Phóng sự

Lưu giữ vẻ đẹp cho mùa Trung thu

10:07, 24/09/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Trong khi có quá nhiều thứ đồ chơi bạo lực xuất hiện trên thị trường, đầu độc trẻ con, nhiều làng nghề sản xuất đồ chơi trung thu truyền thống mất đi, thì vẫn còn ở đâu đó những tấm gương giữ nghề.
 
Hà Nội là thành phố có nhiều nghệ nhân cần mẫn sáng tạo, cống hiến, tiếp tục tôn bồi giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thông qua những món đồ chơi dân dã, giản dị.
 
Những món đồ chơi đặc biệt
 
Làng nặn tò he Xuân La, xã Phượng Dực (Phú Xuyên - Hà Nội) là ngôi làng độc đáo bậc nhất mà tôi được biết. Không chỉ bởi nơi đây có nhiều nghệ nhân vẫn gìn giữ nghề truyền thống nặn tò he ở địa phương, mà còn là ngôi làng vẫn giữ phong cách cha truyền con nối, và chỉ truyền nghề cho con trai. 
Gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Thành nặn tò he.
Gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Thành nặn tò he.
Qua tìm hiểu, các nghệ nhân nói rằng, đó là nghề tổ, người ta có thể đi phổ biến, dạy dỗ cho nhiều người ở các nơi, các em học sinh, nhưng đó chỉ là dạy cho cách làm, sao cho đẹp, các món đồ chơi có hồn. Còn cái tinh túy nhất, sắc nét và độc đáo nhất thì chỉ truyền trong huyết tộc của người nghệ nhân. 
 
"Bởi thế nghề mới trở thành độc, lạ. Và chúng tôi quyết tâm giữ gìn thương hiệu ấy. Vào mùa Trung thu, chúng tôi đi làm, dạy, giao lưu, dạy cách nặn, bán đồ. Chúng tôi thắp lên tình yêu con trẻ trong mỗi món đồ chơi truyền thống để trẻ em hiểu về giá trị của mỗi con giống, món đồ và vẻ đẹp văn hóa cha ông", nghệ nhân Chu Tiến Công chia sẻ.
 
Hôm tôi về làng Xuân La, giữa lúc gia đình nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành đang nặn đồ. Lão nghệ nhân Nguyễn Văn Đĩnh cùng vợ và anh Thành vừa làm đồ vừa dạy cho con trẻ. Anh Thành bảo, dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhiều món đồ chơi con trẻ bị lãng quên, nhất là đồ chơi mùa trăng tròn. 
 
Nhưng các nghệ nhân trong làng thì luôn muốn lưu giữ và phát triển. Anh Thành hiện là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Xuân La. 
 
Qua trò chuyện, anh bày tỏ: "Chúng tôi thao thức với nghề của cha ông, một lòng yêu con trẻ vì nếu làng nghề bị mai một, không tồn tại nữa thì thật đáng tiếc. Dù đã có nhiều thứ mất đi, song có những giá trị mà chúng ta phải giữ, bởi đó là hồn cốt của dân tộc.
 
Hà Nội có lẽ là nơi còn lưu giữ được nhiều nghề và sản phẩm đồ chơi trung thu nhất. Từ nghề nặn tò he, hoa đất, chuồn chuồn tre, mặt nạ giấy bồi, đến đèn lồng, đèn ông sao, tiến sĩ giấy… 
 
Tôi đã gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, người làm đèn ngôi sao cuối cùng ở làng Hậu Ái, xã Vân Canh (huyện Hoài Đức). Hậu Ái từng là địa chỉ nức tiếng một thời với những món đồ chơi trung thu truyền thống. 
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến làm đèn ngôi sao.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến làm đèn ngôi sao.
Vào thời phát đạt, làng có tới 60% người làm nghề và hàng được người buôn đến lấy, mang đi bán khắp nơi và được trẻ con đón nhận. Gần hai chục năm nay làng nghề thủ công đã bị mai một do không phù hợp và không đủ sức cạnh tranh với các món đồ hiện đại.
 
Tôi cũng từng lạc vào làng Đàn Viên, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) để chiêm ngưỡng những chiếc đèn kéo quân tuyệt đẹp. Đây là sản phẩm mà trẻ em khu dân cư chúng tôi rất thích. 
 
Không chỉ đẹp, ngộ nghĩnh, mà bọn trẻ cũng háo hức khi nghe người lớn kể chuyện về ý nghĩa của những chiếc đèn kéo quân. Giờ đèn kéo quân được treo ở vị trí trang trọng nơi sinh hoạt cộng đồng, chúng tôi thấy ký ức hiện về.
 
"Cơm áo không đùa với nghệ nhân".
 
