Phóng sự

'Tử thần' ở miền biên viễn

08:13, 22/09/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Những năm qua, nạn nghiện hút ma túy làm cho số người mắc và chết vì HIV/AIDS ở Hà Giang đến mức đáng lo ngại, đến ngưỡng báo động. Không ít gia đình rơi vào cảnh khốn đốn, nhiều phụ nữ dưới 40 tuổi góa chồng và trẻ em mồ côi cha...
 
Một đoạn đường, có gần chục… bà góa!
 
Đa số những đối tượng nghiện hút và chết vì HIV/AIDS là những người đang trong độ tuổi lao động. Nói đến nghiện hút ở mảnh đất địa đầu này, ngoài thành phố Hà Giang, người ta hay nhắc tới Vị Xuyên, mà “trung tâm” là thị trấn Việt Lâm. Nếu tính từ Km26 tới chợ Vạt, chỉ có 3 cây số mà có tới gần chục bà góa, kéo theo đó là không ít những đứa trẻ mồ côi cha.
 
Ngay đầu thị trấn là “vết tích” về một mái ấm của gia đình D. Nhà đông anh em, đang học lớp 9, D. phải bỏ học vì cha bị tai biến. Không việc làm, bà mẹ nghèo gửi D. theo người anh rể làm ăn. Đáng tiếc thay, người anh rể buôn bán phất phơ này lại là một con nghiện có thâm niên. Theo anh rể chưa đầy 1 năm, làm ăn tiền nong chưa thấy đâu mà mắt D. đã lồi ra như mắt con chuồn chuồn vì… nghiện. Từ “hàng đen” sang “hàng trắng”, từ “hút hít” sang “châm chọc”. Còn khỏe thì còn tiền “châm”, ốm yếu, hết tiền thì trộm cắp. “Sau vài năm dặt dẹo, mới đây, D. đã “nhập kho 24” (Nghĩa địa Km 24, đường Hà Giang - Hà Nội), một bác sỹ ở địa phương kể với chúng tôi.
Nhìn những đứa bé mồ côi cha mẹ, nhiều người ước ao rằng giá như cơn bão “ết” chưa từng đến đây
Nhìn những đứa bé mồ côi cha mẹ, nhiều người ước ao rằng giá như cơn bão “ết” chưa từng đến đây
Ở thị trấn Việt Lâm người ta cũng thường nhắc đến gia đình ông Ph. Ông có 5 mặt con thì tất thảy đều nghiện và chết vì AIDS. Ông không “quản” được gia đình, vợ ra tù vào tội như cơm bữa, con thất học, chưa đủ tuổi công dân đã dính án chờ ngày nhập trại. Thằng anh nghiện rồi đến thằng em…
 
Trong các trường hợp chết vì AIDS mà chúng tôi biết được, có lẽ tội nhất là B., con trai ông Đ. Ông trước là quân nhân, sau chiến tranh về Nông trường Việt Lâm làm công nhân rồi lấy vợ, sinh được hai trai, hai gái. Người ta nói cái số ông khổ, gần chạm tuổi năm mươi thì vợ chồng ly thân, con cái ly tán, đứa đầu lấy chồng rồi bỏ, cuộc sống bê bết.
 
B. lớn lên đi làm cầu đường, rồi lấy vợ, sinh được một đứa con trai. Đang làm ăn ngon lành, không hiểu ma xui quỉ khiến thế nào dính ngay vào một con nghiện nặng, kiêm buôn bán ma túy nhỏ lẻ. B. bị công an bắt trong lúc mang hàng đi bán lẻ. Vào trại được một thời gian ngắn thì được trả về vì B. dính AIDS quá nặng. B đã chết sau đó vài tháng.
 
Nước mắt người “chạm mặt tử thần”
 
Nhìn những đứa bé mồ côi cha mẹ, nhiều người ước ao rằng giá như cơn bão “ết” chưa từng đến đây
 
Ở TP Hà Giang, ông V. Phó giám đốc một công ty danh giá có cậu con trai duy nhất là một giáo viên trung học. Cuộc sống đang hạnh phúc thì đùng một cái người ta phát hiện cậu quý tử bị AIDS, sau đó qua đời, bỏ lại cô vợ 25 tuổi và đứa con gái kháu khỉnh.
 
Trước khi chết, cậu quý tử nói với cả nhà là đã thử “chích” một lần hồi đi học bên Thái Nguyên do bị đám bạn lôi kéo. Cậu con trai chết đã là một điều đau đớn cho gia đình, dòng họ thì đùng một cái, vài tháng sau, ông V. cũng chết vì AIDS khiến làng xóm xôn xao không hiểu vì lý do gì.
 
