Phóng sự
Cảnh giác với bánh Trung thu 'siêu rẻ'
08:49, 04/09/2018 (GMT+7)
Mâm cỗ "Đêm hội trăng rằm" của trẻ em không thể thiếu bánh Trung thu. Làm sao để những chiếc bánh Trung thu không còn là nỗi ám ảnh bị ngộ độc khi gần một tháng nữa mới đến Tết Trung thu mà trên thị trường đã xuất hiện nhan nhản loại bánh Trung thu giá "siêu rẻ" không rõ nguồn gốc?
Tràn lan bánh Trung thu giá rẻ
Hiện nay, trên thị trường và nhiều diễn đàn đang rao bán loại bánh nướng có giá chỉ từ 2.000 đến 5.000 đồng/chiếc. Loại bánh Trung thu giá siêu rẻ này được quảng cáo là có xuất xứ từ Đài Loan, gồm các vị: Cam, dâu, đậu, xoài,...
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết loại bánh này nặng khoảng 40gr, lớp vỏ bánh mềm, nhân bên trong ngọt thanh. Bánh trung thu Đài Loan có nhiều vị lạ và hạn sử dụng lên tới gần 5 tháng.
Khi chúng tôi liên hệ với một chủ trang mạng bán bánh, chị này cho biết, đây là bánh Trung thu nội địa Đài Loan, họ bán giá sỉ là 320.000 đồng/thùng (5kg), nếu mua 5 thùng thì giá chỉ còn 300.000 đồng/thùng, khoảng 130 - 135 bánh/thùng.
Bánh Trung thu không rõ nguồn gốc được rao bán trên mạng. |
Tính ra mỗi chiếc bánh trung thu Đài Loan chỉ có giá 2.200 đồng/chiếc. Khách hàng lấy số lượng càng lớn thì giá càng rẻ. Nguồn cung cấp bánh tương đối lớn nên muốn lấy bao nhiêu cũng có. Khách hàng chỉ cần báo số lượng trước một hôm là ngày sau sẽ có hàng.
Chị Thủy Vũ, chủ cửa hàng chuyên bán đồ ăn vặt online chia sẻ: "Loại bánh Trung thu này mới về được gần một tháng nay, là hàng mới xuất hiện trên thị trường nên rất hút khách. Bánh trung thu Đài Loan bán lẻ có giá 5.000 đồng/chiếc, 80.000 đồng/kg và được trộn các vị tùy theo nhu cầu người mua hàng".
Dù được người bán hàng quảng cáo rất ngon và dễ ăn, thế nhưng khi mua về, nhiều người không khỏi ái ngại vì chất lượng của loại bánh này. Chị Nga, nhân viên văn phòng quận Đống Đa chia sẻ: "Mình thấy rẻ quá nên mua thử 2 chiếc. Khi cắt bánh ra nếm thử cũng không thấy ngon như quảng cáo. Nhân vị xoài ăn không giống vị xoài lắm! Vậy là mình không dám ăn nữa. Vấn đề thực phẩm bẩn, sạch bây giờ khá lẫn lộn. Bắt mắt chưa chắc đã an toàn nên mình cũng không nên liều ăn bánh quá rẻ như này".
Trái ngược với tâm lý lo sợ của nhiều người, bánh Trung thu giá rẻ này lại được rất đông các bạn sinh viên và người lao động thu nhập thấp lựa chọn. Vì họ quan niệm, giá như vậy vừa ngon lại hợp với túi tiền.
Với các chiêu trò quảng cáo có phần mộc mạc và đồng quê hơn bánh Trung thu xuất xứ tại Đài Loan, thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội bắt đầu rao bán một loại bánh nướng Trung thu được quảng cáo là đặc sản một tỉnh vùng núi Tây Bắc, có mức giá từ 3.000-6.000 đồng/chiếc, và chỉ bán cọc 5 chiếc trở lên. Loại bánh này được quảng cáo hấp dẫn, rất kích thích vị giác lẫn "túi tiền" người xem.
Một tài khoản facebook có tên "ĐS Bánh nướng Cao Bằng" quảng cáo: "Bánh nướng đặc sản Cao Bằng đây. Thơm ngon bổ rẻ. Sắp đến Trung thu rồi, mua bánh nướng này làm quà cho mọi người thì hết ý. Bánh bán theo cọc 5 chiếc, nhân đậu xanh giá 20.000 đồng/cọc, nhân thập cẩm 25.000 đồng/cọc. Cam đoan mềm dẻo, thơm ngon, càng ăn càng nghiện".
