Phóng sự

Vụ trọng án lúc nửa đêm và nỗi đau của hai người mẹ

09:26, 29/05/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Chỉ vì xích mích trên “facebook” hai thanh niên đã hành động thiếu kiềm chế khiến 1 người mất mạng, một người mắc vòng lao lý.

Trong lúc ngứa tay, Hậu vào facebook chê Khanh xấu mà tán được gái xinh. Từ câu nói này mà Khanh và Hậu chửi nhau trên facebook. Cho rằng mình bị sỉ nhục, Khanh tìm đến quán internet Hậu đang ngồi chơi điện tử và tung ra một cú đấm thẳng vào mặt người nói xấu mình.Không chịu thua, Hậu dùng dao đâm thẳng vào vùng hiểm của Khanh khiến nạn nhân tử vong sau đó.

Ngày 24-5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ trọng án này.

Vụ án đau lòng này bắt nguồn từ trưa 17-5-2016, trong lúc rảnh rỗi, Vũ Mạnh Hậu (22 tuổi, trú tại xã Phú Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vào facebook và thấy tài khoản facebook "Chồng Ánh" trong danh sách bạn bè của mình để ảnh đại diện của Lê Ngọc Khanh (19 tuổi, trú tại xã Phú Mỹ, huyện Phú Xuyên).

Hậu viết bình luận "xấu thế mà cũng tán được gái xinh". Khanh lập tức đáp trả “đối thủ” với những từ ngữ mang tính kích động dẫn đến xảy ra mâu thuẫn và cả hai chửi nhau trên facebook.

 Bị cáo Hậu trước giờ xét xử.
Bị cáo Hậu trước giờ xét xử.

Khoảng 20h30 cùng ngày, Khanh đến quán internet "Ông già Phố Sổ" ở thị trấn Phú Xuyên chơi điện tử, nhưng biết Hậu đang ở trong quán nên không vào. Đứng ở bên ngoài, Khanh gặp nhóm bạn nên kể lại việc bị Hậu nói xấu trên facebook và cả hai đã xích mích.

Nhóm bạn khuyên Khanh gọi Hậu ra ngoài giải quyết chứ không đánh nhau trong quán vì có nhiều chai lọ thuỷ tinh gây nguy hiểm.

Suy nghĩ một lát, Khanh nhờ bạn vào quán gọi Hậu ra nói chuyện với mình. Hậu vẫn ngồi chơi điện tử và nói vọng ra: "Nó là bố tao à mà tao phải ra" rồi tiếp tục dán mắt vào màn hình máy tính.

Vào hồi 21h30 phút, Khanh vào quán internet, đến gần Hậu và tung ra cú đấm thẳng vào mặt anh này rồi bỏ ra ngoài. Sau một phút choáng váng, Hậu ra bên ngoài gặp Khanh và hai bên đánh nhau.

Được người dân khu vực can ngăn nên cả hai không đánh nhau nữa nhưng vẫn lời qua tiếng lại. Trong lúc thiếu kiểm soát, Hậu nhớ đến con dao nhọn để ở xe máy nên chạy lại cầm dao đâm hai nhát vào ngực Khanh khiến anh này gục ngã. Thấy Hậu chưa chịu dừng lại hành vi nguy hiểm, người dân đã tước dao và tách Hậu ra khỏi Khanh.

Vậy nhưng trước khi bỏ đi, Hậu vẫn cầm gạch đập thêm hai nhát vào đầu Khanh khi nạn nhân đã mất khả năng chống cự. Khanh được đưa đi cấp cứu ngay nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong sau đó. Biết tin này, Hậu đã đến cơ quan Công an đầu thú.

Phiên toà xét xử vụ án có nhiều người tham dự, trong số đó phần lớn là người thân trong gia đình bị cáo và gia đình nạn nhân. Tiếp xúc với họ, chúng tôi được biết, Hậu và Khanh tuy sinh ra và lớn lên cùng làng nhưng không chơi với nhau.

