Phóng sự
Đáng buồn hơn cả thiên tai
Bão lũ làm thiệt hại cho đời sống nhân dân là điều không thể nói trước bởi đó là chuyện của thiên tai, địch họa. Song, có một tai họa khác cũng làm ảnh hưởng đến nhân dân không kém gì thiên tai...
Khúc ruột miền Trung lại đắm mình trong bão dữ, những bi thương chia ly, những khói hương đưa tiễn, những căn nhà là gia sản một đời đổ ập, những vụ mùa của hy vọng tan biến… Bão về rồi bão đi, cuốn theo bao nhiêu nụ cười chỉ còn để lại những nỗi niềm hiu hắt khôn nguôi. |
1. Mùa mưa bão, miền Trung lại oằn mình chống chọi với thiên tai. Những cơn bão lũ đi qua để lại biết bao mất mát cho bà con nơi đây, cả về người và của. Mỗi lần nghe tin bão lũ về, lòng lại xót xa. Thiên nhiên sao khéo thử thách lòng người, có những năm cứ bão lũ triền miên, cơn bão này đi qua, ngoài khơi xa lại hay tin một cơn bão khác tới. Không biết, con người phải kiên cường đến mức nào cho đủ!
Tôi có người bạn ở miền Trung về thăm nhà đúng đợt bão số 10 vừa rồi. Bạn tận mắt chứng kiến quê nhà bị tàn phá bởi bão. Đó là hàng chục nghìn căn nhà bị hư hỏng và đổ sập, nhiều hecta hoa màu, cây trái bị cuốn theo cơn bão. Bạn gửi cho tôi bức ảnh chụp vườn cây của ba mẹ và nhắn: "Vườn cây ông bà cực khổ trồng bao năm, cơn bão nay đi qua, gãy sạch hết rồi!". Tôi không biết nói với bạn thế nào, tôi cũng không muốn an ủi bằng những lời sáo rỗng, tôi biết lòng bạn rất ngổn ngang…
Năm trước, tôi có đi cùng đoàn công tác đến thăm và tặng quà cho bà con ở một số địa phương miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ. Có tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu hết được những gian nan, cơ cực nơi đây.
Tôi trò chuyện với bà cụ đến nhận quà ở xã, bà nói nhà có đàn gà mà lũ cuốn trôi mất hết. Còn tất nhiên vườn cây ăn trái đang trĩu quả cũng không còn, nguồn thu nhập của gia đình gần như mất trắng! Không riêng gì bà, rất nhiều nhà khác đã có những lần rơi vào cảnh "mất hết" như thế, thậm chí là sau một đêm, khi bão đi qua, nhà cửa đang ở cũng không còn nữa!
"Tình người sau bão lũ", chúng ta đã nói, đã nghe và thấy nhiều về điều này. Đó là hàng triệu trái tim hướng về vùng đang hứng chịu hậu quả thiên tai. Đặc biệt, hình ảnh những người lãnh đạo đội mưa gió đi thị sát, trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục thiên tai tại địa phương đã để lại nhiều cảm xúc với nhân dân.
Như vừa qua, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến vùng tâm bão số 10 đi qua để thăm hỏi, động viên bà con và trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục sau bão. Có thể nói, giữa những mất mát do mưa bão, một sự ấm áp và hy vọng lại được cất lên mạnh mẽ. Lãnh đạo gần dân, quan tâm và biết nghĩ đến nhân dân, nhất là trong những lúc khốn khó luôn là điều mà người dân mong muốn.
Minh họa: Lê Phương. |
2. Về cơ bản, nước ta còn khó khăn, nhất là những nơi thường xuyên hứng chịu thiên tai như miền Trung hay vùng núi đồi Tây Bắc. Họ rất cần những sự hỗ trợ để khôi phục cuộc sống, để vươn lên.
