Phóng sự

Cái kết đắng của những người thích tung tin giả để được… nổi tiếng

10:03, 21/09/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Nhiều người đã bịa ra những thông tin sai sự thật nhằm mục đích tăng lượng người theo dõi hoặc đơn giản là thích nổi tiếng. Vụ việc tung tin đồn án mạng "chặt đầu" tại Royal City (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) mới đây là một điển hình.
 
Từ khi Facebook phát triển tại Việt Nam, sức mạnh của thông tin trên cộng đồng mạng này khá mạnh. Nhờ đó, người dùng có thể kiếm bộn tiền trên Facebook chỉ nhờ vài câu quảng cáo bằng một tài khoản cá nhân có nhiều người theo dõi. 
Đào Ngọc Khánh tại cơ quan Công an
Đào Ngọc Khánh tại cơ quan Công an
Có lẽ vì lí do đó, nhiều người đã bịa ra những thông tin sai sự thật nhằm mục đích tăng lượng người theo dõi hoặc đơn giản là thích nổi tiếng. Vụ việc tung tin đồn án mạng "chặt đầu" tại Royal City (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) mới đây là một điển hình.
 
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) cho biết, chiều ngày 13-9-2017, đơn vị đã mời người đăng tải thông tin không có thật về vụ án mạng "chặt đầu" xảy ra tại Trung tâm thương mại Royal City. Cách đó một hôm, vào tối ngày 12-9, thông tin này được lan truyền trên Facebook gây xôn xao dư luận, kèm với đó là hình ảnh về một đám đông được cho là bảo vệ của trung tâm thương mại này.
 
Tại cơ quan điều tra, Đào Ngọc Khánh (20 tuổi, quê huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) khai nhận, vào khoảng 9h30 ngày 12-9, Khánh làm thêm ở một cửa hàng kinh doanh giày tại sảnh B2-R3-Royal City thì thấy có rất đông nhân viên bảo vệ của trung tâm thương mại tập trung tại sảnh và thang cuốn. Do hiếu kì về sự việc nên Khánh đã chụp ảnh lại bằng điện thoại và đăng lên tài khoản cá nhân của mình. 
 
Sau đó, Khánh tiếp tục công việc của mình cho đến 21h cùng ngày thì thấy thông tin của mình đã lan truyền trên nhiều nhóm lớn của Facebook. Nhiều người đã đặt câu hỏi về nội dung bức ảnh của Khánh là: "Làm sao bảo vệ tập trung đông như vậy?". Thấy vậy, Khánh nảy sinh ý định muốn nổi tiếng, được nhiều người biết đến nên đã sử dụng phần mềm chỉnh sửa nội dung bức ảnh bằng việc thêm dòng chữ: "Vừa có vụ án mạng tại Vincom Royal" vào bức ảnh gốc, sau đó đăng lên nhóm "Hóng biến hội" - một nhóm có hơn 500 ngàn người theo dõi trên Facebook.
 
Ngay sau khi cho đăng tải dòng trạng thái và bức ảnh đó, bài viết nhận được nhiều bình luận về thông tin không đúng sự thật. Thấy có vấn đề, Khánh đã chủ động xóa dòng trạng thái nhưng lúc đó bức ảnh của Khánh đã được lan truyền rất rộng. 
 
Theo lãnh đạo Phòng PC50 cho biết, hành vi của Khánh có dấu hiệu vi phạm "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, gây rối, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác" tại Điểm g, Khoản 3, Điều 66 - Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý.
 
Cũng giống như trường hợp của Đào Ngọc Khánh, trước đó, vào ngày 10-9-2017, trên mạng xã hội xuất hiện một clip dài hơn 13 phút có nội dung một người chạy xe gắn máy với tốc độ cao đi, theo hướng từ Bà Rịa xuống trung tâm Vũng Tàu. Đặc biệt, phía sau chiếc xe máy này có xe của CSGT đang hú còi đuổi theo.
 
Đã có lúc, xe CSGT vượt lên trên nhưng người đi xe máy đã lạng lách vượt qua. Trong clip còn được chèn thêm dòng chữ ghi "tốc độ bàn thờ 299km/h". Clip này được đăng tải lên rất nhiều trang mạng xã hội với thái độ rất hả hê. Sáng 12-9, Công an TP Vũng Tàu đã mời người quay clip nói trên là Huỳnh Trung Tín (21 tuổi, trú đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu) lên làm việc.
Thanh niên post ảnh kèm clip trêu CSGT
Thanh niên post ảnh kèm clip trêu CSGT
Khác với thái độ hả hê ban đầu khi đăng tải clip lên cộng đồng mạng, tại cơ quan Công an, Tín tỏ ra rất hối hận và thừa nhận, đoạn clip trên do mình đăng tải trên mạng xã hội với mục đích thu hút người theo dõi. Từ đó được nhiều người biết đến để bán hàng online, cụ thể là các loại phụ tùng xe.
 