Ở thị trấn Việt Lâm còn có ông thầy cúng tên Tr. Ông này trước làm công nhân chăn bò ở nông trường chè. Ông sinh được năm người con, ba trai, hai gái. Ngày nghỉ mất sức lao động, bỗng ông Tr. nổi lên như một hiện tượng về cách chữa bệnh bằng việc cúng bái “bắt” tà ma. Không biết cái uy lực “ăn cơm trần gian, công cán âm phủ” của ông ra sao, song người ta đồn đại thì ghê lắm.
 
Ông Tr. xây cái điện thờ to tướng, tiền công đức cũng nhiều nên ba đứa con trai chẳng phải làm gì mà vẫn có tiền ăn tiêu phè phỡn. Trong lúc cái “danh” của người cha đang “nổi như cồn” thì hai đứa con trai phản ứng dương tính với HIV rồi chết. Công lao chăm nuôi con cái khổ sở hai mươi mấy năm trời bỗng chốc đổ xuống sông, xuống bể. Con chết, ông Tr cũng không được thiên hạ “tín nhiệm” nữa. Ông Tr. hóa thành người điên dở lúc nào không hay.
 
Chị M. cũng là một trong số những phụ nữ đáng thương vì hệ lụy của căn bệnh thế kỷ. Chị có hai đứa con, một trai một gái. Nhà không có đàn ông nên mọi thứ trong gia đình đều đổ lên vai người phụ nữ khốn khổ. Hai đứa nhỏ không người kèm cặp.
 
Đứa con gái lớn lên bỏ nhà đi hoang đến khi trở về thì chỉ còn là cái xác không hồn, rồi uống thuốc sâu tự tử vì thất tình. Đứa con trai lấy vợ sinh con nhưng rồi nghiện nặng. Để có tiền “chích choác” không có gì nó không dám trộm cắp. Điều ong tiếng ve, uất quá chị M. đã thắt cổ tự tử kết thúc một kiếp người khốn khổ.
 
Những bản cáo phó có chung… phần cuối
 
Ngồi với mấy người bạn vong niên quen nhau thời đại học trong một buổi chiều mưa, họ bảo: “Nếu anh lên cách đây bốn năm thì cứ cách vài ngày lại có một cáo phó với phần cuối giống hệt nhau: Chết vì bệnh hiểm nghèo”. Cái “bệnh hiểm nghèo” này đa phần là AIDS, là hệ lụy của ma túy!
 
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên liên tục thở dài và ao ước rằng giá như nghiện hút, dịch bệnh HIV/AIDS chưa từng đi qua và tàn phá vùng quê này. Ông Đoàn cũng thừa nhận rằng vài năm trước, số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS của huyện Vị Xuyên nằm trong tình trạng báo động.
 
“Ma túy, mại dâm chính là con đường ngắn nhất dẫn đến căn bệnh thế kỷ này. Xác định đây là vấn đề nghiêm trọng, huyện đã chỉ đạo Trung tâm y tế huyện cử nhân viên về tận các thôn bản để làm xét nghiệm sàng lọc tại chỗ cho người dân. Đối với những người đã bị nhiễm HIV, cán bộ y tế từng bước tiếp cận, động viên họ vượt qua sự lo lắng sợ hãi. Nhờ sự hỗ trợ và tuyên truyền của cơ quan chức năng, khoảng 3 năm nay căn bệnh HIV/AIDS tại Vị Xuyên đã được khống chế”, vị Chủ tịch huyện chia sẻ.
 
Bà Nguyễn Thị Hồ, Chủ tịch UBND thị trấn Việt Lâm cho biết, thị trấn có số người nhiễm HIV/AIDS cao thứ 3 trên toàn tỉnh. Để giảm thiểu tình trạng này, thị trấn đã tăng cường các hoạt động can thiệp giảm tác hại được triển khai. Các cán bộ đã tiếp cận đối tượng nguy cơ cao phân phát được hàng vạn bơm kim tiêm sạch và hàng chục ngàn bao cao su cho đối tượng nguy cơ cao. Từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức và thực hành các hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm nguy cơ cao, hạn chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
 
Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Hà Giang, sau 18 năm kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Hà Giang đã phát hiện hơn 1.500 người nhiễm HIV/AIDS tại 116/195 xã phường của 11 huyện và thành phố. Ban đầu chỉ với 12 bệnh nhân được quản lý điều trị thì hiện nay toàn tỉnh số bệnh nhân tăng lên là 549 người, 76% số người nhiễm HIV được quản lý. Để chủ động ngăn chặn và đẩy lùi dịch HIV/AIDS, Hà Giang đã và đang triển khai các biện pháp tuyên truyền, phòng tránh một cách nghiêm túc, có hiệu quả, nhằm làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của mỗi người trong cộng đồng.

Nguồn: Tiengchuong.vn

Các tin khác