Mới đây, nhờ số tạng được hiến từ 2 người bệnh ngưng tim, có 6 người đã được cứu, gồm 4 người bị bệnh thận mãn tính và 2 người bị mù lòa lâu năm. Một câu chuyện thật sự xúc động, nhân văn và đáng trân trọng!
Chết vẫn gắng hiến tạng cứu người
TS.BS. Dư Thị Ngọc Thu cho biết, đây là trường hợp hiến tạng từ người cho tim ngừng đập thứ 3 và thứ 4 ở Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và trên cả nước nói chung. 2 trường hợp này là một cụ ông (68 tuổi) bị ngã do đột quỵ và một nam thanh niên (31 tuổi) bị xuất huyết não khi đang trên đường mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm GrabBike. Với 2 trường hợp này, các bác sĩ cho rằng họ “chưa bao giờ xúc động và áp lực về chuyên môn và cả về thời gian đến thế!”.
Các bác sĩ dành phút mặc niệm người hiến tạng. |
Theo lời kể của anh Phùng Hiệu - con trai của cụ ông Phùng Văn Hinh (68 tuổi, ngụ tại Phú Lộc, Định Quán, Đồng Nai) - thì cả cuộc đời ông luôn làm những việc thiện nguyện, chăm lo cho người nghèo, cơ nhỡ. Ông Hinh đã đăng ký hiến xác tại Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh từ hơn 10 năm trước và đã làm thẻ hiến tạng tại Đơn vị Điều phối ghép tạng - Bệnh viện Chợ Rẫy vào đầu năm 2018.
Anh Phùng Hiệu cho biết, trước khi bị tai biến, ông Hinh vốn rất khỏe mạnh. Cuối mỗi tuần, ông vẫn chạy xe máy từ Đồng Nai về TP Hồ Chí Minh để thăm các con.
“Bữa đó ba tôi cũng về TP Hồ Chí Minh và khi ông đang chơi cờ với một người bạn thì bất chợt bị tai biến ngã xuống hôn mê. Khi Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin ba không thể sống được, gia đình đã báo ngay với bác sĩ ý nguyện muốn hiến tạng cứu người của ông khi còn sống.
Quyết định hiến xác hay hiến tạng cũng là một điều rất khó khăn với gia đình tôi. Tôi là con trai trưởng, đưa ra quyết định nhưng không dễ để thuyết phục được 7 anh em tôi và cả mẹ tôi nữa. Nhưng sau đó, chúng tôi thấy việc hiến tạng có thể cứu người nên đã thực hiện nguyện vọng của ba tôi”, anh Phùng Hiệu chia sẻ.
Anh Phùng Hiệu cho biết, khi còn sống, ông Hinh đã dán sẵn những mảnh giấy trên tường tại nhà ở Đồng Nai với lời căn dặn rõ ràng cho con cái rằng, khi cụ mất sẽ hiến tạng của ông để cứu những bệnh nhân không may mắn. Mỗi dịp lễ tết, con cái về sum họp, ông đều dặn nhớ thực hiện ý nguyện này của ông.
Anh Phùng Hiệu - con trai ông Phùng Văn Hinh - chia sẻ về tấm gương cả đời làm thiện nguyện của cha mình (ảnh trái) và chị Hồng Nga - chị gái của anh Nguyễn Hy Na - xúc động kể về giây phút quyết định hiến tạng em trai. |
Khi còn sống, dù buôn bán vất vả nhưng ông Hinh luôn dành ra một khoản tiền hằng tháng để làm việc thiện như phối hợp với bạn bè để cứu giúp những người gặp hoàn cảnh khó khăn hay những trường hợp bị tai nạn ở khu vực ông đang ở, hỗ trợ áo quan, giúp chôn cất cho những người nghèo. Việc thiện của ông Hinh bắt nguồn từ lần ông bắt gặp một người con gái có bà mẹ mất mà ôm thi thể mẹ gào khóc thảm thương tại khu vực sông La Ngà (nơi có nhiều nhà bè sống trên sông), chỉ vì không có tiền mua nổi chiếc áo quan làm hậu sự cho mẹ.