Nhắc đến điều này, lại nghĩ đến những công trình, dự án đầu tư công làm thất thoát hay bị đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Những số tiền đó nếu được hỗ trợ kịp thời cho bà con, họ sẽ có cơ hội tốt hơn để khôi phục cuộc sống sau thiên tai; nhà cửa của họ sớm được dựng lại, những cây cầu lại được bắc qua sông, học sinh sớm được đến trường…
Không biết những nhà làm dự án, làm thất thoát tiền của nhân dân có nghĩ đến điều này hay không?! Có lẽ là không, họ quá bận với những chuyện khác!
Nói không xa, ngay tại địa phương, nhân dân đôi khi cũng không được cán bộ địa phương vốn là người gần nhân dân nhất, quan tâm đúng mực. Có khi chỉ vì phong trào, vì "thành tích" mà sự bình yên ở thôn làng bỗng chốc bị phá vỡ, như trong câu chuyện xây dựng nông thôn mới.
Theo số liệu thống kê sau 5 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, nợ đọng là hơn 15.000 tỉ đồng. Có tổng số 3.637 xã có nợ đọng, chiếm 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỉ đồng/xã.
Điều đáng nói là những khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước cũng là khu vực có mức nợ đọng cao nhất nước. Và nợ đọng tập trung ở khu vực Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc. Đó là những địa phương mà đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn do thường xuyên đối mặt với thiên tai.
Công bằng mà nói, chúng ta không thể phủ nhận những kết quả mà phong trào xây dựng nông thôn mới mang lại. Phong trào này đã mang lại bộ mặt mới cho nông thôn, đó là những con đường bêtông, là những nhà văn hóa khang trang, là những mái chợ kiên cố,…
Tất nhiên, giá trị nông thôn mới không chỉ là cái vỏ hình thức của làng quê mà là một giá trị mới của nông thôn Việt Nam. Và chắc chắn việc trở thành những "con nợ nông thôn mới" không phải là một giá trị để theo đuổi.
Nhưng có một thực tế là những con nợ nông thôn mới thì càng nhiều sau mỗi năm, những ngôi chợ hàng chục tỷ bỏ hoang cứ dần xuất hiện trên khắp đất nước. Và hình ảnh đồng bào trong các thôn bản ngơ ngác trước những bức tường xa lạ giữa núi rừng; là những người dân mệt mỏi bởi những khoản thu trên đầu người mà địa phương gọi là "huy động sức dân" để xây dựng nông thôn mới!
Có lẽ cũng từ đó mới có chuyện những sinh viên không thể vào giảng đường đại học, những người chết không được đưa tang vì gia đình chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng góp. Lúc này, rõ ràng là các thiết chế văn hóa để được công nhận nông thôn mới đã gián tiếp phá hoại sự bình yên của các làng quê!
Mong muốn nông thôn mới sẽ tạo nên sự phát triển bền vững của đời sống làng quê, kiến tạo nên cơ hội làm giàu, cơ hội sống bình yên và hạnh phúc của người dân đã ít nhiều bị lệch mục tiêu. Nhiều địa phương đã xây dựng nông thôn mới theo kiểu phong trào, hình thức, theo tư duy thành tích nên có những chủ tịch xã phải chạy đi vay tiền làm nông thôn mới để được công nhận.
Rồi những khoản nợ đó sẽ được trả thế nào? Phải chăng nó sẽ trở thành gánh nặng cho người dân, nhất là những người ở miền Trung, miền núi phía Bắc vốn đã có nhiều khốn khó!?
Bão lũ làm thiệt hại cho đời sống nhân dân là điều không thể nói trước bởi đó là chuyện của thiên tai, địch họa. Song, có một tai họa khác cũng làm ảnh hưởng đến nhân dân không kém gì thiên tai, đó là "nhân tai". Hay nói đúng hơn đó là những việc làm, những quyết sách mà trong đó, lợi ích của nhân dân không được quan tâm đúng mực, thậm chí là không hề xuất hiện!
Có lẽ, đây là điều còn đáng buồn hơn cả thiên tai…
Nguồn: ANTG/Báo CAND