Phóng sự
Dai dẳng nỗi đau lá ngón ở vùng cao Nam Trà My
09:31, 10/09/2018 (GMT+7)
Chỉ cần cãi vã, xích mích trong gia đình, hoặc không giải quyết được mâu thuẫn dù nhỏ nhặt trong cuộc sống, có một số người đã lại tìm đến cái chết bằng lá ngón.
Dường như đó là chuyện thường ngày diễn ra ở vùng núi cao huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Chính quyền và các cơ quan chức năng hiện đang nỗ lực vận động để nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân cũng như tác hại của cây lá ngón…
Ám ảnh Măng Lâng
Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi ngược đường 130 cây số từ thành phố Tam Kỳ lên hướng núi Ngok Linh. Từ thị trấn Trà My, vượt qua bao dốc cao, suối sâu, cuối cùng chúng tôi mới đến được một xóm nhỏ khoảng chừng vài chục nóc nhà sàn của người Cơ Tu, nằm cheo leo trên vách núi đá, thuộc thôn 3, xã Trà Cang, huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Có lẽ vì thế mà người dân tộc thiểu số Cơ Tu ở đất này gọi nó với tên quen thuộc là nóc Măng Lâng… Trong làn sương mỏng lờ nhờ của thời khắc chạng vạng, nóc Măng Lâng hiện ra với những mái nhà lụp xụp trông thật ảm đạm.
Những người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây nét mặt đều lộ vẻ lo lắng, hoang mang khi chúng tôi hỏi về cái chết của người mẹ trẻ là chị Hồ Thị Thiên. Không ai trả lời thẳng vào vấn đề mà chỉ cho chúng tôi đến nhà bà Hồ Thị Nê là mẹ chồng của chị Thiên, sau đó họ lặng lẽ bỏ đi…
Lá ngón mọc khắp nơi ở huyện núi cao Nam Trà My. |
Khi đến cổng nhà bà Nê, đập vào mắt chúng tôi là một người đàn bà tuổi xấp xỉ 60 ngồi bên bệ cửa của căn nhà sàn dột nát, thất thần đưa mắt nhìn ra mảng rừng khi màn đêm buông dần màu tối sẫm.
Bà Nê dẫn khách vào nhà, rồi bất ngờ sụt sịt khóc. Lát sau, quệt nước mắt vào tay áo, bà Nê bảo chúng tôi bằng chất giọng lơ lớ: "Nó chết rồi. Nhà nó không ai ở nữa…".
Chúng tôi gặng hỏi cặn kẽ mới xâu chuỗi lại được câu chuyện mà bà Nê muốn nói. Thì ra căn nhà gỗ trên triền đồi trước nhà bà Nê là nhà chị Thiên.
Trong căn nhà này, thường ngày chị Thiên vui vẻ quây quần bên những đứa con thơ. Thế mà, chỉ sau một buổi sáng thức giấc, bà Nê thấy căn nhà của chị Thiên yên ắng đến lạ thường. Bà chạy sang mới phát hiện người con dâu chưa tròn 32 tuổi đã quyên sinh bằng nắm lá ngón, để lại những đứa con dại…
Lúc này, chị Hồ Thị Sương (45 tuổi) là con gái bà Nê trên rẫy về, biết chúng tôi tìm hiểu về cái chết của chị Thiên liền hối thúc mọi người tới nhà chị Thiên.
Bà Nê cũng bước thấp, bước cao theo chân chị Sương cùng chúng tôi tới nhà chị Thiên trên ngọn đồi trước nhà. Họ không muốn kể chuyện về người chết trong ngôi nhà của mình…
Tới nơi, nhìn vào ngôi nhà mở cửa toang hoác, chúng tôi giật thót mình khi trong ở góc tối căn nhà lạnh lẽo có một người đàn ông tuổi khoảng 40, ngồi thu lu bó gối, đầu tóc rối bù. Hỏi ra mới hay, anh ta là Hồ Văn Hoàng, anh ruột chị Thiên.
Anh Hoàng đau đớn nói rằng, vì anh ở nóc khác nên không hay biết gì về cái chết của em gái. Chỉ đến khi anh qua chơi, thăm em và các cháu thì mới được mọi người báo hung tin là Thiên đã mất rồi.
"Lần trước qua chơi, thấy nó vẫn vui vẻ bình thường, không hiểu sao lại như vậy", anh Hoàng buồn bã nói. Chị Sương kể rằng, hôm đó cũng như mọi ngày, sau tiếng gà gáy sáng, mọi người thức dậy cùng nhau lên rẫy. Thế nhưng, đã gần 7 giờ sáng mà nhà của chị Thiên cửa vẫn đóng im ỉm.
Linh cảm có điều chẳng lành, chị và bà Nê chạy đến mở cửa thì bàng hoàng phát hiện chị Thiên đã chết. Khi mọi người ở nóc Măng Lâng nghe tiếng kêu cứu của bà Nê và chị Sương chạy tới, kiểm tra mới biết chị Thiên tìm đến cái chết bằng lá ngón.
Bà Nê nghèn nghẹn giọng nói: "Đến bây giờ tôi cũng không biết vì lý do gì mà con dâu mình dại dột như thế. Năm ngoái, chồng nó nghĩ quẩn mà treo cổ ra đi, để lại ba đứa con thơ lại cho nó. Bây giờ, nó cũng dại dột mà dùng lá ngón đi theo chồng, 3 đứa nhỏ biết sống làm sao.
