Phóng sự
Bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em ngày càng nghiêm trọng
10:17, 06/09/2018 (GMT+7)
Thời gian gần đây, tại một số tỉnh thành trên cả nước liên tục xảy ra những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em mà trong số đó phần nhiều do cha dượng gây ra đối với con riêng của vợ. Thực trạng này không những gây tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần, sức khỏe, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ trong quá trình trưởng thành mà còn gây phẫn nộ trong dư luận xã hội...
1.Theo thông tin từ Công an thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 25-8-2018, tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã triệu tập Nguyễn Văn Hiếu, 32 tuổi, ngụ cùng địa phương về trụ sở để điều tra về vụ bạo hành trẻ em.
Theo đó, buổi sáng ngày 22-8, trước khi đi làm trong khu công nghiệp Phú Bài, chị Lê Thị Phương, SN 1986 (người sống như vợ chồng với Hiếu) đã nhờ Hiếu đưa con trai riêng của mình là Đặng Xuân L. đi ăn sáng rồi đưa cháu đến lớp học.
Một cháu bé ở Thừa Thiên - Huế bị Nguyễn Văn Hiếu đánh đập dẫn đến hôn mê. |
Đến khoảng 9h, Hiếu đến đón cháu L. về rồi cho ăn, nhưng do cháu bị ngộ độc thức ăn nên liên tục nôn mửa. Cho rằng cháu L. chống đối, Hiếu lấy chiếc dùi bằng gỗ đánh liên tiếp vào người rồi dùng chân đá vào bụng cháu bé.
Đầu giờ chiều, khi chị Phương đi làm về thấy Hiếu đang ôm chặt cháu bé giả bộ đang ngủ, nhưng cháu cứ la hét kêu đau vùng bụng, sau đó hôn mê bất tỉnh.
Mặc dù cháu bé đang trong cơn nguy kịch, nhưng phải đến khi chị Phương nhờ hàng xóm và chính quyền địa phương đến hỗ trợ, Hiếu mới chịu để chị đưa cháu L. đến bệnh viện khám và được các bác sỹ kết luận cháu bé bị vỡ ruột đoạn tá tràng, dập tụy và trên người có nhiều vết bầm tím do tác động ngoại lực với tỷ lệ thương tích lên đến 63%.
Một vụ việc tương tự xảy ra tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cũng hết sức đau lòng. Trưa ngày 11-8-2018, thấy cháu L.H.H cứ khóc lóc, không chịu ngủ khiến Võ Huyền Anh (cha dượng) nổi cơn điên nhốt cháu bé vào phòng, không cho ăn uống bất cứ gì cả và không cho mọi người tiếp cận.
Bị nhốt một mình, cháu H. hoảng sợ nên ngày càng la khóc lớn hơn. Thấy vậy, Huyền Anh mở cửa vào phòng dùng tay đánh nhiều nhát lên người cháu bé. Chưa hết cơn điên, Huyền Anh còn rút sợi dây nịt và một cái móc quần áo bằng kim loại đánh tới tấp khiến toàn thân cháu bé từ đỉnh đầu đến tận bàn chân có nhiều vết trầy xước, bầm tím.
Đến đêm, chị Lê Thị Ngọc Linh (mẹ cháu bé) đi làm về biết chuyện đã nhẹ nhàng khuyên can Huyền Anh, nhưng càng khuyên thì hắn càng đánh cháu bé nhiều hơn và không chịu mở cửa cho cháu bé ra ngoài.
Đỉnh điểm của vụ bạo hành, Huyền Anh vào trong khóa trái cửa dùng tay bịt miệng cháu bé để không thể khóc được. Đến khoảng 5h sáng ngày 12-8, sau nhiều giờ năn nỉ không được, chị L. buộc phải đến cơ quan Công an cầu cứu.
Nhận tin báo, Công an thị trấn An Thới đã cử một tổ công tác lập tức xuống ngay hiện trường. Sau hơn 10 phút tìm mọi cách thuyết phục nhưng Huyền Anh vẫn cố thủ bên trong nên tổ công tác cùng chính quyền địa phương buộc phải phá cửa xông vào giải cứu cháu bé đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Vụ việc khác xảy ra vào ngày 27-3-2018 tại thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An cũng đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Sáng hôm ấy, trước lúc đi làm, chị Hồ Thị Sẻ đã căn dặn rồi giao con trai riêng 2 tuổi của mình cho chồng sau là Trần Bá Thịnh trông giữ.
Chiều tối, sau khi đi làm về thì thấy mặt mũi con trai có nhiều vết bầm tím, đặc biệt hai mắt sưng to khiến cho cháu bé liên tục kêu khóc nên đã gọi Thịnh ra hỏi nhưng hắn bảo do sang hàng xóm nghịch ngợm bị té ngã. Tuy nhiên một lúc sau, cháu bé có hiện tượng sốt cao và lên cơn co giật nên chị Sẻ và người thân trong gia đình đã đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu.
Sau khi thăm khám, bác sỹ khẳng định những vết thương trên người cháu bé không phải do té ngã mà do bị tác động mạnh từ ngoại lực khiến nhiều phần trên cơ thể bị tổn thương nặng.
Trước sự động viên của các bác sỹ và những người xung quanh, ngay trong đêm, chị Sẻ đã đến cơ quan Công an trình báo và Thịnh lập tức được triệu tập lên Công an thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An để lấy lời khai ban đầu.