Từ đó, ông Hinh bàn với vợ con là lấy tiền tiết kiệm, tìm hiểu ai trong vùng có hoàn cảnh tương tự và huy động được thêm 40 người trong khu vực nơi ông ở cùng làm việc này. Đặc biệt, ông Hinh còn là một tấm gương sáng về hiến máu, đã có 50 lần hiến máu.
“Cả cuộc đời ba tôi dành nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để làm từ thiện. Tôi tự hào về những việc ba tôi đã làm. Tôi cũng vui mừng vì đã thực hiện được ý nguyện cuối cùng của ba là hiến tạng. Noi gương ông, trong tuần sau, tôi và em trai tôi cũng sẽ đến Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký hiến tạng, để có thêm nhiều người hơn nữa hiểu về công việc ý nghĩa thiêng liêng này”, anh Hiệu xúc động bày tỏ.
Đối với trường hợp bệnh nhân này, TS.BS. Dư Thị Ngọc Thu cho biết người ngưng tim hơn 60 tuổi sẽ khó lấy tạng vì chất lượng không còn tốt. Song, chính tinh thần nhân đạo, sự đồng lòng của gia đình người hiến đã giúp các bác sĩ vững tin hơn, quyết đoán nhận món quà sự sống từ sự nhiệt tình trao gửi của gia đình, nếu không sẽ có lỗi với gia đình, bệnh nhân cho tạng cũng như người bệnh đang cần tạng. Thực tế thì dù người hiến đã qua tuổi 60, nhưng các bác sĩ đánh giá chất lượng thận vẫn tốt và đã ghép cho 2 bệnh nhân suy thận.
Chạy đua với thời gian để giữ nguồn sống
Bệnh nhân thứ hai cho tạng khi tim ngừng đập là anh Nguyễn Hy Na (31 tuổi, quê Đồng Tháp, ngụ tại Bình Chánh). Chị Hồng Nga, chị gái của anh Na, kể lại, vào ngày 28-5, anh Na chạy xe chở khách từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất về Bình Dương. Sau khi trả khách, trên đường quay trở lại nhà tại Bình Chánh thì anh tự ngã xe máy, chấn thương sọ não, xuất huyết não và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Các bác sĩ tiên đoán bệnh nhân Na khó qua khỏi. Trong khi cả gia đình bối rối, chị Nga đã nghĩ đến việc hiến tạng em trai để giúp những cuộc đời kém may mắn khác. Sau khi thuyết phục, bàn bạc và được sự nhất trí của cả nhà, chị Nga trình bày ý nguyện với bác sĩ là muốn chia sẻ một phần cơ thể của em trai mình để cứu người bệnh vào những giây phút cuối của đời mình. Chị Nga nghẹn ngào chia sẻ:
“Cho đến giờ thực sự tôi vẫn không tin rằng em mình đã ra đi vì sự việc xảy ra quá nhanh. Nhưng cuộc sống có những điều xảy ra mà chúng ta không lường trước được, đòi hỏi chúng ta phải có những quyết định nhanh, có ý nghĩa. Khi em tôi còn sống, chị em tôi, gia đình tôi thực sự không nghĩ đến việc hiến tạng. Khi biết em không thể cứu được, tôi đã nghĩ rằng em chấm dứt cuộc sống đột ngột, nhưng cơ thể còn khỏe mạnh thì có thể hiến tạng để cứu những người khác”.
Niềm vui của bệnh nhân được ghép thận thành công. |
Chỉ trong vòng 12 phút sau khi nam thanh niên này qua đời, các bác sĩ đã lấy thành công 2 quả thận và bảo quản trong thời gian lọc danh sách bệnh nhân chờ ghép để chọn ra 2 người nhận tạng phù hợp nhất.
Theo chị Nga, quyết định của chị và gia đình đồng ý hiến tạng em trai là do có niềm tin tuyệt đối vào các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.
“Tôi nghĩ rằng, nếu em tôi mất đi, có chôn cất thì mọi thú sẽ tiêu tan hết. Nhưng nếu tạng được hiến để ghép cứu sống những người khác thì sẽ thật sự rất có ý nghĩa. Và mai này biết đâu tôi may mắn lại có thể thấy được hình bóng của em trai mình ở đâu đó”, chị Nga chia sẻ.
