Phóng sự
Nỗi đau ngân sách
Khi mà những dự án ngày càng phình to ra như dự án Sào Khê (Ninh Bình) chưa kịp hạ nhiệt, khi mà những khoản đầu tư đầy tù mù của các dự án BOT còn chưa được làm rõ và minh bạch, thì thông tin Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận 22 dự án đội vốn nghìn tỷ ở Hải Phòng càng khiến dư luận choáng váng.
Trên thực tế, đội vốn dự án chính là cách nói khác đi của một cụm từ mà chúng tôi nghĩ nên dũng cảm viết thẳng, đó chính là “chảy máu ngân sách”. |
1. Có một vài dự án đội vốn vẫn đang trơ ra cùng tháng năm, điểm nhanh có thể thấy, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội), tổng mức đầu tư ban đầu 552 triệu USD đã đội lên đến 868 triệu USD. Điều đáng quan tâm nhất chính là những công trình đội vốn ấy lại được hợp thức hóa, được điều chỉnh tăng vốn, được rất nhiều thứ rất kỳ lạ khác.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội có mức đầu tư ban đầu hơn 18 nghìn tỷ đội vốn lên gần 33 nghìn tỷ. Dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên (TP HCM) tổng mức đầu tư ban đầu hơn 17 nghìn tỷ đội vốn lên hơn 47 nghìn tỷ. Dự án Bến Thành – Tham Lương, tuyến metro thứ 2 tại TP HCM có vốn đầu tư ban đầu gần 26 nghìn tỷ đội vốn lên gần 48 nghìn tỷ…
Những dự án đội vốn hàng chục nghìn tỷ, hàng trăm triệu USD vừa dẫn ra vẫn chưa có thời điểm hoàn thành mặc dù đã nhiều lần vượt qua cột mốc về thời gian dự kiến hoàn tất.
Minh hoạ: Ngô Xuân Khôi. |
Có nhiều kiểu đội vốn đến không thể tin được. Đơn cử như dự án cải tạo nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP HCM) thành Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng. Năm 2010, UBND TP HCM đồng ý cho công ty Phát Đạt thực hiện công trình này với tổng kinh phí đầu tư là 988 tỷ đồng.
Đến năm 2013, UBND TP chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình, tổng mức đầu tư dự án lên gần 1.353 tỷ đồng. Đổi lại dự án, UBND TP HCM bán chỉ định cho công ty Phát Đạt 2 khu đất ngay tại quận 1, quận trung tâm của TP HCM.
Năm 2018, khi mà công trình này còn dở dang thì UBND TP HCM lại xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao tiếp cho công ty Phát Đạt thêm 3 hecta đất tại trường đua Phú Thọ với lý do, vốn của dự án đã đội lên thành 1.954 tỷ đồng.
Nếu tính cả những dự án đổi đất lấy hạ tầng trước đó thì có vẻ như UBND TP.HCM lại chủ động chịu phần thiệt để nhường những phần lợi không thể nào tốt đẹp hơn cho các chủ đầu tư.
2. Câu chuyện công trình hay dự án đội vốn không mới, vốn đã được bàn rất nhiều, vốn đã được đưa ra để tìm giải pháp rất nhiều. Thế nhưng, bàn thì bàn, giải pháp thì giải pháp, còn đội vốn vẫn cứ đội vốn.
Sẽ thật khó thuyết phục dư luận với những lý do vốn thường được đưa ra, như: đội vốn do trượt giá, đội vốn do bổ sung thêm chi tiết trong dự án, đội vốn do điều kiện khách quan… Cần phải nhìn nhận một cách sòng phẳng rằng, không có công trình hay dự án nào lại không “phóng khoáng” trong việc xin tổng vốn đầu tư.
Ngân sách cũng chưa bao giờ làm khó các dự án hạ tầng phục vụ cho dân sinh (Ngoại trừ việc siết lại chi tiêu cho tượng đài, cho quảng trường, cho công viên văn hóa ở một số tỉnh nghèo). Nghĩa là, ngay tổng kinh phí đầu tư ban đầu thì chủ đầu tư đều đã được nới tay để tiện tính toán và đảm bảo chất lượng cho công trình. Ấy vậy mà, vẫn đội vốn, đội vốn bất chấp.
Mấy tuần trước, tôi có ngồi cà phê với chủ đầu tư một dự án. Người này than phiền là từ khi anh T. thôi làm lãnh đạo, việc xin thêm kinh phí cho dự án khó lắm. Hồi anh T. còn tại vị, muốn xin bao nhiêu được duyệt chi bấy nhiêu. Tôi nghe rất chua chát, vì lãnh đạo mà thoải mái vậy thì hỏi làm sao ngân sách không bị xà xẻo.
Bấy lâu nay luôn tồn tại những câu chuyện lại quả trong việc phân bố ngân sách ở những dự án hạ tầng công cộng, chuyện này có không, tôi tin là có và tôi lại càng tin ai cũng biết điều này đang tồn tại. Có điều, vẫn chưa có biện pháp giám sát chặt lỗ hổng này.
3. Mỗi lần đội vốn dự án lớn như những dự án tôi kể ở phần đầu bài viết này, đều phải vay nợ. Vay nợ thì trả lãi, lãi vẫn trả, nợ vẫn thiếu mà dự án thì cứ ì ạch, đã ì ạch lại luôn luôn lăm le đội thêm vốn mới. Rõ ràng, ngoại trừ Chính phủ thì vẫn chưa thấy ai xót cho ngân sách. Tiền ngân sách vẫn được xem như tiền chùa, tiền từ trên trời rơi xuống, xin được bao nhiêu càng lời bấy nhiêu.
Khi mà Bộ Tài chính vẫn đang khốn khó tính chuyện tăng thuế này, tăng thuế kia thì cả một vấn đề lớn hơn là tiết kiệm, ngăn chặn chảy máu ngân sách vẫn chưa được thực hiện triệt để. Làm lành lỗ hổng khiến ngân sách chảy máu, cá nhân tôi nghĩ rằng vẫn quan trọng hơn tất thảy.
Các giải pháp về tiết kiệm, về tăng thu sẽ không có hiệu quả nếu như vẫn còn tình trạng ai tiết kiệm cứ tiết kiệm, ai tăng thu cứ tăng thu, ai xòe tay xin cứ xòe tay xin. Đó có thể gọi là, không có một giải pháp đồng bộ. Xét về lý luận, là phá sản hoàn toàn giải pháp.
Ngay cả những địa phương nghèo thì những công trình, những dự án cũng đội vốn không thương tiếc. Bức tranh đội vốn trên toàn quốc gia không thiếu bất cứ nơi nào, thật sự vô cùng đáng báo động.
Có lẽ, đã đến lúc phải đặt nghi vấn về động cơ, về nhóm lợi ích ở các công trình, dự án đội vốn.
Làm sao chấp nhận được chuyện bao nhiêu cán bộ, bao nhiêu ban bệ, bao nhiêu chuyên gia lại tính toán khái toán đủ thứ rồi cuối cùng lại thản nhiên báo cáo, vì lý do này vì lý do kia mong Chính phủ cấp thêm vốn để thực hiện dự án. Mà mỗi lần xin đội vốn, toàn nghìn tỷ đến chục nghìn tỷ.
Đừng nói là ngân sách của quốc gia đang khó, mà ngay cả khi ngân sách quốc gia đang đầy ắp cũng không thể nào chịu nổi với những kiểu đội vốn như thế này.
Nguồn: ANTG/Báo CAND