Trước ngày xảy ra vụ án này, Khanh và Hậu đã từng có xích mích. Một trong những lần xô xát khiến Hậu nhận thua thiệt khi bị Khanh và nhóm bạn cho Hậu vào bao tải ném xuống ao. Đây chính là lý do khiến hai thanh niên cùng làng này không chơi với nhau được.

Cùng là con nhà nông, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng Hậu lớn hơn Khanh 3 tuổi nên đã tự tìm được việc kiếm sống. Hàng ngày, Hậu đi lắp thiết bị Inox cho các gia đình có nhu cầu.Mỗi lúc rảnh rỗi, Hậu lên mạng tán gẫu với nhóm bạn hoặc đến của hàng internet ở thị trấn huyện chơi.

Khanh 18 tuổi chưa có việc làm riêng mà chỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ công việc thường ngày. Giống như Hậu, Khanh cũng hay vào mạng và thích chơi điện tử.

Bị cáo Hậu nghe HĐXX tuyên án.
Bị cáo Hậu nghe HĐXX tuyên án.

Trước khi phiên toà diễn ra, mẹ của bị cáo và mẹ của nạn nhân ngồi trong phòng xử án với tâm trạng khá giống nhau. Trong khi mẹ của nạn nhân cứ ôm chặt di ảnh của con mà khóc thì mẹ của bị cáo cũng nước mắt lưng tròng khi nhìn thấy con được Cảnh sát trại tạm giam áp giải tới phòng xử án.

Hơn một năm qua, người mẹ lam lũ này chẳng có nhiều cơ hội thăm nuôi con mình ở trại tạm giam. Chồng chị năm nay 46 tuổi nhưng vừa ốm yếu, vừa mắc bệnh động kinh nên chẳng giúp vợ con được nhiều. Chị sinh được ba người con thì Hậu là cả, tiếp sau là hai em gái đang tuổi ăn học.

Trước khi Hậu có việc làm thì mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do chị lo liệu. Nghe Hậu nói có việc làm rồi cũng là lúc chị vơi bớt gánh nặng gia đình. Cũng vì gia cảnh khó khăn nên sau bao năm vất vả nuôi con khôn lớn, năm nay chị bước vào tuổi 45 nhưng trông già hơn cả chục tuổi.

Hoàn cảnh gia đình nạn nhân cũng khó khăn. Mẹ nạn nhân cùng lứa tuổi với mẹ bị cáo. Dù hai đứa con trai không chơi với nhau, nhưng hai người mẹ này ở quê luôn nặng tình làng nghĩa xóm. Trước khi xảy ra vụ trọng án, hai người mẹ này vẫn sống chan hoà với nhau và chưa ai thấy điều tiếng gì về họ.

Thời điểm sự việc đau lòng xảy ra khi Khanh mất, Hậu bị bắt tạm giam, mẹ của Hậu đã chủ động sang nhà thắp hương cho Khanh và thăm hỏi gia đình. Dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng nhận thức rõ hành động của con mình gây mất mát quá lớn cho gia đình nạn nhân nên mẹ Hậu đã vay mượn để có được số tiền 58 triệu đồng đưa cho bố mẹ Khanh, với mong muốn chuộc một phần tội lỗi cho con mình.

Cùng là phụ nữ đã từng mang nặng đẻ đau và nuôi con trai gần 20 năm, mẹ nạn nhân cũng hiểu được nỗi niềm của mẹ bị cáo. Có người mẹ nào không đau lòng khi thấy con mình gây ra tội ác này.

Nếu mẹ nạn nhân phải chịu nỗi đau không thể bù đắp là mất con thì ở bên kia, mẹ bị cáo cũng đau không kém khi chứng kiến cảnh con vào tù và phải đối diện với khung hình phạt cao nhất. Vì thế mà ngay từ ngày xảy ra vụ án đến nay, người dân khu vực thấy rất ít khi hai người mẹ này nặng lời với nhau. Lý do vì họ đã quá hiểu nhau trong cuộc sống và thực sự cảm thông cho nhau khi hai đứa con trai tự gây ra hành động điên rồ này.

