Bình yên xứ Nghệ

Bình yên trên từng con sóng

10:09, 08/07/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Giữa biển cả rộng lớn, màu áo cam nổi bật của những cán bộ cứu hộ, cứu nạn (CHCN) trở thành điểm tựa an toàn để du khách yên tâm hòa mình vào làn nước trong xanh, mát rượi, xua tan cái oi ả những ngày nắng nóng. Âm thầm, cần mẫn và tận tâm, những cán bộ của Trung tâm Cứu hộ, cứu nạn và phòng chống thiên tai (CHCN&PCTT) TX Cửa Lò đang từng ngày góp phần xây dựng thương hiệu về 1 đô thị biển an toàn, mến khách, văn minh, thân thiện.

Cán bộ Trung tâm Cứu hộ, cứu nạn và phòng chống thiên tai nhắc nhở du khách về khu vực tắm không an toàn
Cán bộ Trung tâm Cứu hộ, cứu nạn và phòng chống thiên tai nhắc nhở du khách về khu vực tắm không an toàn

“Chẳng nhớ đã cứu bao nhiêu người”

38 rồi 40oC, nhiệt độ những ngày này ở Nghệ An lên cao chóng mặt. Cái nóng hầm hập của thời tiết lại càng thêm phần bức bối bởi những cơn gió Lào đặc trưng cuối tháng 5 Âm lịch. Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt đó, cách giải nhiệt được người dân chọn lựa và yêu thích bao năm qua vẫn là hòa mình vào làn nước biển mát rượi, trong xanh của bãi biển Cửa Lò - một trong những điểm du lịch biển hấp dẫn nhất miền Trung. Có mặt tại Cửa Lò những ngày này mới thấy hết sức hút của 1 đô thị biển đang đổi thay từng ngày. Du khách ngày càng đông, thế nên công việc của những cán bộ Trung tâm CHCN&PCTT cũng bận rộn hơn nhiều lần.

Chúng tôi có mặt tại Trung tâm CHCN&PCTT TX Cửa Lò vào lúc 6 giờ sáng, khi các cán bộ đang tất bật công việc sửa chữa môtô nước. Vào hè nên dù mới sáng sớm, trời đã bức bối, nóng nực rõ rệt. Dưới sự hướng dẫn của ông Nguyễn Doãn Phụng, Giám đốc Trung tâm, chúng tôi được tham quan cơ sở sửa chữa của các anh. Tại đây, những “người thợ không chuyên” vẫn miệt mài, thoăn thoắt “khám bệnh” cho máy móc như những bác sĩ lành nghề nhất. Gọi là không chuyên, bởi công việc chính của các anh là CHCN, hỗ trợ du khách trên biển. Thế nhưng, do tính chất nước biển muối mặn, độ bào mòn cao nên hầu hết các phương tiện môtô nước đều bị hư hỏng nhiều. Vậy là, để có thiết bị phục vụ công việc, không còn cách nào khác, những cán bộ Trung tâm lại tự mày mò, học hỏi để sửa chữa máy móc. Với các anh, những chiếc môtô nước không chỉ là phương tiện làm việc mà còn là người bạn gắn bó thủy chung, từng giúp các anh nhiều lần trong nhiệm vụ chuyên môn.

Tỉ mỉ “khám xe”, anh Trương Đăng Tiến chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về cái duyên gắn bó với “nghiệp” CHCN. Anh Tiến là người có “thâm niên” lâu nhất tại Trung tâm. Sinh ra và lớn lên trên vùng quê biển Nghi Hải (Cửa Lò), năm 2005, anh được nhận vào làm việc tại Trung tâm CHCN&PCTT thị xã. Với sự cầu tiến, tận tâm, chịu khó học hỏi, anh luôn nỗ lực phấn đấu và hiện là Tổ trưởng tiêu biểu của Tổ Kỹ thuật - Cứu hộ. Trong 13 năm làm nghề, anh Tiến cũng chẳng nhớ mình đã cứu bao nhiêu người, tìm giúp bao nhiêu cháu bé bị lạc.

