Phóng sự
Khu tái định cư Khe Mừ đang bị tái lấn chiếm đất
(Congannghean.vn)-Do thiếu vốn thi công, Dự án tái định cư làng chài ven sông Lam ở xóm Khe Mừ, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An bỏ hoang nhiều năm nay. Gần đây, một số hộ dân trên địa bàn xã Thanh Thủy đã tái lấn chiếm khu đất mà trước đó Nhà nước đã thu hồi bàn giao cho dự án để trồng cây công nghiệp… Về lâu dài, nếu không có hướng giải quyết dứt điểm sự việc trên, khi dự án tái khởi động sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi mặt bằng để thi công.
Người dân phát đốt khu rừng đã được Nhà nước thu hồi để trồng keo |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 21/4/2009, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định 1479 về việc cho phép lập dự án: Xây dựng mẫu các khu tái định cư (TĐC) cho hộ dân vạn chài trên sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn huyện Thanh Chương. Theo Quyết định này, gần 300 hộ dân chài ven sông Lam sẽ được bố trí tại khu TĐC Khe Mừ, xã Thanh Thủy và khu TĐC Triều Dương, xã Thanh Lâm (Thanh Chương). Ngày 7/5/2010, Dự án TĐC làng chài tại Khe Mừ, xã Thanh Thủy và Triều Dương, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương được khởi công. Dự án do Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư, số vốn ban đầu được duyệt là 74 tỉ đồng, sau khi điều chỉnh quy hoạch lần hai với tổng mức dự án gần 84 tỉ đồng.
Để triển khai dự án khu TĐC Khe Mừ, chủ đầu tư đã tiến hành thu hồi gần 300 ha đất sản xuất của 49 hộ dân. Sau khi có chủ trương thu hồi đất của Nhà nước, người dân có đất sản xuất tại khu vực Khe Mừ, xã Thanh Thủy đã nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, nhanh chóng thu hoạch hoa màu, sản vật trên đất… sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa máy móc, nhân lực rầm rộ đến công trường thi công, dự án này chững lại, sau đó thì dừng hẳn. Do vậy, hiện một số hạng mục công trình đang dở dang, bắt đầu hư hỏng, xuống cấp. Dự án TĐC nhiều năm bỏ hoang hàng trăm ha đất rừng, thấy xót của, mới đây một số hộ dân trên địa bàn xã Thanh Thủy đã tái lấn chiếm đất của dự án để trồng cây công nghiệp (chủ yếu cây keo lai), một số gia đình chăm sóc lại vườn chè…
Về phía chính quyền địa phương, trao đổi với chúng tôi, ông Phan Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: Về việc người dân tái lấn chiếm đất dự án đã thu hồi để trồng cây, sau khi nắm được thông tin, chúng tôi đã có văn bản thông báo đến người dân trên địa bàn, khẳng định đó là đất đã được Nhà nước thu hồi bàn giao cho dự án TĐC, người dân không được lấn chiếm canh tác. Sắp tới, UBND xã sẽ lập tổ xác minh rà soát các hộ dân đã tái lấn chiếm đất trồng cây, buộc họ cam kết phải trả lại đất khi dự án tái khởi động; đồng thời, cấm tuyệt đối, không để phát sinh diện tích tái lấn chiếm mới.
Lãnh đạo Chi cục NN&PTNT - chủ đầu tư dự án trên cho rằng, mặt bằng khu TĐC Khe Mừ đã được bàn giao cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên dự án hiện vẫn chưa hoàn thành bàn giao. Dự án nằm trên địa bàn xã Thanh Thủy, địa phương phải có trách nhiệm quản lý, không để người dân tái lấn chiếm đất. Chi cục NN&PTNT cho biết, sẽ cử cán bộ lên kiểm tra, thống kê diện tích khu TĐC đã bị người dân tái lấn chiếm để có hướng xử lý kịp thời.
Bài học kinh nghiệm của dự án thủy lợi bản Mồng vừa qua là một minh chứng cho việc dự án để người dân tái lấn chiếm đất trồng cây công nghiệp trong thời gian dài. Huyện Quỳ Hợp và các ngành chức năng đã mất rất nhiều thời gian, kinh phí để tuyên truyền, giải thích, đền bù, hỗ trợ cho những hộ dân tái lấn chiếm đất. Biện pháp cuối cùng là phải cưỡng chế, bảo vệ thi công những hộ không chịu bàn giao mặt bằng đã lấn chiếm.
Đức Thắng