(Congannghean.vn)-Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) đặt ra trong năm 2018 là tiếp tục chấn chỉnh, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản của Nhà nước; không để hình thành, phát sinh “điểm nóng” về khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi lòng sông và cửa biển. Trên thực tiễn, vì nhiều lý do khác nhau, một số cá nhân, tổ chức vẫn âm thầm “rút ruột” các tuyến sông, đặt ra thách thức không nhỏ cho lực lượng chức năng.
Cán bộ Đội 3, Phòng Cảnh sát Môi trường lấy lời khai người vi phạm |
Không lơi là nhiệm vụ
19 giờ 30 phút ngày 15/5, sau hơn 3 ngày trinh sát, nắm tình hình tại các tuyến sông thuộc 2 huyện Thanh Chương và Nam Đàn, cán bộ Đội 3, Phòng CSMT tiến hành xuất quân. Sau khi báo cáo và xin ý kiến lãnh đạo đơn vị, được sự đồng ý của Thượng tá Trần Phúc Thịnh, Trưởng phòng, chỉ huy và cán bộ trong Đội quyết định triển khai phương án đấu tranh với hành vi khai thác cát, sỏi trái phép.
Tại khúc sông xóm 1, xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương, tổ công tác của Đội 3 chia làm 3 mũi đấu tranh. Qua công tác nắm tình hình, Tổ công tác biết rõ, địa điểm này thường tập trung một số thuyền khai thác cát trái phép. Đa phần các thuyền đều hoạt động về đêm nên dù gặp nhiều khó khăn khi triển khai nhiệm vụ nhưng chỉ huy, cán bộ Đội vẫn thể hiện sự quyết tâm cao nhất, không để phát sinh “phức tạp”.
Đến giữa đêm, các thuyền lần lượt xuất hiện. Lúc này, cách nhau từng 300 - 400 m, các thuyền tăng hết công suất để hút cát trong lòng sông. Chiếc nhỏ thì công suất 15CV, cao hơn thì 25CV xoay trở liên tục. Xác định phải bắt quả tang, không để các đối tượng bỏ trốn, Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Đội trưởng Đội 3 quyết định để 3 mũi công tác tạo thành 3 gọng kìm bám sát, tạo thế vòng vây.
Phát hiện lực lượng chức năng, nhiều thuyền khi đã gần khai thác xong đã nhanh chóng dừng lại, tăng tốc bỏ trốn, vượt lên phía trên. Tuy nhiên, kế hoạch trên của những người vi phạm đã không thể thực hiện thành công. Tổ công tác thứ nhất gồm Trung tá Phan Song Hiếu, Trung tá Hoàng Việt Hưng, Thượng úy Nguyễn Duy Hưng với chiếc xuồng vừa được trang cấp đã nhanh chóng tăng mã lực, vút lên chặn lại. Ở phía dưới, Trung tá Nguyễn Văn Tùng và Đại úy Hoàng Văn Hùng cũng đã kịp tạo gọng kìm, không cho đối tượng bỏ thoát. Toàn bộ tang vật bị tạm giữ.
Ngay trong đêm, các cán bộ trong Đội 3 đã lấy lời khai, lập hồ sơ và đưa tang vật về địa điểm tập kết. Lần này, đã có 6 người vi phạm bị phát hiện, gồm: Nguyễn Văn Thân (SN 1983), Nguyễn Thị Bình (SN 1978), Nguyễn Văn Sáng (SN 1978), Nguyễn Văn Bình (SN 1971), cùng trú tại thị trấn Thanh Chương; Phạm Viết Nga (SN 1991), Nguyễn Văn Tân (SN 1981), cùng trú tại xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương; thu giữ 80 m3 cát các loại.
Điểm đặc biệt trong chuyến đi này là, ngoài thực hiện nhiệm vụ thông thường như các lần trước, các cán bộ trong Đội còn sử dụng chiếc xuồng mới được lãnh đạo Công an tỉnh cấp duyệt. Sau khi hạ thủy trước đó 1 tuần, chiếc xuồng đã được các trinh sát sử dụng, nhằm tạo thuận lợi, cơ động hơn trong việc nắm tình hình và triển khai các phương án phát hiện, bắt giữ các trường hợp vi phạm. “Trước đây, chúng tôi thường phải thuê xuồng để di chuyển trên các tuyến sông. Được sự quan tâm của lãnh đạo Công an tỉnh và đơn vị, đầu năm 2018, Đội được trang cấp thêm 1 xuồng, tạo sự chủ động cho CBCS khi thực hiện nhiệm vụ”, Trung tá Nguyễn Văn Tùng cho biết thêm.
Vẫn còn đó những gian nan
Trong quá trình kiểm tra dọc sông Lam, các trinh sát Đội 3 phát hiện, ngoài khu vực đã bị phát hiện trên xã Thanh Đồng, khu vực bến đò Nam Thượng, huyện Nam Đàn, hoạt động khai thác cát trái phép trong những ngày gần đây đang bắt đầu “nóng” lên. Vì thế, khi vừa kết thúc chuyến đi tại huyện Thanh Chương, Tổ công tác Đội 3, Phòng CSMT lại tiếp tục xuôi xuống dưới. Mục tiêu cao nhất là không để hình thành “điểm nóng” về khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi lòng sông.