Những người làm công tác cứu hộ thành thợ sửa động cơ bất  đắc dĩ
Những người làm công tác cứu hộ thành thợ sửa động cơ bất đắc dĩ

Ngay như trong mùa du lịch biển Cửa Lò 2018, mới tuần trước thôi, anh cùng đồng đội vừa tìm lại cháu bé bị lạc cho gia đình. Khi đó, anh Tiến đang tuần tra trên biển, nghe tin báo về việc 1 gia đình bị thất lạc cháu bé 5 tuổi. Họ là người Bắc Giang, vào biển Cửa Lò để du lịch như nhiều du khách khác. Tuy nhiên, mải ngắm cảnh, cặp vợ chồng đã để thất lạc cô con gái bé bỏng. Tìm con ở đâu giữa biển người đây? 2 vợ chồng là khách lạ, không quen biết gì, biết nhờ ai bây giờ? Tá hỏa đi tìm nhưng biển rộng, người đông, ròng rã 1 tiếng đồng hồ mà chẳng thấy con đâu.

Được người dân hướng dẫn, họ mếu máo tìm đến Trung tâm CHCN&PCTT. Nhận được tin, dựa theo đặc điểm về ngoại hình của cháu bé, các anh em trong Trung tâm chia nhau đi tìm theo các hướng. Thật may, sau 30 phút tìm, cháu bé đã được anh Tiến và cán bộ Trung tâm giao lại gia đình. Bố mẹ cháu bé sung sướng ôm chầm lấy con, rối rít cảm ơn. Chứng kiến niềm hạnh phúc của gia đình nhỏ, các anh cũng thở phào nhẹ nhõm.

Có thâm niên gắn bó với công việc CHCN từ khi Trung tâm mới thành lập, anh Trần Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm cũng có nhiều kỷ niệm với công việc tại thị xã biển Cửa Lò. Được rèn luyện trong quân ngũ khi công tác tại huyện đảo Trường Sa nên anh rất chịu khó học hỏi, từ cách đoán thời tiết, hướng gió, thủy triều đến cách sơ cứu, cứu hộ khi có trường hợp cần thiết.

Hoạt động tuần tra trên biển bào mòn thể lực của nhân viên cứu hộ rất nhanh
Hoạt động tuần tra trên biển bào mòn thể lực của nhân viên cứu hộ rất nhanh

Trầm ngâm nhớ lại kỷ niệm khi cứu 1 cô gái có ý định tự tử, anh Tuấn Anh chia sẻ: “Khi mới vào nghề, có lần trong lúc đi trực trên biển, quan sát thấy 1 cô gái có ý định làm chuyện chẳng lành, tôi âm thầm theo dõi. Đúng như linh tính, cô gái nhảy xuống biển để tự tử. Sau khi hô hấp và cứu sống cô gái, vì không yên tâm, tôi còn chở cô gái vào bệnh viện rồi phân công anh em túc trực, phòng khi cô gái nghĩ tiêu cực. Mọi người cũng nói chuyện, phân tích phải trái để cô gái cởi mở tâm sự. Chia tay người yêu, cộng với chuyện buồn trong tình cảm nên cô đã nghĩ đến việc quyên sinh. Kiên nhẫn lựa lời khuyên nhủ, đến khi cô ấy ổn định tâm lý, mọi người trong Đội mới bắt xe để cô gái về huyện Nghĩa Đàn”.

Trong câu chuyện với phóng viên, anh Tuấn Anh, anh Tiến, anh Hùng chẳng thể nhớ mình đã cứu bao nhiêu người, cả trong trường hợp khẩn cấp hay cấp cứu sống trên biển. Đó là cả gia đình 7 người ở TX Thái Hòa vào năm 2013 khi bơi vào vùng nước xoáy xa bờ đã được các anh phát hiện và hỗ trợ kịp thời, là món quà ân tình mà du khách phương xa gửi về, là tấm thư cảm ơn mà các anh luôn mang bên mình, như sự động viên, nhắc nhủ để nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong công việc, phục vụ, hỗ trợ mọi người khi cần thiết. Những kỷ niệm đó như những lớp sóng biển, cứ dạt dào, thủy chung bồi đắp thêm cho các anh, những người đã xem TX Cửa Lò là miền quê thân thương của mình.