Vợ chồng em nó cũng một lần dại dột tìm đến lá ngón rồi, sao bây giờ nó còn dại dột như thế…". Thấy chúng tôi chưa hiểu hết chuyện, chị Sương mới giải thích rằng, cách đây 3 năm, người em dâu là Hồ Thị Thôi vì tuyệt vọng đã ăn lá ngón tự tử.
Đúng mười ngày sau, chồng của Thôi do quá thương nhớ vợ, trong men say rượu cần đã tìm đến thứ lá độc kia để kết liễu cuộc đời, bỏ lại 4 người con nheo nhóc…
Chúng tôi tới nhà già làng Hồ Văn Đàm. Ông cụ đã ở tuổi 74, đen chắc như cây lim, cây sến trong rừng, buông tiếng thở dài. "Ở cái nóc này, không chỉ có Hồ Thị Thiên, vợ chồng Hồ Thị Thôi mà 9 năm nay, đã có 10 người chết vì ăn lá ngón.
Cây lá ngón ở đây nơi nào cũng có, mọc khắp núi rừng này, từ đầu ngõ cho đến bên nhà, sau nhà, trên rẫy. Dù có chặt hạ đi chăng nữa thì loại dây leo này mọc lại rất nhanh.
Già và các cán bộ chính quyền luôn dặn dò mọi người lá ngón rất độc, nhưng cứ luẩn quẩn trong vòng đói nghèo, không cách giải quyết; hay buồn bã, bất đồng về một việc gì đó thì một số người thiếu suy nghĩ, dại dột tìm đến lá ngón tự tử...".
Nóc Măng Lâng luôn ám ảnh về số người chết vì lá ngón. |
Nỗi đau lá ngón
Thực tế ở xã Trà Cang dưới chân núi Ngok Linh này, không chỉ nóc Măng Lâng, mà ở nhiều thôn, nóc khác, trong thời gian qua, tình trạng người đồng bào dân tộc thiểu số tự tử bằng lá ngón liên tục xảy ra. Dù các cấp chính quyền đã ra sức tuyên truyền, vận động nhưng người chết bằng lá ngón vẫn có hằng năm, khó có thể ngăn chặn triệt để.
Ông Trần Xuân Mố - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, xã có 7 thôn, 38 nóc, với tổng số 900 hộ, hơn 4.800 nhân khẩu. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay có hơn 10 người chết do ăn lá ngón.
Dù xã, thôn cũng đã tuyên truyền rất nhiều nhưng vì nhận thức của người dân còn hạn chế, cộng với việc lá ngón mọc đầy rẫy nên mỗi khi tuyệt vọng, người dân lại hái ăn.
Đáng ngạc nhiên, đã có những người làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về tác hại của cây lá ngón nhưng lại tìm đến thứ cây thuốc độc này để kết liễu đời mình, như trường hợp đau lòng của anh Hồ Văn Noan.
Noan là cán bộ xã, tham gia tuyên truyền cho bà con về tác hại của cây lá ngón và gương mẫu trong công tác vận động, tuyên truyền cho người dân.
Noan không rượu chè, cờ bạc; vợ chồng không cãi nhau, sống rất hòa thuận. Thế nhưng, không biết vì lý do gì một ngày tháng 8-2017, Noan cũng đã dùng lá ngón để tự vẫn.
Để lại một mảnh giấy chia tài sản cùng 3 đứa con thơ cho người vợ. "Ở đây, mọi người tìm đến cái chết đơn giản quá. Việc gì giải quyết không được là họ tìm đến cái chết chứ không có giải pháp nào khác. Chúng tôi luôn đặt công tác tuyên truyền về tác hại của cây lá ngón lên hàng đầu.
Ngoài tuyên truyền về tác hại của cây này, chúng tôi còn tác động đến tư tưởng của người dân; phát động toàn dân sản xuất, làm ăn, nghe theo các chủ trương, tư tưởng, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, mỗi gia đình xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc", ông Mố phân bua.
Những đứa trẻ nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa là hậu quả của sự thiếu hiểu biết của bậc cha, mẹ khi tìm đến cái chết bằng lá ngón. |
Đó là chưa kể những vụ dùng lá ngón tự tử, nhưng được cứu kịp thời. Hầu hết những người tự tử bằng lá ngón là những người dân tộc thiểu số ở địa phương.
Nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn gia đình, do hiểu nhầm, trục trặc trong chuyện tình cảm, hôn nhân... và thường xảy ra đối với những người ít hiểu biết, họ thường suy nghĩ nông cạn, tìm đến cái chết để giãi bày những oan ức của mình.
Trung tá Nguyễn Xuân Thìn - Phó trưởng Công an huyện Nam Trà My cho biết, trong phút bất đồng trong các mối quan hệ, bạn bè, tình yêu, người dân nơi đây chỉ suy nghĩ đơn giản là chết đi để thoát khỏi sự tức giận. Vì vậy, cái gốc của vấn đề là phải nâng cao nhận thức của người dân.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền của Công an huyện Nam Trà My bao giờ cũng có nội dung tuyên truyền về tác hại của lá ngón và các chương trình hòa giải, vận động người dân không dùng lá ngón để tìm cái chết, đồng thời phổ cập cách cấp cứu cho người bị ngộ độc…
Nguồn: Hà Vi/CAND