Chúng tôi liên hệ với chủ tài khoản facebook để đặt mua 1.000 cọc bánh nướng, chị chủ tài khoản nhận lời ngay và đon đả: "Bánh nhà chị tự làm đấy, có giấy phép an toàn của Bộ Y tế cấp hẳn hoi, an toàn lắm, ngon và chất lượng. Em mua nhiều chị giảm giá 15k/cọc 5 chiếc, vậy là giá chỉ có 3.000 đồng/chiếc nhé".
Khi chúng tôi hỏi có hộp và nhãn mác không, chị trả lời là không. "Nếu em cần, và yêu cầu vỏ hộp, nhãn mác kiểu gì thì gửi mẫu lên chị in cho". Nói rồi chị gửi cho chúng tôi một loạt hình ảnh mẫu các kiểu bánh nhìn rất bắt mắt.
Theo quan sát của chúng tôi, loại bánh này được đựng trong chiếc túi nilon khá sơ sài, bên trong có kèm mẩu giấy ghi hạn sử dụng, tên cơ sở sản xuất, nguyên phụ liệu... Nhìn qua, loại bánh nướng này có hình dáng khá giống bánh nướng Trung thu truyền thống, nhưng kích thước nhỏ gọn bằng lòng bàn tay. Cô bạn đồng nghiệp của tôi cho biết, cô đã mua và nếm thử loại bánh này.
Bánh nặng khoảng 80gr, khi ăn có mùi vani thơm, lớp nhân mỏng và khá ít. Nhân thập cẩm của bánh chỉ bao gồm lạc, mứt bí, và một số thành phần không rõ là chất gì. Khi chúng tôi yêu cầu chủ tài khoản facebook là do chúng tôi mua với số lượng lớn (5.000 chiếc) cho công ty phát quà Trung thu nên phải thanh toán bằng hóa đơn thuế GTGT và chị phải chụp cho chúng tôi xem giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận An toàn thực phẩm, bởi chúng tôi lo là chị mua bánh Trung thu Đài Loan siêu rẻ rồi thay thế bao bì giả vào, chị trả lời: "Cả 3 yêu cầu đều không có nhé, nhà mình không phải là công ty nên không có giấy phép gì cả, của nhà tự làm nên giá mới rẻ thế. Mua bán thì tin nhau thôi, cứ chuyển tiền vào tài khoản cho chị là chị ship hàng vào tận nhà".
Nghe chị trả lời, chúng tôi thấy thật buồn cười vì chị chẳng có cái gì để chúng tôi đáng tin cả, bởi nguy cơ bánh Trung thu "siêu rẻ" bị thay bao bì trà trộn vào thị trường là hiện hữu. Chị Thúy ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: "Nếu mọi người không tin có thể kiểm chứng trên phố Trương Định (Hà Nội) nơi tổng đầu mối bán sỉ, lẻ online bánh Trung thu giá rẻ, chủ cửa hàng ở đây còn nói thẳng, đây là hàng trốn thuế nên mới rẻ như thế và họ còn bày cho người mua cách thay đổi bao bì khác cho bắt mắt để dễ bán".
Mới đây, ngày 8-8, Đội Quản lý thị trường số 24 (Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã thu giữ lô hàng hơn 10.000 chiếc bánh Trung thu nhập lậu với mức giá siêu rẻ tại 1 cửa hàng buôn bán nông sản ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Theo khai nhận của chủ lô hàng, mỗi chiếc bánh nhập về có giá từ 2.000 - 3.000 đồng/chiếc. Lô hàng vi phạm gồm bánh trứng, bánh nướng, bánh dẻo... Do hàng mới được nhập về trong đêm nên vẫn còn nguyên trong các bao tải, nhãn mác cho thấy các loại bánh này đều nhập từ bên kia biên giới và không có thông tin về hạn sử dụng. Tất cả số hàng này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Thu giữ lô hàng hơn 10.000 chiếc bánh Trung thu nhập lậu. |
Theo ông Nguyễn Huy Cường, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 24, những mặt hàng nhập lậu chủ yếu được vận chuyển trong đêm nhằm qua mắt cơ quan chức năng. Hơn nữa, họ thường bán hàng qua mạng xã hội nên khi đi trinh sát rất khó kiểm tra.