Luôn chủ động từ đầu

Ông Nguyễn Doãn Phụng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Công tác CNCH, cấp cứu đuối nước, đảm bảo an toàn cho khách tắm biển luôn được lãnh đạo TX Cửa Lò cũng như Trung tâm xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với hoạt động du lịch của địa phương. Hiện, Trung tâm có 12 cán bộ, nhân viên, ngoài ra còn có thêm nhân viên hợp đồng thời vụ trong 5 tháng du lịch. Ưu tiên đầu tiên khi tuyển chọn nhân viên là biết bơi lội, được rèn luyện trong quân ngũ, sức khỏe tốt. Ngoài ra, những người CHCN còn được tập huấn về công tác cấp cứu y tế, kỹ năng phản ứng nhanh, văn hóa ứng xử với du khách.

Việc kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện luôn được duy trì để đảm bảo an toàn cho chính nhân viên cứu hộ
Việc kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện luôn được duy trì để đảm bảo an toàn cho chính nhân viên cứu hộ

Công việc khi nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng áp lực cực kỳ lớn, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa bão, sóng to hoặc do thời tiết bất thường. “Đặc điểm của biển Cửa Lò là sóng bãi ngang, bước sóng lớn, mạnh, đòi hỏi những người làm công tác cứu hộ phải hiểu rõ quy luật của biển để có cách tiếp cận và cấp cứu du khách khi xảy ra tình huống bất thường một cách nhanh chóng, phù hợp”, ông Phụng cho biết thêm.

Để đảm bảo an toàn cho du khách, công tác tuyên truyền, nhắc nhở du khách được xem là biện pháp quan trọng nhất, cần được ưu tiên hàng đầu. Các chỉ thị của tỉnh và thị xã về đảm bảo an toàn khi tắm biển thường xuyên được gửi đến các các cơ sở lưu trú và nhắc nhở trên loa phát thanh vào mỗi buổi chiều hàng ngày. Trong nhiều năm trở lại đây, Trung tâm còn ban hành nội quy cảnh báo tắm biển, hoàn thiện phao chỉ dẫn, ngăn cách, bố trí biển cảnh báo và thiết bị cảnh báo khu vực tắm không an toàn tại những vùng nước sâu, vùng xoáy, đá ngầm có nguy cơ cao.

Công tác CHCN trên biển được phân chia làm 3 vòng khép kín. Vòng thứ 3 là trên bờ biển với nhiệm vụ tuyên truyền du khách tắm đúng quy định và cảnh báo nguy cơ đuối nước, vòng thứ 2 ở áp sát khu vực có du khách đang tắm biển và vòng thứ nhất, xa nhất nhằm cảnh báo từ xa bằng phương tiện tàu thuyền hoặc đài quan sát. Trung bình, 1 tuyến từ 4 - 6 người thường xuyên trực trên 10 km từ 4 giờ 30 phút đến 19 giờ. Do bờ biển dài, các điểm trực cách xa nhau, mật độ du khách đông, vào những ngày biển động, tầm nhìn bị hạn chế đã khiến cho những người làm công tác CHCN gặp nhiều khó khăn trong nắm bắt tình hình. Đó là chưa kể ý thức của một số du khách còn chưa cao, chủ quan, thích bơi xa, phớt lờ cảnh báo của lực lượng cứu hộ. Vì thế, vào những ngày thời tiết biến động bất thường, Trung tâm phải huy động tối đa lực lượng trải đều trên bãi biển, sẵn sàng cứu hộ khi cần thiết.

Trong những lá thư mà anh Tuấn Anh, anh Phụng vẫn lưu giữ tại Trung tâm, sự cảm kích, ân tình mà du khách dành cho các cán bộ cứu hộ chan chứa trong mỗi câu từ, nét viết. Với họ, kỷ niệm về biển Cửa Lò không chỉ đẹp mà là nơi gắn kết những người xa về gần bên nhau, để cùng hòa chung, thưởng ngoạn vẻ đẹp nên thơ, lãng mạn của một trong những bãi biển đẹp nhất miền Trung. Còn với các anh, những “người lính” cứu hộ, mỗi mùa du lịch đến, các anh lại cần mẫn, tận tâm và âm thầm góp sức để vẻ đẹp biển Cửa Lò càng thêm lan tỏa…

Như Biển - Mai Hậu

Các tin khác