Lúc đầu, Thịnh một mực cho rằng cháu Hồ Phúc H. sang hàng xóm chơi bị té ngã. Tuy nhiên trước những bằng chứng không thể chối cãi và cuối cùng hắn cúi đầu nhận tội.
Cháu bé bị Võ Huyền Anh bạo hành gây thương tích toàn cơ thể. |
2. Trao đổi với chúng tôi, Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Hùng Phong - một giảng viên đại học tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: Trong đề tài nghiên cứu về tâm sinh lý trong hôn nhân gia đình kéo dài hàng chục năm qua, ông nhận thấy tình trạng bạo hành trẻ em xảy ra rất nhiều, nhưng rất ít trường hợp cha hoặc mẹ đến cơ quan chức năng trình báo.
Hầu hết những trường hợp nam, nữ đã từng đổ vỡ hạnh phúc gia đình, đặc biệt là những người ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc vùng cao ít có điều kiện giao tiếp với bên ngoài trước khi đi đến quyết định kết hôn lần tiếp theo đều không chuẩn bị cho mình những kiến thức cơ bản về tâm lý, lối sống, kinh tế, hành vi ứng xử, giao tiếp đối với người sắp kết duyên thành vợ, chồng và những thành viên riêng của đối phương để đến khi cuộc sống gia đình gặp khó khăn, vất vả thì trong đầu họ xuất hiện mâu thuẫn nội tại.
Những mâu thuẫn này thường xuất phát từ sự ích kỷ của đàn ông, đại loại như muốn la rầy, dạy bảo con riêng nhưng ngại; vợ chăm sóc con riêng quá nhiều, lấy mất thời gian riêng tư của vợ chồng, gây cản trở sự thể hiện tình cảm riêng tư… cứ lớn dần theo năm tháng nhưng họ lại không chủ động giải quyết để giải tỏa và gây ức chế tâm lý dẫn đến việc trút lên đầu các em những trận đòn roi không thương tiếc.
Trong nhiều trường hợp bị chồng bạo hành con riêng, chỉ có số ít người vợ dám tố cáo hành vi của chồng, còn lại đa số thường không dám có hành động cứng rắn để ngăn chặn vì sợ tan nát gia đình, không giám tố cáo với họ hàng, cơ quan chức năng để có biện pháp giáo dục, răn đe vì sợ xấu hổ nên cứ âm thầm chịu đựng rồi đưa con đi đến cơ sở y tế điều trị.
Sự nhu nhược này vô tình trở thành hành vi tiếp tay cho người chồng và trẻ em lại phải hứng chịu những trận bạo hành tiếp theo mà nếu hàng xóm láng giềng và cơ quan chức năng không kịp thời phát hiện có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của các bé.
Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Hùng Phong, không chỉ dừng lại ở những vụ hành hạ, đánh đập con riêng của vợ, một số trường hợp cha dượng mất nhân tính còn lợi dụng những lúc vợ vắng nhà, lúc sinh nở để giở trò đồi bại hãm hiếp con riêng của vợ, trong đó có cả những người thành đạt có nguồn kinh tế khá giả nhưng tha hóa về đạo đức đã cố tình làm hại con riêng của vợ mình.
Điển hình như vụ Đặng Văn Thanh, 30 tuổi, ngụ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, bị cơ quan Công an khởi tố về tội hiếp dâm trẻ em ngày 9-8 vừa qua là một minh chứng. Cháu bé bị xâm hại sau đó về mách mẹ, nhưng do sợ bị Thanh đánh nên bà mẹ này không dám đến cơ quan chức năng tố cáo.
Cơ quan Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Đặng Văn Thanh. |
Sự nhu nhược của người mẹ này như một sự đồng lõa giúp Thanh thực hiện nhiều lần giao cấu nữa cho đến khi cháu bé bị trầm cảm nặng, suy nhược cơ thể và có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng thì mới dám đến cơ quan Công an tố cáo.
Ông Nguyễn Văn Tính - Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao động thương binh & xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết: Trong nhiều năm qua, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em luôn được các cấp lãnh đạo thành phố đặt lên hàng đầu và thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm các biện pháp hữu hiệu nhất trong công tác tuyên truyền, giáo dục các bậc cha mẹ để họ hiểu và chăm sóc con cái (kể cả con riêng của vợ hoặc chồng) một cách khoa học, thắm tình người nhất.
Hàng năm đơn vị ông cũng đã có chương trình, kế hoạch cụ thể phối hợp với các cơ quan ban ngành từ cấp thành phố cho đến các quận, huyện và các phường, xã như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, ban quản lý các khu công nghiệp xuống từng khu phố, từng công ty xí nghiệp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ chăm sóc trẻ em.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền tuy đã kéo giảm tình trạng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em, song vẫn còn xảy ra không ít những vụ việc ở mức độ nghiêm trọng gây sốc tâm lý cho trẻ em và có cả những trường hợp trầm cảm nặng, suy sụp tinh thần, không tin tưởng vào cuộc sống và đề phòng với tất cả những người xung quanh.
Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Tính thì ngoài sự cố gắng tuyên truyền, giáo dục của các cơ quan, đoàn thể, rất cần sự tích cực hưởng ứng tham gia của các bậc cha mẹ trong những buổi tuyên truyền để nâng cao kiến thức.
Nếu không tham dự được thì nghe radio, xem trên truyền hình hoặc lên mạng tham khảo. Đặc biệt cần phải kiên quyết, không vì lý do nào đó mà làm ngơ trước những hành vi xâm hại trẻ em, nếu phát hiện thì phải báo ngay với cơ quan Công an hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tránh những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
Nguồn: CAND