Nguy cơ gây ngộ độc vì bánh Trung thu
Mấy năm trở lại đây, bánh Trung thu giá rẻ và đặc biệt là bánh Trung thu handmade trở thành một trào lưu được chị em đón nhận nhiệt tình. Với tiêu chí ngon, bổ, rẻ nên ai cũng muốn tự mình làm những chiếc bánh để cả gia đình được thưởng thức trong dịp Tết Trung thu.
Công thức làm bánh Trung thu cũng không hề khó, nên chỉ cần một chút thời gian, bạn đã có thể tự làm cho mình những chiếc bánh Trung thu với nhiều loại nhân hấp dẫn. Nguyên liệu làm bánh bán đầy rẫy khắp các con phố, với đủ chủng loại, giá cả khác nhau.
Hiện nay, các loại nguyên liệu làm nhân bánh có thể dễ dàng mua được tại các chợ, cửa hàng online. Tuy nhiên, những nguyên liệu này được bày bán tràn lan mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, thường được đóng trong các túi nilon không có nhãn mác, nơi sản xuất cụ thể và giá cả thì rất rẻ.
Bánh Trung thu handmade không thể để được lâu. Nhiều người dùng cách cho vào túi nilon hút chân không hoặc để vào ngăn đá tủ lạnh. Tuy nhiên, thực tế việc để bánh vào túi hút chân không là sai lầm. Hút chân không chỉ có tác dụng với thực phẩm khô.
Trong khi đó, các loại bánh vẫn có độ ẩm nên dù có hút hết chân không thì chính cái bánh lại tự tạo ra độ ẩm cho môi trường đó, khiến vi khuẩn và nấm mốc vẫn có thể hoạt động bình thường. Bánh Trung thu có thể thể bị ôi, mốc từ bên trong nhân, nên nhìn ở bề mặt ngoài bạn khó nhận ra. Thậm chí, khi cắt bánh vẫn khó phát hiện vì nhiều loạn nhân lẫn vào nhau, dẫn tới khi ăn bị ngộ độc.
Liên quan đến loại bánh Trung thu giá siêu rẻ, Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam chia sẻ: "Để sản xuất ra một chiếc bánh nướng, bánh dẻo... phải trải qua rất nhiều quy trình, trong đó có quy trình về vệ sinh. Giá mà rẻ thì quy trình này phải thay đổi, cắt bớt quy trình, có thể quy trình vệ sinh không được kiểm tra".
Với giá 2.000 đến 5.000 đồng/chiếc bánh Trung thu, Tiến sĩ Từ Ngữ cho rằng, nó rẻ đến mức độ bất ngờ thì nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm là rất lớn. Ông cho biết, trong dinh dưỡng có một thuật ngữ gọi là thực phẩm rác. Có thể hiểu là thực phẩm lưu cữu lâu ngày, để trong tủ lạnh âm 50 độ, âm 30 độ, hết hạn sử dụng đem ra sử dụng, có giá thành khá rẻ.
Các loại bánh Trung thu không đảm bảo, ăn vào không gây ngộ độc cấp, nhưng ảnh hưởng lâu dài đến các cơ quan nội tạng như gan, thận, đường tiêu hóa nói chung. Nguy hiểm nhất là người ăn không nhận biết được hậu quả của nó, ăn vẫn thấy ngon.
Trước vấn đề này, Tiến sĩ Từ Ngữ khuyên người tiêu dùng nên chọn lựa những sản phẩm bánh Trung thu có thương hiệu, không sử dụng những loại bánh trôi nổi trên thị trường.
Với quyết tâm không cho phép tồn tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu không phép trên địa bàn, mới đây UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 164/KH-UBND về đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2018. Thành phố yêu cầu thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu.
Phải xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định pháp luật; Thanh tra, kiểm tra đúng tiến độ, báo cáo đúng thời gian, theo sự chỉ đạo thống nhất của Ban chỉ đạo công tác ATTP Thành phố. Thời gian thanh tra, kiểm tra từ ngày 20-8-2018 đến ngày 28-9-2018. Đối tượng thanh tra, kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm.
Nguồn: Tuấn Trình/CAND