Theo như lời khai của Tín thì clip nói trên được quay vào khoảng tháng 4-2017. Tín đi xe máy hiệu Honda Air Blade từ TP Hồ Chí Minh về Vũng Tàu. Khi đến đường Võ Nguyên Giáp (QL51, đoạn thuộc phường 12, TP Vũng Tàu) thì bị CSGT ra hiệu lệnh dừng xe vì chạy tốc độ cao nhưng Tín không chấp hành và bỏ chạy. 
 
Lúc này, một CSGT đã dùng xe đặc chủng đuổi theo và có hiệu lệnh yêu cầu dừng xe nhưng Tín vẫn không dừng mà tiếp tục phóng xe với tốc độ cao về vòng xoay 3 tháng 2 - cầu Cửa Lấp, rẽ sang quốc lộ 51B, ra đường Thống Nhất rồi về Xô Viết Nghệ Tĩnh và thoát khỏi sự truy đuổi của CSGT. 
 
Tại buổi làm việc, Tín cũng khai nhận trong quá trình bỏ chạy đã lạng lách, đánh võng để cản trở, không cho CSGT bắt được và có vượt đèn đỏ. Tất cả quá trình này đã được camera hành trình "Go Pro Hero 5 Black" gắn trên mũ bảo hiểm của Tín ghi lại. Chiều 12-9, một lãnh đạo Công an TP Vũng Tàu cho biết, sau khi Tín khai nhận sự việc, Công an đã cho Tín về và sẽ xử phạt Tín theo quy định của pháp luật.
 
Tuy nhiên, những vụ việc nói trên vẫn chưa trầm trọng bằng thông tin được một người phụ nữ đăng tải trên trang Facebook cá nhân của mình kèm một bức ảnh chụp trong sân bay Nội Bài với tiêu đề: "Mưa to quá máy bay rơi luôn… Thật là kinh khủng… Nội Bài này". Ngày 22-7, Phòng PC50 đã mời chủ nhân của trang facebook có tên P. T. M. đến làm việc để làm rõ hành vi tung tin đồn thất thiệt máy bay rơi tại Nội Bài, Hà Nội.
Cô gái tung tin đồn máy bay rơi trên facebook.
Cô gái tung tin đồn máy bay rơi trên facebook.
Tại cơ quan Công an, người phụ nữ này thừa nhận ngày 20-7 đã sử dụng một số hình ảnh máy bay rơi ở trên mạng và đăng tải lên trang facebook cá nhân của mình kèm theo lời bình ngụ ý rằng, có vụ máy bay rơi tại Sân bay Nội Bài. 
 
Theo người phụ nữ này khai nhận, mục đích của việc đăng tải thông tin máy bay rơi để "tạo sự chú ý", câu like và tăng lượt người theo dõi nhằm phục vụ hoạt động bán hàng trên mạng. Cơ quan Công an đã củng cố hồ sơ vụ việc để có hình thức xử lý nghiêm đối với hành vi tung tin đồn thất thiệt của người phụ nữ này.
 
Điều đáng nói ở đây là sự "ngây thơ" trong tiếp cận thông tin của người đọc. Facebook đã trở thành một trang thông tin lớn nhưng điểm trừ của nó chính là thông tin trên đó không hề được kiểm chứng. Cũng vì thế, chỉ bằng một vài hình ảnh, một vài thông tin mơ hồ như những vụ việc nói trên được đưa lên mạng cũng khiến hàng chục, hàng trăm ngàn người tin và tiếp tục chia sẻ. 
 
Dường như chỉ có một số ít người tỉnh táo trước những thông tin lan truyền trên mạng, họ chỉ tin tưởng khi có bằng chứng xác thực hoặc nó được đăng tải bằng những nguồn đáng tin. Thế nhưng, biết được điều đó, những người "câu like" lại ngụy tạo những hình ảnh, những clip thật hơn chỉ để tăng lượng người theo dõi.
 
Cụ thể như vụ việc "lấy nước rửa chân pha trà đá", người quay clip đã dàn dựng từ người pha nước cho đến người uống nước đều là nhân viên của mình. Để rồi khi đăng tải clip đó lên cộng đồng mạng đã khiến hầu hết mọi người tin tưởng và lên tiếng phê phán quán trà đá nói trên. Vụ việc đó đã khiến người bán hàng thật sự bị cấm bán ngay sau đó. Tuy nhiên, người quay clip cũng phải lãnh hậu quả khi sau đó bị triệu tập lên cơ quan Công an làm việc và bị phạt 7,5 triệu đồng vì đăng thông tin sai sự thật, bôi nhọ danh dự nhân phẩm người khác.
 
"Câu like tàn nhẫn", đó là những gì mà cộng đồng mạng nói về những kẻ bất chấp mọi thứ để kiếm lượng tương tác như trong những vụ việc nói trên. Với tình trạng ngày càng có nhiều người muốn kiếm tiền từ "mỏ vàng" Facebook, chắc chắn sẽ còn rất nhiều kẻ thích "câu like" như vậy bất chấp hậu quả xảy đến với mình. Người đọc, người sử dụng Facebook sẽ phải thật sự tỉnh táo để tự bảo vệ bản thân, tránh bị lừa trước những thông tin ảo, không có thật ấy. 

Nguồn: Đinh Phong/CAND

Các tin khác