Cuộc sống phát triển sôi động và cũng phải khẳng định, nhiều trẻ em ngày nay thích chơi điện tử, điện thoại thông minh hơn những món đồ chơi truyền thống. Nhiều nghệ nhân mất nghề. 
 
Tìm hiểu về sự đổi khác của biết bao làng nghề truyền thống, trong đó có các làng nghề đã từng thịnh vượng với nghề làm đồ chơi trung thu, chúng tôi thấy trong đôi mắt sâu thẳm của các nghệ nhân già vẫn còn nỗi tiếc nuối. 
Vẻ đẹp của đèn kéo quân.
Vẻ đẹp của đèn kéo quân.
Hẳn nhiên, khi phát triển, chúng ta phải hy sinh nhiều thứ, nhưng mất đi nhiều làng nghề đến thế, nhiều sản phẩm đồ chơi văn hóa đến thế, là bản thân những đứa trẻ đã mất đi biết bao sự hồn nhiên trong tâm hồn. Đó là điều lo lắng của những người làm văn hóa. Đó cũng là điều đắng lòng của nhiều nghệ nhân. Nhưng cuộc sống mà, vẫn phải sống và hy vọng.
 
Niềm hy vọng ấy, đã gieo vào lòng tôi khi về làng Đàn Viên, xã Cao Viên, gặp những người tâm huyết, trong đó nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, Vũ Văn Sinh. Tiếp xúc với ông Vũ Văn Sinh, nhiều người sẽ tự hỏi vì sao ông mê mẩn với giấy, với tre, hồ dán, với những chiếc đèn cù (còn có tên khác là đèn kéo quân) nhiều năm đến như vậy? 
 
Ông Sinh bảo, làng Đàn Viên trước giờ nổi danh với nghiệp làm đèn, làm pháo. Riêng pháo thì cả nước cùng bỏ nhưng nghề làm đèn e chừng khắp Hà thành nơi đây cũng là điểm cuối cùng còn sót lại. Cứ làm ra không bán được sản phẩm, công làm của người làm nghề bằng 1/4 thợ phu hồ. Có nghệ nhân buông một câu chua chát: Rẻ rúng quá!
 
Đúng là, ai cũng phải lo chuyện cơm ăn áo mặc. Các nghệ nhân cũng không thể làm đồ mãi rồi để đó.
 
Trở lại với những nghệ nhân nặn tò he ở Xuân La, vì trăn trở, với mục tiêu giữ nghề, cách đây 10 năm anh Thành đã lắng nghe, tập trung học cho bằng được những bí kíp từ các nghệ nhân cao tuổi, để lập trang website để giới thiệu sản phẩm, bắt tay với những người trẻ tạo chỗ đứng cho sản phẩm làm nghề. 
Trẻ em vẽ mặt nạ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Trẻ em vẽ mặt nạ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Thêm nữa, anh cùng với nghệ nhân khác cũng tích cực giới thiệu sản phẩm trong các khu dân cư, khu đô thị, trường học, mang món đồ chơi này lại gần với các em nhỏ hơn.
 
Cũng mạnh mẽ, cương quyết giữ nghề làm đèn ông sao, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vẫn phải mưu sinh bằng nghề bán nước ven đường cái. Bà bảo rằng, ai cũng phải sống và phải khỏe thì mới giữ được nghề. 
 
Vào những người này, bà gác lại chuyện bán nước, vì bận túi bụi làm theo đơn hàng của các đơn vị, các nhà trường, rồi còn đi dạy, đi nói chuyện, hướng dẫn cho học sinh và thầy cô giáo. 
 
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cho hay: "Làng chỉ còn tôi giữ nghề. Mỗi năm gia đình tôi cung cấp chừng 1.700 sản phẩm. Nhìn thấy những em nhỏ tiếp xúc với món đồ chơi một cách hào hứng, tôi rất thích. Tôi thấy được trở lại ngày xưa. Nhưng những khoảnh khắc như thế rất ít. Nếu để so sánh thì trước đây, trong đêm rước đèn, phá cỗ em nhỏ nào cũng có đèn ngôi sao, nhưng giờ nhiều em không có chỗ chơi hoặc không được người lớn hướng dẫn, sử dụng đồ chơi truyền thống".
 
Bao thứ bánh kẹo, quà cáp sang trọng, xa xỉ được trao tặng cho trẻ em. Đó là việc trao niềm vui, nụ cười. Nhưng khi trao cho các em những kỷ niệm, những ước vọng và giá trị văn hóa truyền thống qua đồ chơi truyền thống, để hiểu hơn về cội  nguồn còn là sự trao truyền về văn hóa, lối sống. Điều đó, hẳn mỗi phụ huynh đều có khả năng làm được.

Nguồn: Diên Khánh/CAND

Các tin khác