cước vận chuyển" - Nhân viên của trang web này cho biết.
 
Bên cạnh những trang web bán rượu ngoại thì hoạt động quảng bá, giới thiệu và mua bán các loại rượu nội "bí truyền" cũng khá phổ biến. Những dòng sản phẩm như: Nếp cái hoa vàng, Rượu sắn men lá, rượu Bắc Hà, các loại rượu ngâm thuốc bắc, ngâm động vật, thậm chí cả rượu ngâm với quả thuốc phiện. 
 
Anh Lê Vinh (Thạch Thất, Hà Nội) người chuyên bán rượu tự nấu trên trang Facebook cá nhân của mình chia sẻ: "Nhà tôi nấu rượu đến nay là 3 đời rồi, nói chung quanh vùng ai cũng biết tiếng. Bên cạnh những mối hàng quen chúng tôi thường xuyên đổ thì tôi cũng muốn mở rộng thị trường bằng cách bán hàng trên trang Facebook cá nhân. 
 
Tôi nghĩ quy định thế thôi chứ ai mà đi xử phạt được những người bán rượu quê như chúng tôi. Không cho bán thì chúng tôi thôi, chuyển bán ở Facbook khác, mà chúng tôi cũng không có tem mác, không có nồng độ cụ thể thì sao mà phạt được".
 
Có thể thấy để hạn chế sử dụng rượu việc cấm mua bán trên mạng internet là vô cùng cần thiết, tuy nhiên rượu vẫn được rao bán tràn lan. Với những chiêu trò như chỉ giới thiệu, trưng bày sản phẩm trên trang web, trang mạng cá nhân thì cơ quan chức năng thực sự khó kiểm soát. 
 
Hơn nữa khi các trang web bị phát hiện mua bán rượu họ hoàn toàn có thể xóa hoặc thay trang web khác trong vài phút. Hơn nữa nhiều người còn rao bán rượu trên các trang cá nhân với ghi chú là rượu nhà nấu, không tem mác, không nồng độ cồn thì sẽ không có cơ sở để xử phạt.

Nguồn: Phong Anh/CAND

Các tin khác