Đấu tranh với tình trạng khai thác cát trái phép là quá trình gian nan, nhiều thử thách |
Dọc tuyến sông Lam chạy qua địa phận huyện Nam Đàn, bến Nam Thượng được ví như hòn đảo ngọc. Sở dĩ có sự so sánh như vậy là bởi lẽ, do địa hình, khúc eo nơi đây tập trung trữ lượng cát khá lớn. Địa hình cũng dễ khai thác, không quá nông để bị mắc cạn, nhưng không quá xa khiến việc khai thác khá thuận lợi. Phát hiện điểm này, một số người dân đã tranh thủ “tận dụng” để khai thác, dù biết đó là trái pháp luật.
Trên thực tế, tại khúc sông này cũng có một điểm khai thác được cấp phép, nằm trong sự quản lý của Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành. Tuy nhiên, do trong mỏ, nên khai thác mất nhiều thời gian hơn, cát chất lượng kém mà trữ lượng ít. Dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng trong thời gian gần đây, nhiều hộ dân vẫn tiếp tục khai thác ở ngoài khu vực mỏ, với tần suất dày đặc hơn.
Nắm bắt thông tin, ngay tối 16/5, Đội 3, Phòng CSMT quyết định triển khai kế hoạch đấu tranh. Bí mật theo dõi, đến 21 giờ, phát hiện 3 thuyền xuất hiện khai thác cát. Lần lượt các máy hút cát được đưa ra hoạt động. Sau đó khoảng 30 phút, xuất hiện thêm 4 rồi 5 thuyền nữa. Cứ cách vài trăm mét, các thuyền liên tục hoạt động, sáng cả một khúc sông. Xác định thời điểm đấu tranh đã đến, Tổ công tác tiếp tục khép chặt vòng vây, vừa tuyên truyền người dân dừng lại hành vi vi phạm pháp luật, vừa nhắc nhở không được trốn chạy. Tuy nhiên, 2 thuyền công suất 24CV ở vị trí phía trên, vừa thấy bóng lực lượng chức năng, đã nhanh chóng dừng ngay hoạt động khai thác, cho thuyền bỏ trốn.
Trung tá Nguyễn Văn Tùng liền yêu cầu mũi thứ nhất ở lại giữ các thuyền vi phạm, rồi cùng 2 cán bộ tiếp tục đuổi theo. Xuồng lao đi vun vút trong đêm. Nhiệm vụ quan trọng lúc này là vừa đảm bảo an toàn cho cán bộ và người dân, đồng thời, không để người vi phạm và tang vật trốn thoát. Mãi đến 3 giờ sáng 17/5, 2 chiếc thuyền bị bắt giữ. Tất cả thuyền được đưa về tập kết gần bến đò Nam Thượng để xử lý. Đã có 8 trường hợp vi phạm bị lập biên bản xử phạt hành chính với tổng trữ lượng cát khoảng 160 m3.
Ông Hà Văn Chiến (SN 1978) trú tại thị trấn Nam Đàn, 1 người vi phạm cho biết: Bến Nam Thượng thuận thì thuận, nhưng cũng dữ lắm. Ở đây đã có không ít người bị bỏ mạng vì xoáy nước ở gần bờ. Biết là nguy hiểm, lại vi phạm pháp luật, nhưng trong mỏ khai thác khó quá, nên mới ra đây hoạt động. Cùng lý do như ông Chiến, anh Nguyễn Viết Sơn (SN 1975) trú tại thị trấn Nam Đàn cũng cùng vợ và 2 người con ra đây khai thác cát. Đầu tư hơn 400 triệu đồng vào chiếc thuyền, tăng công suất và trữ lượng mới giúp ông và gia đình mưu sinh khi không còn phương án nào khả dĩ hơn.
Trên thực tế, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp trong nhiều năm trở lại đây. Qua công tác nắm tình hình, Phòng CSMT thường xuyên tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tích cực vận động, nhắc nhở để người dân không tái phạm. Tuy nhiên, về vấn đề này, trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhất là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm vẫn còn chưa thực sự quyết liệt. Với phương tiện ít, cán bộ phụ trách nhiều tuyến, lực lượng CSMT đã phải rất nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ.
“Trên cơ sở thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi để kịp thời phát hiện bất cập, sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản. Từ đó, kịp thời kiến nghị các ngành, các cấp có thẩm quyền chấn chỉnh, khắc phục. Quá trình triển khai, đơn vị đã tập trung đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ngành chức năng, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, đảm bảo ANTT trên địa bàn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tổ chức, doanh nghiệp, công dân. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch, phương án ở nhiều khu vực, địa điểm”, Thượng tá Trần Phúc Thịnh, Trưởng phòng CSMT cho biết.