Dù mang theo di ảnh của con đến phòng xử án, nhưng trong suốt phiên xử, mẹ của nạn nhân tuyệt nhiên không có lời lẽ và hành động gây áp lực cho Hội đồng xét xử và gia đình bị cáo. Điều duy nhất mẹ nạn nhân làm là ôm di ảnh con và thổn thức bằng những tiếng nấc nghẹn ngào.

Mẹ nạn nhân ôm di ảnh con, mẹ bị cáo thẫn thờ phía sau.
Mẹ nạn nhân ôm di ảnh con, mẹ bị cáo thẫn thờ phía sau.

Ngồi ngay ở hàng ghế sau, mẹ bị cáo cũng thẫn thờ như mất hồn. Suốt phiên xử, cả hai người mẹ này dường như chẳng nghe rõ được lời nào. Mọi câu hỏi của Hội đồng xét xử hoặc là chồng, hoặc là người thân trong gia đình của hai người mẹ này trả lời thay.

Bố nạn nhân kể lại "Từ khi cháu Khanh ra đi, vợ tôi chẳng làm được việc gì. Người lúc nào cũng như mất hồn, thỉnh thoảng lại hoảng loạngọi Khanh ở đâu về nhà với mẹ".

Quá trình luận tội, sau khi phân tích, đánh giá toàn diện vụ án, vị đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố nêu quan điểm, hành vi của bị cáo Hậu thể hiện tính côn đồ khi quyết thực hiện tội phạm đến cùng dẫn đến hậu quả là nạn nhân đã chết.

Vì thế cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung trong xã hội. Tuy nhiên, nguyên nhân xảy ra vụ án này cũng có lỗi của nạn nhân khi bất ngờ tấn công bị cáo từ phía sau trong tình huống không thể phản kháng.

Khi biết tin nạn nhân đã chết, Hậu chủ động tới cơ quan Công an đầu thú. Quá trình điều ra và xét xử, bị cáo thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan tố tụng nhanh chóng làm rõ bản chất vụ án. Đây, những tình tiết để áp dụng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Với quan điểm này, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo mức án tù không thời hạn.

Khi Hội đồng xét xử nghị án, trong khi người thân trong gia đình bị cáo tranh thủ phút giây ít ỏi này để nói chuyện với Hậu thì hai người mẹ cùng ra dãy ghế ngoài hành lang cùng gọi tên con và khóc nức nở.

Mỗi người một tâm trạng khác nhau, nhưng họ cùng có điểm chung khi một người đã mất con, người còn lại dù hôm nay nhìn thấy con trước mặt đây, nhưng chưa biết đến khi nào mới có thể đón con trở về gia đình. Nhìn cảnh hai người mẹ này, những người dự phiên toà đều tỏ thái độ đồng cảm và sẻ chia mất mát với họ.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đưa ra nhận định đồng quan điểm với đại diện Viện Kiểm sát và tuyên phạt bị cáo Hậu tù chung thân về tội giết người, quy định tại khoản 1, Điều 93, Bộ luật Hình sự. Vụ án đã kết thúc.

Kẻ gây án đã bị pháp luật trừng phạt xứng với tội danh. Nhưng điều khiến người ta còn phải nghĩ rất nhiều chính là cách hành xử của hai thanh niên cùng làng.

Chỉ vì thiếu suy nghĩ, vì muốn thể hiện cái tôi quá lớn của mình mà Hậu và Khanh đã tự rước họa vào thân để đến nỗi một người ra đi mãi mãi, người còn lại thì phải nhận hình phạt rất nghiêm khắc. Không những vậy, cả bị cáo và nạn nhân còn để lại nỗi đau cho bao người thân trong gia đình, đặc biệt là hai người mẹ.

Theo CSTC/Báo CAND

Các tin khác