Về phía các bác sĩ, họ cũng phải chịu rất nhiều áp lực nặng nề, đó là phải tập trung tối đa lực lượng, cố gắng không thất bại để khỏi phụ lòng người đã hiến, cũng như gia đình người có tâm nguyện hiến tạng.
“Dù tất cả các trường hợp hiến tạng đều làm chúng tôi có những cảm xúc rất riêng biệt nhưng nhớ lại lúc đó cho đến giờ tôi vẫn thật sự xúc động - nhiều anh chị em của em Na liên tục thay phiên hồi sức cho quả tim được đập cho đến khi chúng tôi đến. Dù vậy, tim đã ngừng đập không thể lưu thông máu đến nuôi các bộ phận khác. Tuy nhiên, chúng tôi đã chạy đua với thời gian để lấy được 2 quả thận để ghép cho người khác”, TS.BS. Dư Thị Ngọc Thu nhớ lại.
Theo GS.TS.BS. Trần Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam (nguyên Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy), trước đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã lấy tạng từ người chết não để ghép; song ở người chết tim, bác sĩ phải cần chạy đua với thời gian mới gìn giữ được món quà sự sống đem đến người nhận. Bởi do tim ngừng đập đột ngột trong quá trình hồi sức nên số cơ quan hiến tặng bị giảm đi so với sự tình nguyện hiến tặng trước đó.
Nhưng chính nhờ tấm lòng, hiểu biết và quyết tâm của gia đình trong thời khắc sinh tử đã tạo thuận lợi giúp bác sĩ hoàn thành tốt trách nhiệm bảo vệ và chuyển giao được những món quà đầy tình người này đến 6 người bệnh một cách an toàn.
Và kết quả vô cùng tốt đẹp và ý nghĩa là với số tạng hiến của 2 bệnh nhân ngưng tim này đã cứu sống được 6 người bệnh với 4 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối ghép thận và 2 người bệnh mù được sáng mắt. Đáng nói là trong 4 người bệnh thận mãn tính, có người đã phải chạy thận suốt 13 năm, có người tuổi đời còn rất trẻ.
“Ca ghép thành công. Ngay sau khi được ghép tạng, các bệnh nhân đều hồi phục rất tốt và đã được xuất viện”, TS.BS. Dư Thị Ngọc Thu vui mừng cho biết.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thì hiến tạng từ người cho tim ngừng đập là một dạng hiến tạng mở rộng, đã được các nhà khoa học trên thế giới chấp nhận để có thể làm giảm đi số lượng người chờ được ghép cơ quan. Mặc dù sự hồi phục chức năng cơ quan sẽ chậm hơn đối với tạng hiến từ người cho sống hay người cho chết não. Nhưng theo dõi lâu dài thì kết quả vẫn không thua kém với 2 loại hiến tặng vừa nêu trên.
GS.TS.BS. Trần Ngọc Sinh cho biết thêm, phương pháp này có thể gặp nhiều khó khăn hơn so với phương pháp ghép thận từ người cho sống hay ghép thận từ người cho chết não. Tuy nhiên, thành quả của kỹ thuật ghép từ người cho tim ngừng đập giúp người bệnh có thêm nguồn nhận tạng hiến, mở ra cơ hội sống cho rất nhiều người bệnh đang trong tình trạng suy thận giai đoạn cuối.
Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, trên thế giới đã triển khai đến việc nhận ghép gan, tim, phổi từ người cho tim ngừng đập. Và Bệnh viện Chợ Rẫy cũng mong muốn có thể thực hiện được trong tương lai.
Theo một số liệu thì hiện nay có khoảng 16 ngàn người trên cả nước bị suy gan, tim, thận, phổi... đang chờ được ghép tạng và khoảng 6.000 bệnh nhân hỏng giác mạc chờ ghép, tuy nhiên, số lượng cho tặng rất ít. Đáng mừng là tại Bệnh viện Chợ Rẫy hiện có gần 700 đơn tự nguyện hiến tạng cứu người khi chẳng may qua đời.